ĐỂ TRẺ EM CÓ GIẤC NGỦ NGON


Để trẻ em có giấc ngủ ngon

Những hiện tượng bất thường của giấc ngủ

Những hiện tượng bất thường của giấc ngủ (thường gặp nhất là mộng du, mơ ngủ, hoảng sợ ban đêm) có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng hay xuất hiện ở những trẻ không có lịch biểu ngủ điều độ. Tuy nhiên, chúng sẽ qua khỏi, không để lại di chứng hay tai hại cho bản thân và gia đình. Nhưng nếu trẻ bị ngáy mạn tính và trầm trọng, hoặc mắc các bệnh dị ứng lâu ngày và không được chữa chạy kịp thời thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng.

Sau đây xin nói về một số hiện tượng bất thường:

1. Mộng du

Chứng này còn gọi là miên hành, nghĩa là đi khi đang ngủ. Mộng du thường xuất hiện ở trẻ 6-16 tuổi, khoảng 3-12 lần mỗi năm. Theo một thống kê, khoảng 5-10% trẻ có mộng du trong giấc ngủ một hoặc hai lần trong năm. Mộng du bắt đầu có ở dưới 10 tuổi và chấm dứt vào khoảng 15 tuổi, thường không không có tính bệnh lý.

Mộng du thường xuất hiện trong 2-3 giờ đầu của giấc ngủ đêm. Bản thân mộng du có thể kéo dài đến 30 phút. Đây là một trạng thái ý thức biến đổi, trong đó hiện tượng ngủ và thức kết hợp nhau. Khi đang ngủ, trẻ ngồi dậy ra khỏi giường và đi lại. Nhận thức, tính phản ứng và kỹ năng vận động được thể hiện ở mức độ thấp. Cháu không những đi lại trong phòng mà còn có thể đi ra khỏi nhà, rồi im lặng tự mình (hoặc bố mẹ đưa dẫn) trở lại giường, sau đó nằm vật ra ngủ tiếp. Sáng hôm sau thức dậy, cháu không nhớ lại sự kiện ấy. Mộng du cũng có thể xảy ra đồng thời với sốt, làm bố mẹ lo sợ. Trong lúc mộng du, cháu có bộ mặt ngây dại, lơ đãng, có thể vui, cử động không mục đích, khó đáp ứng với người khác nên phải rất khó khăn mới thức tỉnh cháu được. Cháu có thể vừa đi vừa ăn, vừa mặc áo quần, hoặc mở cửa, nhưng như người lú lẫn, mất định hướng, không hiểu việc mình làm.

Về điều trị, chỉ cần giữ cho an toàn là đủ, đề phòng việc cháu bị vấp ngã khi ra khỏi giường, khỏi nhà, xuống cầu thang. Trong khi cháu ngủ, không nên để dụng cụ nguy hiểm dọc đường đi, không nên để đồ chơi, dụng cụ ăn… trên hoặc quanh giường. Khi cháu bị mộng du, nên khéo léo, nhẹ nhàng đánh thức cháu, hoặc dẫn cháu về giường ngủ lại, không gây chấn động mạnh làm cháu giật mình.

2. Mơ ngủ

Mơ ngủ rất thường gặp ở trẻ em. Người châu Âu cho rằng đó không phải là hiện tượng tốt đẹp, vì người mơ ngủ sẽ “phun” ra hết những điều đã gặp ban ngày. Hình như người mơ ngủ tự nói với chính mình, trả lời nhát gừng những câu hỏi. Trẻ em thường chỉ lặp lại vài chữ giản đơn như “đi xuống”, “không còn nữa”... như đang nhớ lại những việc quan trọng gặp ban ngày.

Mơ ngủ hay xảy ra ở lứa tuổi 3-10 tuổi. Theo một thống kê, có đến 50% trẻ mơ ngủ một lần trong năm. Mơ ngủ hay kết hợp với mộng du và thường gặp ở trẻ nam. Tuy nhiên, một số ít nghiên cứu khác không thấy có sự kết hợp này.

3. Hoảng sợ khi ngủ

Chứng này còn gọi là hoảng sợ ban đêm. Đây là những cơn hoảng sợ, lo hãi tột độ về ban đêm, kết hợp với kêu thét, giãy đạp, vận động mạnh, hoạt động của thần kinh tự động tăng cao.

Đứa trẻ đang ngủ, bỗng vùng dậy kêu khóc, làm bố mẹ phải đổ xô lại ngay. Cháu mở mắt to, nhìn trừng trừng một lúc mới định hình được, mồ hôi đầm đìa, tim đập thình thịch. Sau 5 đến 10 phút, sự sợ hãi mới dần dần dịu đi.

Hoảng sợ ban đêm hay xảy ra ở 1/3 đầu giấc ngủ. Nó cũng là hiện tượng của giấc ngủ liên quan đến mộng du, mơ ngủ, không phải là giấc mơ, càng không phải là ác mộng. Hoảng sợ ban đêm và mộng du có chung tính chất sinh lý, bệnh lý và lâm sàng, thường bị ở lứa tuổi 4-12, không kết hợp với cảm xúc và nhân cách. Nhưng hiện tượng này thường xảy ra khi kiểu ngủ bị gián đoạn, nghĩa là khi đi du lịch đường dài, nghỉ hè, nghỉ đông, khi đi thăm viếng người thân nhiều. Hoảng sợ ban đêm thường tái diễn, hay kết hợp với lịch biểu ngủ thất thường, chỉ cần điều trị bằng ngủ đủ là khỏi bệnh.

Khi chẩn đoán hoảng sợ ban đêm, cần phân biệt với ác mộng. Hoảng sợ ban đêm là sợ hãi, kêu thét, xảy ra ở 1/3 đầu giấc ngủ, không cần người ngoài tác động vào, có giãy giụa và tăng kích thích của thần kinh thực vật. Về điều trị thì không cần dùng thuốc hay những phương pháp tâm lý, không cần làm xét nghiệm phức tạp, chỉ cần ngủ đủ, ngủ đúng giờ, đảm bảo lịch biểu ngủ là khỏi.

4. Bóng đè (hay ác mộng)

Ác mộng là những giấc mơ đầy lo âu và sợ hãi, các em nhớ lại rất chi tiết nội dung giấc mơ. Những giấc mơ thường cực kỳ phong phú và liên quan tới sự đe dọa cuộc sống, đến sự an toàn hoặc giá trị bản thân. Trong cơn điển hình, trẻ có rối loạn thần kinh thực vật mức độ vừa, nhưng không kêu thét hoặc vận động cơ thể. Vào lúc thức giấc, các em nhanh chóng trở nên nhanh nhẹn và định hướng được. Trẻ có thể tiếp xúc với những người khác, kể lại chi tiết cảm nhận giấc mơ ngay lúc đó và sáng hôm sau.

Ác mộng ở trẻ em thường không có rối loạn tâm lý kết hợp. Trái lại, ở người lớn, ác mộng thường có rối loạn tâm lý rõ rệt, hoặc dưới dạng một rối loạn nhân cách do sử dụng thuốc hướng thần (như benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng…), cai thuốc đột ngột hoặc dùng thuốc an thần.

Trong dân gian, ở Anh cũng như ở Việt Nam, ác mộng thường được gọi là bóng đè vì trong mơ, người ta “thấy một con ma quỷ nào đấy đuổi người, rồi đè lên người khi đang ngủ, gây nghẹt thở, giãy giụa”. Gọi là bóng đè vì người ngủ cảm thấy bị nghẹt thở, tắc cổ, bị bóp cổ, sa bẫy, dìm xuống nước, chôn sống… dẫn đến kêu ú ớ, giãy giụa. Hiện tượng này thường xảy ra khi nằm ngửa, có người vỗ vai đánh thức mới dậy. Khi dậy, người đó nhớ lại chi tiết giấc mơ.

Đặc điểm của ác mộng là hay xảy ra ở 1/3 cuối giấc ngủ đêm, khi đang sâu, nên dễ phân biệt với mộng du và hoảng sợ ban đêm (hay ở 1/3 đầu giấc ngủ). Nếu có ác mộng thì khi thức dậy sẽ nhớ lại được chi tiết, còn khi có mộng du hay hoảng sợ ban đêm thì không thể nhớ được gì cả vì đó là rối loạn cảnh giới. Đối với ác mộng, phải đánh thức mới tỉnh, còn người mộng du và hoảng sợ ban đêm thì tự tỉnh.

Theo một thống kê, số học sinh có bóng đè một lần trong tháng là 30%. Người lớn bị bóng đè nhiều lần (trên 2 lần/tuần) sẽ có rối loạn giấc ngủ gồm thức đêm, khó ngủ, thời lượng ngủ ít, mệt mỏi, lo âu. Trẻ em cũng vậy. Đối với trẻ hay bị bóng đè, cha mẹ nên đánh thức cháu dậy, ôm hôn và âu yếm cháu, điều đó tốt hơn là chỉ đánh thức đơn thuần. Không cần dùng thuốc.

Tóm lại, ác mộng là giấc mơ đầy sợ hãi. Sau giấc mơ ấy, trẻ có thể nhớ lại chi tiết và không kêu thét như hoảng sợ ban đêm, không tự đi như mộng du. Trẻ có cảm giác như bị đè ngạt thở, càng giãy giụa càng bị đè, được đánh thức là tỉnh ngay. Trẻ em bị bóng đè thường do cảm xúc, người lớn có thể có rối loạn tâm lý.

5. Ngủ nghiến răng

Nghiến răng khi ngủ là hiện tượng hay gặp ở trẻ con. Theo số liệu của Đại học Chicago (Mỹ), có 15% số học sinh Chicago có nghiến răng khi ngủ. Ở lứa tuổi 3-7, tỷ lệ này là 11%, lứa tuổi 8-12 là 6%, còn lứa tuổi 13-17 là: 2%. Trẻ không có nghiến răng trong giấc mơ hay ác mộng. Nghiến răng cũng không đi đôi với rối loạn cảm xúc hay nhân cách nên không cần điều trị. Nghiến răng là một tật lành tính, thường sẽ hết khi trẻ lớn lên.

6. Cơn ngủ thoáng qua

Đây là một bệnh, được Gelineau (Pháp) mô tả lần đầu tiên vào năm 1880, bao gồm các triệu chứng sau: Người bệnh đang làm việc, đọc sách, xem tivi, ăn…, bỗng nhiên cơn ngủ ập đến khiến họ không cưỡng được. Người bệnh phải ngủ thiếp đi trong vài chục phút, rồi tự tỉnh dậy thoải mái. Người bị nặng có thể bị vài cơn/ngày, nhẹ thì vài ngày một cơn. Điện não đồ không thể hiện một biến đổi nào. Đối với trẻ em, nếu ở thể nhẹ, trẻ chỉ rơi vào trạng thái mơ màng quá mức; ở thể nặng, trẻ có thể ngủ khi đang nói chuyện.

Cơn ngủ thoáng qua ít gặp ở trẻ dưới 10 tuổi. Ở trẻ lớn, bệnh này thường bị nhầm với sự “mất tập trung”, “thiếu chú ý”. Cần phân biệt cơn ngủ thoáng qua với các hiện tượng sau:

- Cơn mất trương lực: Thường có trong 60% cơn ngủ thoáng qua. Trẻ bỗng nhiên mất kiểm soát trương lực trong phút chốc (đang đứng thì khuỵu hai chân, đang ăn rơi đũa, đang viết rơi bút…) rồi lại bình thường ngay. Điện não đồ bình thường. Để điều trị, chỉ nên dùng các thuốc kích thích hệ thần kinh như ephédrine và amphétamin.

- Liệt khi ngủ: Là cảm giác không cử động được tay chân khi đang ngủ. Cơn liệt xảy ra trong thời gian rất ngắn (khoảng vài phút), khi mới đi ngủ hoặc mới thức dậy. Bệnh nhân không nói được, lo âu, hoảng sợ, càng vùng dậy càng vô hiệu. Nếu có người vỗ nhẹ vào người, bệnh nhân sẽ thì tỉnh dậy và trở lại bình thường. Nếu không, cơn cũng tự hết. Đây là hiện tượng hay gặp trong cơn ngủ thoáng qua, có người bị vài cơn/năm.

- Ảo giác khi ngủ: Cơn thường xảy đến khi mới ngủ hoặc đang ngủ. Người bệnh có những ảo giác có màu sắc, âm thanh, dễ chịu hoặc khó chịu, thấy hình ảo quá lớn hoặc nhỏ tí xíu. Nếu có một kích thích, người bệnh tỉnh lại ngay.

7. Khó thở khi ngủ

Chứng này có 2 hiện tượng điển hình là ngáy và dị ứng.

  • Ngáy

Một nghiên cứu của Mỹ về tật ngáy ở trẻ, được tiến hành trên 8 bệnh nhi cho thấy:

- 5/8 em có giấc ngủ không tốt, dẫn đến buồn ngủ quá mức ban ngày.

- 7/8 em hay bị đái dầm, mặc dù gia đình đã hướng dẫn đi đái trước khi ngủ.

- 5/8 em có hiệu suất học tập thấp, đau đầu buổi sáng.

Ngoài ra, các em còn có một số biểu hiện khác như tính tình và hiệu suất làm việc thay đổi, sụt cân, rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, trốn tránh giờ ngủ, kháng cự lại khi đến giờ ngủ.

Chứng ngáy là do viêm hạnh nhân mạn tính gây ra. Đó là các tuyến bạch huyết nằm rải rác ở những vị trí nhất định trong họng của chúng ta. Hạnh nhân hầu chính là V.A, nằm ở hầu mũi, hạnh nhân vôi nằm quanh lỗ vòi Eustache thông ra tai, hạnh nhân khẩu cái nằm trong họng (amiđan), và hạnh nhân đáy lưỡi nằm sau chữ V lưỡi.

Bốn hạnh nhân này làm thành một vành đai ngăn chặn sự nhiễm khuẩn vào họng, gọi là vòng Vandaye. Hai hạnh nhân hay bị viêm nhất là V.A và amiđan. Chúng sưng to, đè vào hầu họng, làm các em ngáy, lâu ngày dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Nếu amiđan và VA quá to, ngoài ngáy ra còn gây khó thở khi ngủ, viêm phế quản, viêm tai, viêm xoang… cần phải chữa sớm.

Nếu tật ngáy trở thành mạn tính, trẻ sẽ không ngủ được nhiều và bị thiếu ngủ. Một nghiên cứu ở Mỹ về trẻ em 4 tuổi ngủ ngáy cho thấy, thời lượng ngủ đêm của chúng chỉ có 8h30, trong khi ở trẻ bình thường là 10h15. Đối với trẻ 6 tuổi, thời lượng ngủ của trẻ ngáy chỉ giảm nửa giờ, nhưng chúng khó ngủ và ngủ muộn hơn. Trẻ hay thở bằng miệng, quá hiếu động, khoảng chú ý ngắn, học kém.

  • Dị ứng

Trẻ bị dị ứng có thể có những biểu hiện sau:

- Ngừng thở khi ngủ

- Ngủ giãy đạp nhiều.

- Chảy mũi mạn tính.

- Thở bằng miệng khi thức.

- Hay cảm lạnh hơn các em khác

- Hay nôn và buồn nôn.

- Khó nuốt, nuốt vướng.

- Ra mồ hôi khi ngủ.

- Nghe kém.

- Ngủ ngày nhiều.

- Ăn kém ngon.

- Mắc bệnh viêm tai giữa thường xuyên.


Chức năng của giấc ngủ
Các phương pháp tập ngủ
Các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ
Giường ngủ
Giải quyết những rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4-12 tháng tuổi 
Giải quyết rối loạn giấc ngủ ở lứa tuổi 7-12 và vị thành niên
Giải quyết rối loạn giấc ngủ ở trẻ 12-36 tháng tuổi
Giải quyết rối loạn giấc ngủ ở trẻ 3-6 tuổi
Giấc ngủ trẻ em
Hành vi quá hiếu động
Hậu quả của chứng hay khóc
Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4-12 tháng tuổi   
Những hiện tượng bất thường của giấc ngủ
Những vấn đề cần chú ý
Rối loạn giấc ngủ
Tháng thứ 2
Thế nào là giấc ngủ ngon?
Thời lượng ngủ
Thức đêm ở trẻ 4-8 tháng tuổi
Thức đêm ở trẻ từ 1 đến 5 tuổi
Trẻ 3-6 tuổi
Trẻ hay khóc
Trẻ lớn 7-12 tuổi và vị thành niên
Trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi
Tuần đầu
Tâm sinh lý của trẻ
Tình trạng quá tỉnh táo
Tư thế ngủ
Tại sao giấc ngủ ngon lại quan trọng?
Từ 2- 4 tuần tuổi
Từ 4 đến 8 tháng tuổi
Từ 9 đến 12 tháng tuổi
Xác định, tìm nguyên nhân và giải quyết rối loạn giấc ngủ
Xử lý “hội chứng trẻ khóc”
Ảnh hưởng của rối loạn giấc ngủ


LIST SÁCH

Khảo sát tình dục học - BS Hồ Đắc Duy
Sách 230 bệnh tật trẻ em
Sách 365 lời khuyên sức khoẻ
Sách Bác sĩ vui tính trả lời
Sách commic - 50 cau hoi HIV - AIDS
Sách Cấp Cứu
Sách Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Sách Giải phẫu thẩm mỹ
Sách Giấc ngủ trẻ em
Sách Giới tính tuổi hoa
Sách Sức khoẻ phụ nữ
Sách Trò chuyện về tình yêu, giới tính, sức khỏe
Sách Tăng huyết áp - Đào Duy An
Thắc mắc biết hỏi ai


LINK THAM KHẢO