Để trẻ em có giấc ngủ ngon (21)
Từ 9 đến 12 tháng tuổi
Đây là giai đoạn đầy năm của trẻ. Khoảng 9-10 tháng tuổi, trẻ biết bò, 11-12 tháng, trẻ tập đi. Trẻ đã biết tập nói và hiểu một số lời nói, có thể sử dụng ngón tay dễ dàng, cầm được vật tròn bằng ngón cái và ngón trỏ. Ở tuổi này, trẻ độc lập và “bướng bỉnh” hơn. Ta thường gọi hiện tượng này là trẻ ít hợp tác, nhưng các nhà tâm lý nhi khoa gọi là trẻ thiếu mềm mỏng. Thái độ bướng bỉnh, chống đối này thể hiện trong bữa ăn, khi mặc quần áo, biểu hiện tính độc lập, biết xấu hổ, sợ người lạ của cháu. Trẻ cũng có tâm trạng lo âu về những điều kỳ lạ sẽ xảy ra cho mình, lo phải xa mẹ, tách mẹ, sợ phải nằm riêng một mình và vì thế dễ sinh mất ngủ.
Ở độ tuổi này, trẻ thường thiếu ngủ, do giấc ngủ ngày không đủ, do ham chơi và có các rối loạn giấc ngủ khác (thức dậy nhiều lần trong đêm, khó ngủ trong đêm)… Vì vậy, cần phải giữ đúng lịch ngủ, kiên trì và khéo léo dỗ cháu ngủ khi cháu thức đêm.
- Thiếu ngủ
Giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn có thể do ốm đau, nghỉ cuối tuần, tiệc đêm, đi du lịch dài ngày. Tuy nhiên, đó chỉ là thiếu ngủ trong thời gian ngắn, chỉ cần ngủ thêm là sức khoẻ phục hồi. Nhưng nếu cha mẹ không biết sửa chữa những nhược điểm đó, sự thiếu ngủ sẽ chất chồng thành mạn tính, thì chỉ một thiếu hụt nhỏ cũng tạo nên bệnh lâu dài.
Thiếu ngủ là thủ phạm chính phá hoại kiểu ngủ ngon của cháu. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ để cho cháu bỏ qua giấc ngủ trưa. Chẳng hạn như khi thời tiết quá đẹp, trời trong xanh, biển đầy sóng khiến cháu thấy thích thú và không đành lòng bắt cháu ở trong nhà.
Một khi đã trượt ra khỏi giấc ngủ trưa, trẻ rất mệt mỏi. Thoạt tiên là trẻ dễ cáu kỉnh, dễ bị kích thích, gắt gỏng (thường là lúc về chiều hoặc chập tối). Sau đó, trẻ có thể bị thức đêm vô cớ. Cuối cùng, nhân một dịp nào đó như đi thăm ông bà chẳng hạn, cháu chống lại việc ngủ đêm. Đó là do thiếu ngủ ngày.
Khi các giấc ngủ ngày đều đặn thì thời lượng ngủ đêm sẽ được cơ thể trẻ tự điều chỉnh, mặc dù cháu vẫn “thiếu mềm mỏng” vẫn “lo âu xa mẹ”. Nhưng khi ngủ ngày không đủ, tình trạng mệt mỏi sẽ tăng lên, cháu tỉnh táo và rất dễ thức giấc, do đó sẽ thiếu ngủ.
- Giấc ngủ ngắn
Trong đa số trường hợp, tình trạng thiếu ngủ của trẻ ở lứa tuổi này là do ngủ ngắn không đủ. Có bà mẹ phàn nàn rằng vú nuôi có thể cho con ngủ trưa được 2 giấc, còn mẹ thì chỉ cho con ngủ trưa được 1 giấc, dỗ mấy cũng không được. Thực ra giấc ngủ trưa của cháu vẫn bình thường. Chỉ khác là vú nuôi phải thực hiện một cách có ý thức 2 giấc ngủ theo lịch mà mẹ cháu đã dặn; còn mẹ cháu thì linh động hơn vì cháu thích thức để chơi với mẹ, thậm chí khóc to lên sợ mẹ đi, hoặc khóc đòi mẹ đến. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức kiên quyết, làm đầy đủ các việc cần thiết để dỗ cho con ngủ (đu đưa, vỗ về, nựng nịu), kiên trì dỗ dành và đắp ấm, tắt đèn cho con ngủ.