Để trẻ em có giấc ngủ ngon
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào nhưng nhiều nhất là thời kỳ 1-3 tuổi. Người ta phân biệt các loại rối loạn giấc ngủ:
- Thực tổn: Có tổn thương thực thể.
- Không thực tổn: Không có tổn thương.
- Thể chất (somatique): Có nguyên nhân là bệnh ở một bộ phận nào đó trong cơ thể.
- Tinh thần (psychique): Có nguyên nhân từ cảm xúc, tâm lý, các stress tinh thần kinh.
Sự mất ngủ của các em phần nhiều là loại không thực tổn và tinh thần.
Rối loạn giấc ngủ không thực tổn bao gồm các trạng thái mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức - ngủ.
- Mất ngủ: Sự không thỏa mãn về số lượng và/hoặc chất lượng giấc ngủ, tồn tại trong thời gian dài. Rối loạn giấc ngủ quá 3 lần/tuần, kéo dài trong một tháng trở lại là mất ngủ. Mất ngủ có thể là khó ngủ, khó duy trì giấc ngủ, hoặc thức dậy quá sớm. Mất ngủ cũng có thể là triệu chứng của một bệnh. Cần lưu ý là trẻ hay bị gán cho hội chứng “khó ngủ”, nhưng thực ra đó là sự khó quản lý thời gian ngủ nhiều hơn là bản thân giấc ngủ.
- Ngủ nhiều: Trạng thái ngủ ngày quá mức và những giấc ngủ kéo dài sang pha tỉnh táo lúc thức tỉnh. Ngủ nhiều có thể do bệnh hoặc không rõ nguyên nhân.
- Rối loạn nhịp thức - ngủ: Thiếu tính đồng bộ (desynchronisation) giữa nhịp thức - ngủ của cá nhân và nhịp thức - ngủ mong muốn của nhiều người, dẫn đến mất ngủ hoặc ngủ nhiều. Có thể mất ngủ trong thời gian chính (là thời gian cần ngủ) và ngủ nhiều trong thời gian thức.
Tóm lại: Có một giấc ngủ bình thường là rất quý. Muốn vậy, phải luyện tập để có thói quen ngủ ngon. Rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tới sự lớn và phát triển, tới trí thông minh sau này của các em.