Để trẻ em có giấc ngủ ngon (23)
Giải quyết những rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4-12 tháng tuổi
Phương pháp giảm thức đêm
- Làm giảm dần thức đêm:
Nội dung phương pháp này giống như giúp một người tập xe máy: Đầu tiên giữ thăng bằng, sau buông tay ra, để người tập tự đi một mình. Đối với trẻ hay thức đêm cũng vậy, đầu tiên là thức cùng với cháu (không chăm sóc gì cả), cho cháu uống sữa, sau thức ngắn dần đồng thời chai sữa cũng pha loãng dần rồi chỉ cho bú nước. Cuối cùng là giảm thời gian tiếp xúc và không đáp lại yêu cầu của cháu, để cháu ngủ theo ý muốn.
- Dứt điểm:
Cần lập một chương trình cai thức đêm cho cháu. Thoạt đầu, bác sĩ nhi khoa giải thích tầm quan trọng của giấc ngủ đêm và giấc ngủ ngày điều hoà đối với bố mẹ cháu, sau đó đến giờ ngủ, cả ngủ ngày và ngủ đêm, đặt cháu xuống giường cho cháu ngủ một mình.
Trong vài hôm đầu, cháu sẽ khóc nhiều nhưng mẹ không được vào, để từ từ cháu sẽ ngủ. Vài hôm sau cháu quen dần, tự ngủ được và hết khóc.
Tóm lại:
- 3 tháng tuổi: Trẻ ngủ theo nhu cầu.
- Từ 4 đến 8 tháng tuổi: Trẻ ngủ theo nhịp sinh học bản thân, gồm 1 giấc ngủ đêm (từ 7-9 giờ tối đến 5-7 giờ sáng) và 2 giấc ngủ ngày (giữa sáng và đầu chiều).
- Từ 9 đến 12 tháng tuổi: Thời lượng ngủ ít hơn trước do trẻ trưởng thành lên, nghịch ngợm nhiều. Trẻ ít ngủ ngày do bên ngoài nhiều kích thích, lo âu xa mẹ, lịch ngủ bất thường… dẫn đến thiếu ngủ. Phải bảo vệ giấc ngủ ngày và đêm của trẻ. Những trẻ trước đó có hội chứng đau bụng thường hay thức đêm, phải chữa bằng các phương pháp “làm giảm dần” và “dứt điểm”.