Để trẻ em có giấc ngủ ngon
Giải quyết rối loạn giấc ngủ ở trẻ 3-6 tuổi
Những trẻ 3 tuổi thường không có các hành vi thể hiện sự giận dữ nữa. Trẻ hay sợ bóng tối, muốn tách khỏi mẹ nhưng không xa mẹ. Chúng thường gọi cha mẹ lại nhiều lần để thể hiện tình yêu thương của mình. Sau đây là một số vấn đề trong giấc ngủ đêm và ngủ ngày cùng với lời khuyên của thầy thuốc:
- Giấc ngủ đêm
Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết đi, biết nói, bước đầu tách khỏi mẹ, khẳng định bản thân. Trong khi mẹ ép con vào kỷ luật thì con lại muốn độc lập. Nếu không khéo dung hoà mâu thuẫn này thì trẻ rất dễ mất ngủ đêm.
Sự chú ý, quan tâm quá mức của cha mẹ khi con sắp ngủ cũng gây phản tác dụng. Cha mẹ càng “phớt lờ” đi thì con càng dễ ngủ. Nếu cha mẹ quá săn sóc con, sợ con ngã, sợ con chưa hiểu thì trẻ càng khó ngủ. Giường ngủ quá to cũng là một vấn dề. Nếu đặt con xuống giường rộng quá, trẻ sẽ thấy chống chếnh, vắng vẻ, hoảng sợ khi sắp đi ngủ và lúc thức dậy, sẽ lo lắng, sợ hãi vô cớ, kêu khóc và không dám ngủ.
Trẻ ở tuổi này thường thích các đồ chơi động. Chúng nhân cách hoá đồ chơi, dạy đồ chơi những lời bố mẹ đã dạy mình, thích bắt chước và bắt chước rất nhanh. Chẳng hạn, trẻ có thể lật cái xe làm con ngựa, đặt con búp bê làm học trò, còn mình làm bố mẹ hoặc cô giáo với những lời căn dặn như người lớn. Đó là trẻ bắt chước những lời của bố mẹ. Nếu trong những lời của bố mẹ có nhiều điều làm cháu sợ hãi thì giấc ngủ của cháu thường bị ảnh hưởng.
Trong một nghiên cứu về trẻ em 3 tuổi ở Anh, các nhà tâm lý học nhận thấy ở lứa tuổi này trẻ thường:
- Khó ngủ, hay đòi cha mẹ phải có mặt lâu với mình trên giường trước khi ngủ.
- Hay thức đêm, ít nhất 3 lần/ tuần, mỗi lần hơn một giờ. Trẻ cũng có thể thức rồi lại ngủ tiếp ở giường bố mẹ.
Tóm lại, đây là lứa tuổi mở đầu giai đoạn tích cực tìm hiểu về thế giới xung quanh. Trẻ biết nói và suy nghĩ, nghĩa là có thế giới bên trong, có ham muốn tự lập. Vì vậy, trẻ sẽ tách rời mẹ và thường xảy ra mất ngủ đêm.
Để khắc phục, phải có lịch biểu ngủ hằng tuần. Cha mẹ nên vạch mục tiêu rõ ràng, định kỳ cho con, chẳng hạn tuần này con phải ngủ ở giường con, không làm phiền cha mẹ ban đêm.
Sau đó, phải tìm và xác định nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ loại trừ hoặc thay thế tạm thời theo phương pháp “làm giảm dần”. Ví dụ: Đầu tiên, vào mỗi tối, cha đọc chuyện cho con nghe 15 phút trước giờ con ngủ. Hãy đọc đều cho đến khi con lơ mơ thì đặt nó vào giường. Những ngày sau, hãy rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục trên cho đến khi trẻ có thể ngủ ngon.
Theo một nghiên cứu khác ở Anh, những trẻ phải thức ít nhất một giờ mới ngủ được thường thức dậy ít nhất 3 lần/đêm, mỗi lần 20 phút, hoặc ban đêm hay đi lang thang vào phòng bố mẹ. Để khắc phục, cần phải vừa điều trị con vừa uốn nắn bố mẹ theo nguyên tắc sau:
- Giảm dần sự chú ý của bố mẹ đối với con.
- Tăng dần hành vi tốt của con.
- Cho con đi ngủ sớm hơn mọi ngày.
- Làm đủ các thủ tục ngủ.
Sau đó, thầy thuốc ghi lại kết quả để xác định hành vi và nguyên nhân của từng trẻ, điều trị riêng từng em có triệu chứng tâm lý. Em nào hưởng ứng thì hôm sau phải được khen thưởng ngay. Tiếp đó, người mẹ xem lại các tiến bộ đã đạt được và chỉ ra cách điều trị nào là thích hợp. Việc điều trị thường phải lặp lại 4-5 lần, kết quả thành công lên đến 90%.
- Giấc ngủ ngày
Nếu con bạn không chịu ngủ ngày, bạn phải dựa vào lịch biểu ngủ, thống kê những giai đoạn con thức đêm, chống ngủ để có biện pháp khắc phục. Phương pháp đó như sau:
Bế con vào giường của mình, mặc quần áo và làm thủ tục ngủ (có thể kể chuyện đều đều, dông dài cho con nghe đến khi ngủ) rồi ngủ cùng với con. Việc này phải làm một cách êm dịu, nhẹ nhàng. Khi con ngủ thật sự, hãy bế con lại giường của nó. Trường hợp con không ngủ, thậm chí chồm dậy hoặc đi loanh quanh thì phải đưa bé vào. Nếu cháu hưởng ứng, phải kịp thời khen thưởng.
Trẻ ở tuổi tiền học đường thường ngủ tốt, chỉ bị rối loạn giấc ngủ khi hoạt động ngoại khoá quá nhiều, hoặc do có tác động của bệnh dị ứng. Vì vậy, phải tổ chức các hoạt động ban ngày cho phù hợp với lứa tuổi. Đối với trẻ không ngủ tốt (thường là do trước kia có nhiều thói quen ngủ xấu), khó thay đổi, cần phải huấn luyện lại công phu. Bố mẹ cần nghiêm chỉnh sửa chữa giấc ngủ này cho con vì nó ảnh hưởng đến học tập.