Để trẻ em có giấc ngủ ngon (23)
Trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi
Thời gian này, trẻ đã biết đi, biết nói, đã phát triển cá tính. Vì vậy, phải đối xử với bé vừa như với trẻ con, vừa như với người lớn. Không nên nói nhiều, nói dài và dọa nạt cháu trước khi ngủ.
Đặc điểm của trẻ 12-36 tháng tuổi:
- Biết đi: Mở đầu giai đoạn tích cực tìm hiểu ngoại giới.
- Biết nói: Bên cạnh thế giới vật chất bên ngoài, trẻ có thêm một thế giới biểu tượng bên trong.
- Tách khỏi mẹ: Thời kỳ hoà mình với mẹ đã hết, trẻ bắt đầu tách khỏi mẹ. Đây là thời kỳ duy kỷ, muốn mọi việc vì mình.
- Quan hệ với bố mẹ căng thẳng: Đây là dấu hiệu xuất hiện cá tính, độc lập. Từ những đặc điểm này, giấc ngủ của trẻ cũng thay đổi.
Từ 12-23 tháng tuổi
Từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 21, giấc ngủ của trẻ rút ngắn từ hai giấc ngủ ngày còn một. Sự quá độ này không phải luôn dễ dàng, vì nếu trẻ chỉ ngủ một giấc thì không đủ, mà hai giấc thì không thể. Cha mẹ phải có cách chuyển hợp lý để trẻ cảm thấy dễ chịu.
Đối với nhiều bé, giấc ngủ ngày được rút xuống một cách tự nhiên, không gây mệt mỏi (rút giấc ngủ sáng hoặc chiều, cũng có thể rút xen kẽ). Tuy nhiên, nhiều trẻ cảm thấy mệt mỏi nếu không có giấc ngủ ngày thứ hai. Nếu không thể thực hiện được 2 giấc ngủ ngày, trong khi một giấc ngủ lại không đủ, bố mẹ nên thực hiện 2 biện pháp sau:
- Cho bé đi ngủ sớm. Trong trường hợp này, những người đi làm về muộn sẽ buồn vì không được vui với con. Có thể khắc phục bằng cách dậy sớm để bố mẹ, con cái cùng chơi đùa trước khi bố mẹ đi làm.
- Tập cho bé ngủ thành nếp, một số ngày 2 giấc, một số ngày một giấc, tuỳ thuộc vào thời điểm bé thức dậy, thời lượng ngủ, hoạt động của bố mẹ, và thời gian mà bạn muốn cho con ngủ về đêm. Nên theo dõi, sắp xếp hợp lý giấc ngủ ngày và giấc ngủ đêm theo yêu cầu ngủ của cháu.
Như vậy, nếu kết hợp lịch công việc của bố mẹ với yêu cầu ngủ của con, ta sẽ định ra được một kiểu ngủ ngắn nào đấy. Việc cho trẻ ngủ bao nhiêu lâu là do bạn định đoạt, miễn là bé thấy thoải mái, dễ chịu.
Từ 23-36 tháng tuổi
Các bé lứa tuổi này thường hay sợ, sợ ảo mộng, sợ phân ly, sợ bóng tối, sợ ma quỷ, sợ chết, sợ xa lìa. Sấm sét, chó sủa, chớp giật... cũng làm bé hoảng sợ. Những nỗi sợ này rất dễ gây rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, nếu con bạn ngủ ngon, ngủ say, ảnh hưởng của những hiện tượng trên sẽ không đáng kể. Trước khi cho bé ngủ, bạn nên vén màn lên, mở cửa, để đèn, làm đủ thủ tục ngủ để giúp bé hết sợ. Nếu trẻ ngủ tốt, mọi việc đều sẽ qua.
- Thủ tục và lịch biểu: Ở nước ngoài, trước khi ngủ, trẻ em cần làm các thủ tục như đánh răng, rửa tay, chào và hôn cha mẹ. Sau đó, bố mẹ đưa con về phòng, khép cửa, tắt đèn, đắp chăn cho con. Rồi bố mẹ đi ra, con ngủ.
Vào khoảng 2 tuổi, phần lớn trẻ đi ngủ lúc 7-9 giờ tối, thức dậy lúc 6.30-8 giờ sáng. Đa số (70%) chỉ ngủ trưa một giấc ngắn trong khoảng 1-3 giờ. Hãy cố thu xếp giờ giấc để con ngủ ngày và ngủ đêm đẫy giấc, đồng thời cho trẻ làm các thủ tục ngủ đêm cho đầy đủ. Thủ tục này không nên cứng nhắc vì mỗi ngày, mỗi gia đình một khác. Cần sắp xếp các thủ tục đều đặn và hợp lý.
Cần nhớ là lối sống có thể tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho kiểu ngủ của con. Nhưng lối sống hay kiểu ngủ đều thay đổi tự nhiên như thời tiết hay thuỷ triều, nghĩa là theo sự lớn lên của trẻ và hoàn cảnh gia đình.
- Giường ngủ: Bé thì ngủ nôi, lớn thì ngủ giường. Nhưng bao giờ nên chuyển con sang giường lớn hơn? Không có quy định nào cả. Khi nào bạn cảm thấy nôi quá chật thì chuyển con sang giường mới.
Để duy trì giấc ngủ ngon, không nên di chuyển và thay đổi giường ngủ của trẻ. Nếu bạn sinh thêm con, hãy khéo léo chuyển cháu sang giường khác mà không làm cháu phật ý.
Cũng không nên chuyển trẻ sang buồng mới có tiếng động quá ồn ào. Không nên bật đèn, lấy nước khi trẻ đang ngủ khiến cho các thói quen khi ngủ của trẻ bị đảo lộn, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ lại khi thức giấc.
Bạn cũng đừng cho trẻ ăn kẹo thay cơm hoặc gần bữa cơm. Đừng lẫn lộn nhu cầu và đòi hỏi của trẻ, lẫn lộn kêu khóc do bệnh với kêu khóc chống đối.