Để trẻ em có giấc ngủ ngon
Thức đêm ở trẻ 4-8 tháng tuổi
Trong những trẻ mắc chứng thức đêm thuộc lứa tuổi này, chúng tôi tạm chia thành 2 nhóm:
- Nhóm 1: Nhóm này chiếm khoảng 20% số trẻ, chủ yếu là 4-5 tháng tuổi, thức đêm do đau bụng (colic). Chúng không những thức đêm thường xuyên mà tổng thời lượng ngủ cũng ít. Các cháu trai hay giãy đạp bất thường vào ban đêm hơn các cháu gái. Nếu trước đó, các cháu được điều trị chứng đau bụng bằng đủ loại thuốc hữu hiệu thì đến giai đoạn này, chúng vẫn hay thức đêm.
Những trẻ này thường quá tỉnh táo, tính khí bất thường, hay thức giấc ban đêm, khóc liên tục, đặc biệt là lúc chập tối và đầu hôm do đau bụng (colic). Việc chăm sóc quá nhiều đến giấc ngủ đêm và giấc ngủ ngày cũng không thể giúp trẻ hết thức đêm.
Tuy vấn đề không nghiêm trọng nhưng nếu trẻ thức đêm nhiều và liên tục, sức khỏe về sau sẽ bị ảnh hưởng.
- Nhóm 2: Nhóm này chiếm khoảng 10% số trẻ, hay thức đêm do ngáy nhiều và thở bằng miệng khi ngủ.
Phần lớn số trẻ này khó thở do có bệnh dị ứng. Do trẻ không đau bụng, không khóc thét khi thức dậy nên đa số cha mẹ không coi đây là vấn đề nghiêm trọng. Kết quả là chúng ngày càng ngáy to, giấc ngủ ngắn hơn các trẻ khác.
Lịch biểu ngủ không đúng
Việc đi ngủ quá muộn hay thức dậy quá sớm cũng là những nguyên nhân gây ra chứng thức đêm ở trẻ. Có cháu phải được dỗ dành, đu đưa 2-3 giờ liền mới thiếp đi, rồi sau đó lại thức dậy. Những trẻ này thường thức giấc 3-4 lần trong đêm, thậm chí có đêm 10 lần. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tăng thời kỳ tiềm ẩn đi vào giấc ngủ đối với trẻ, làm cháu tỉnh giấc luôn, rối loạn giấc ngủ, dễ thức dậy ban đêm, dễ bị kích thích hoặc trở thành trẻ quá hiếu động.
Biểu hiện thường thấy ở các trẻ này là hay giãy giụa khi ngủ. Những trẻ khỏe mạnh vẫn hay giãy đạp khi ngủ nhưng không nhiều và chỉ trong thời gian ngắn. Còn những trẻ thức đêm do lịch biểu ngủ không đúng thường giãy đạp lâu cả 4 chi do quá mệt vì không được nghỉ đủ. Việc cơ quan vận động luôn hoạt động ở tốc độ cao khi thức cũng như khi ngủ như vậy là dấu hiệu giấc ngủ bị rối loạn.
Các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ
- Lịch ngủ bất thường (ngủ muộn, thức dậy muộn, ngủ trưa sai giờ...)
- Thời lượng ngủ quá ngắn( tổng thời lượng ngủ không đủ).
- Giấc ngủ bị gián đoạn (hay thức dậy)
- Thiếu giấc ngủ ngày (không ngủ ngày hay ngủ ngày quá ít thời gian).
- Thời gian chuẩn bị ngủ kéo dài (lâu ngủ).
- Giãy giụa quá nhiều trong khi ngủ (ngoẹo đầu, lật người nhiều lần).
Những lầm tưởng về nguyên nhân thức đêm
Hiện tượng thức đêm ở trẻ em không phải do ăn quá nhiều đường, hạ đường huyết ban đêm, thiếu kẽm hay nhiều giun (đặc biệt là giun kim).
Thức đêm cũng không phải do mọc răng, mặc dù vấn đề mọc răng của trẻ em nước ta đang cần được nghiên cứu thêm. Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ có sự liên quan giữa chuyện mọc răng với chứng thức đêm ở trẻ. Đầu thế kỷ XX, ở Anh có đến 5% trẻ em chết vì những vấn đề liên quan đến răng. Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề mọc răng trên 230 trẻ em (từ 4 đến 30 tháng tuổi) và nhận thấy, đau răng, mọc răng không gây sốt, bạch cầu không cao, không viêm. Quan trọng hơn là đau răng không phải nguyên nhân gây thức đêm. Họ khẳng định rằng tình trạng thức đêm ở trẻ rất có thể do thiếu giấc ngủ ngày, bị kích thích quá mức hoặc lịch biểu ngủ không bình thường, chứ không phải do mọc răng. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần bảo vệ răng cho trẻ.
Sự đau đớn tăng lên trong đêm cũng không làm cho trẻ thức đêm. Một nghiên cứu trên gần 2.200 em từ 6 đến19 tháng tuổi cho thấy, 16% cháu bị đau ở chân, đùi, gối, và thường đau vào chiều hoặc tối. Nhưng so với những trẻ không đau, những cháu này không có gì khác biệt về thức đêm. Nói cách khác, đau không liên quan đến thời gian phát triển của đứa trẻ. Việc xoa bóp, đắp nóng… về đêm có thể làm đau thêm cho các cháu chứ không giảm được cái đau do thực tổn gây ra.