Giải pháp mới cho bệnh nhân tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường phải đưa insulin vào cơ thể |
Một hướng đi mới trong việc điều trị bệnh tiểu đường đã hé mở khi các nhà khoa học tại Đại học Toronto, Canada tìm thấy các tế bào gốc trong tuyến tụy của chuột. Tế bào gốc có thể phát triển thành tế bào có khả năng sản xuất insulin.
Thông thường, đường trong cơ thể bị oxy hóa bởi hoóc môn tụy tạng insulin để tạo ra năng lượng. Insulin do tế bào beta trong tụy sản xuất ra. Ở bệnh nhân tiểu đường Type 1, các tế bào beta của họ đã bị tiêu diệt nên không có insulin để oxy hóa đường, dẫn đến tình trạng thừa đường trong máu. Họ phải tự đưa insulin vào để kiểm soát lượng đường trong cơ thể.
Tế bào gốc có khả năng phân chia thành nhiều loại tế bào khác nhau, trong đó có tế bào thần kinh và tế bào beta. Như vậy, nếu tế bào gốc có ở trong cơ thể người, các nhà khoa học có thể tạo ra tế bào beta để sản xuất insulin ngay trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường Type 1, mà không cần đưa insulin từ ngoài vào.
Theo tiến sỹ Simon Smukler, trưởng nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian và công sức tìm kiếm tế bào gốc ở tụy. Vì thế việc hiện ra tế bào gốc trong tụy người trưởng thành sẽ rất có ý nghĩa. Nhiệm vụ của nhóm bây giờ là chứng minh những tế bào mà họ tìm thấy ở chuột là tế bào gốc thực sự. Một chuyên gia khác cho biết họ đang thử nghiệm để xem liệu các tế bào beta được tạo ra từ tế bào gốc có thể phục hồi lượng đường glucose ở bệnh nhân tiểu đường hay không. Sau đó họ sẽ chuyển hướng sang thử nghiệm trên người.
Việt Linh (theo BBC)