Để trẻ em có giấc ngủ ngon
Những vấn đề cần chú ý
Có một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ như chuyển nhà, đi nghỉ hay du lịch dài ngày, con ốm hay bị chấn thương... Nếu không hiểu và chủ động giải quyết, sự rối loạn giấc ngủ có thể trở thành mạn tính, rất khó chữa.
1. Chuyển nhà
Khi mới chuyển nhà, do lạ chỗ, trẻ thường lo lắng, không ngủ yên, mỏi mệt, huyết áp tăng, sợ sệt. Cần phải động viên, làm trẻ quen dần với môi trường để ngủ yên.
Nếu trẻ dưới 1 tuổi, chúng có thể thay đổi kiểu ngủ và thức đêm. Nhưng nếu trước đó cháu ngủ bình thường thì chỉ sau vài ngày là ổn, cháu lại ngủ lại như cũ.
Nếu trẻ đã được vài tuổi, sự hồi phục giấc ngủ sẽ chậm hơn. Cháu khó ngủ, hay thức đêm, ban ngày không chợp mắt. Cần động viên, làm cho cháu không hoảng sợ nơi ở mới bằng cách đưa sang hàng xóm làm quen, dẫn đi dạo xung quanh, xem những cảnh đẹp nhằm giúp cháu yêu thích nhà mới. Ban đêm, trước khi đi ngủ, nên có người bên cạnh, hoặc mở cửa, bật đèn cho cháu đỡ sợ. Khi cháu đã ngủ yên mới nên tắt đèn, buông rèm, hay đóng cửa. Những người lớn phải tỏ ra yêu thích nhà mới, bình tĩnh như không có gì xảy ra để cho cháu yên tâm.
2. Đi nghỉ
Đối với trẻ em, chỉ nên đi nghỉ ngắn ngày. Nếu phải đi đến nơi cách nhiều múi giờ trong một thời gian dài, bạn phải điều chỉnh giấc ngủ cho cháu. Tốt nhất là lấy lại đồng hồ như giờ địa phương, ngủ và hoạt động như người bản xứ, cố giữ cho sinh hoạt không đảo lộn. Lâu ngày cháu sẽ quen.
Nếu nghỉ hè, đi biển, nên chơi trong chỗ mát, có dù che, tôn trọng những thú vui mới lạ của cháu như nhặt sò, ốc, tìm cua, cáy, làm đụn xây cát… Có thể chấp nhận việc đảo lộn thói quen ngủ của cháu trong vài ngày, cốt để thư giãn đầu óc. Khi trở về nhà, cha mẹ lại đưa dần cháu vào lịch biểu cũ. Việc này sẽ loạc choạc trong vài ngày đầu, nhưng bố mẹ phải nói rõ là đã hết ngày nghỉ để các con đưa mọi sinh hoạt vào nền nếp cũ. Vài ngày đầu, trẻ có thể không chịu ngủ trưa, đêm thức khuya, ngủ muộn, nhưng sau sẽ quen dần. Đừng đưa vào quy củ nhanh và khắt khe quá; cứ từ từ, mọi việc sẽ ổn.
3. Trẻ ốm yếu
Một đứa trẻ ốm yếu, quặt quẹo sẽ hay thức đêm, quấy khóc vì giấc ngủ không sâu. Trẻ em khỏe cũng có thức đêm, nhưng sau vài ngày trẻ sẽ lại có giấc ngủ ngon. Tất nhiên, trẻ còn có thể thức đêm vì đau và sốt khi bị viêm nhiễm (như viêm tai giữa chẳng hạn) hoặc quá bận rộn, mê mải với việc học tập.
Khả năng tự ngủ lại của trẻ ốm yếu là rất kém nên một khi đã thức, cháu khó ngủ lại. Có thể xảy ra ba tình huống:
- Khi ốm đau, trẻ được nuông chiều nhiều. Sau khi khỏi, trẻ đã quen thức đêm để chơi đùa với bố mẹ, để ở bên mẹ được lâu. Trường hợp này, ta phải khéo léo dỗ cháu đi ngủ, tạo địa điểm và không khí dễ ngủ như tắt đèn, giữ yên lặng. Việc bố mẹ mệt mỏi, cáu kỉnh vì con thức đêm nhiều cũng làm cho con tỉnh ngủ, thức dậy luôn. Đó là điều cha mẹ phải chú ý.
- Khi con ốm, bố mẹ hay vào phòng con để chăm sóc, đến lúc con khỏe, bố mẹ ít hoặc không vào. Vì mong bố mẹ vào phòng, trẻ thường khóc thật to để đòi. Nhiều bố mẹ thường cảm thấy khó xử vì không biết con khóc do làm nũng hay đau yếu. Cần tỉnh táo để phân biệt cho rõ.
Thông thường, nếu ốm nhẹ, cháu vẫn chịu chơi, ăn ngủ bình thường. Trẻ có thể sẽ thức đêm đôi chút nhưng bố mẹ vẫn có thể yên tâm để trẻ ngủ một mình. Tuy nhiên, khi trẻ ốm yếu nhiều, đau cấp tính, hay thức đêm, quấy khóc, giãy đạp... thì bố mẹ phải ở cùng với con cho đến khi lành hẳn bệnh.
4. Chấn thương
Các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 200 trẻ em 4-8 tháng tuổi, trong đó có một số em thuộc diện khó quản lý (tính khí bất thường, chậm thích ứng, rụt rè, căng thẳng). Họ nhận thấy sau 2 năm, những em này hay bị chấn thương (chẳng hạn như rách da đầu) hơn các em thuộc diện dễ quản lý. Các tác giả kết luận: Trong hai năm đầu đời, khoảng 1/3 số trẻ khó quản lý hay bị chấn thương nghiêm trọng, trong khi ở nhóm trẻ dễ quản lý, tỷ lệ này chỉ có 5%.
Một nghiên cứu khác cũng ở lứa tuổi 4-8 tháng cho thấy, thời lượng ngủ ở nhóm khó quản lý ít hơn 3 giờ so với nhóm kia. Khi trẻ lên 3 tuổi, sự chênh lệch này còn 1h 30 nhưng do giấc ngủ ngắn, khí chất quá hiếu động, dễ bị kích thích, thiếu chú ý nên những trẻ này hay bị chấn thương.
Theo một nghiên cứu trên 7.000 đứa trẻ 1-2 tuổi, có sự liên quan chặt chẽ giữa mỏi mệt và chấn thương. Mỏi mệt ở đây được đánh giá bằng thức đêm. Thức đêm được tiêu chuẩn hóa là thức từ 5 đêm/tuần trở lên, cùng với một trong các điều kiện sau:
- Thức trên 3 lần/đêm.
- Thức từ 20 phút/đêm trở lên.
- Con tự đi vào phòng bố mẹ.
Tác giả nhận thấy, 40% số trẻ thức đêm bị chấn thương, trong khi tỷ lệ này ở trẻ không thức đêm là 17%. Gia đình càng có nhiều sự cố thì tần số thức đêm càng cao. Cha mẹ không kiểm soát được lượng ngủ/yêu cầu ngủ của con, cũng không kiểm soát được hành động của con, khiến chúng bị chấn thương.
Tác giả nhấn mạnh rằng trẻ bị chấn thương là do quá mệt mỏi, vì vậy khi con bị vấp ngã do vụng về và thiếu cẩn thận, cha mẹ không phải cuống quýt lên mà ngược lại, phải từ tốn, kiên trì, chăm sóc giấc ngủ cho con để con khỏi mỏi mệt.
5. Trẻ béo phì
Trẻ béo phì có thể do dinh dưỡng hoặc những nguyên nhân khác. Một số trẻ khó quản lý, hay quấy khóc thường được bố mẹ dỗ bằng cách cho bú hoặc cho ăn. Kết quả là những trẻ này rất dễ bị béo phì về sau. Đó là kết quả điều tra ở tầng lớp trung lưu bang Pennsylvania (Mỹ) năm 1974. Những cuộc điều tra tại Masai, Đông Phi (những nơi đang hạn hán và đói kém) cũng cho kết quả tương tự.
Theo tiến sĩ Weissbuth, ở trẻ em, sự béo phì có liên quan chặt chẽ với sự mệt mỏi. Trẻ mệt nên khóc. Thấy con khóc, mẹ cho bú. Cứ thế, về sau con có thể béo phì. Cho bú tùy tiện là một tác phong xấu khi dỗ con, nhất là lúc trẻ được 3-4 tháng tuổi. Việc cho ăn nên theo giờ giấc. Nếu trẻ khóc mà chưa tới giờ ăn thì hãy cho ngậm vú giả. Có người đề xuất là cho bú dịch không dinh dưỡng hoặc nước ngọt, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc ăn xam về sau.