Để trẻ em có giấc ngủ ngon
Trẻ lớn 7-12 tuổi và vị thành niên
Ở lứa tuổi này, trẻ đi học và học nhiều, hay tham gia các hoạt động ngoại khóa, học bài khuya, dạ hội, làm việc nhà. Ở tuổi vị thành niên, trẻ còn có thêm các vấn đề như giới tính, hút thuốc, uống rượu… Đối với cha mẹ, thói quen ngủ tốt và giữ gìn sức khỏe lại ít quan trọng hơn việc học hành và trau dồi tài năng cho con. Những điều này có thể ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ.
Từ 7 đến 12 tuổi
Theo các cuộc điều tra của tiến sĩ Weissbluth và của Đại học Stanford (Mỹ), ở lứa tuổi này, trẻ thường ngủ muộn hơn và ít hơn các lứa tuổi trước. Phần lớn trẻ 12 tuổi đi ngủ trước hoặc sau 9 giờ tối (thường là trong khoảng từ 7,30 đến 10 giờ). Tổng thời gian ngủ khoảng 9-12 giờ. Nhìn chung, lứa tuổi trước dậy thì cần 9h30-10 giờ ngủ để duy trì sự tỉnh táo trong ngày. Chúng cần ngủ đủ để đỡ ngủ gật ban ngày vì hoạt động nhiều.
Nhiều bậc cha mẹ than phiền rằng con của họ bị đau nhức liên tục mà không rõ nguyên nhân, hoặc do những nguyên nhân như lo xa mẹ, lo cha mẹ bỏ nhau, sợ bị phạt hay bị từ chối vì một việc gì đó, do những chuyện xảy ra trong lớp học và ngoài xã hội… Tuy nhiên, nỗi đau thực sự của lứa tuổi này là căng thẳng đầu óc (nhức đầu) do học nhiều, làm nhiều, ngủ ít hay ngủ thiếu. Mọi xét nghiệm kiểm tra đều không tìm ra thương tổn. Tốt nhất là không nên xét nghiệm để tránh tốn kém và gây lo lắng thêm cho các cháu. Phương án điều trị là cho trẻ ngủ và nghỉ ngơi cho đủ, nhất là trong các kỳ thi.
Tuổi vị thành niên
Các cuộc điều tra về các thói quen ngủ ở lứa tuổi 13-14 cho thấy, trẻ càng lớn, tổng lượng ngủ càng kém. Nhiều trẻ 14-16 tuổi rất cần ngủ và có nhu cầu ngủ để duy trì sự tỉnh táo ngày hôm sau. Việc mất ngủ nhiều sẽ gây tình trạng mệt mỏi quá mức, mất tỉnh táo, thiếu sức khỏe làm việc. Cha mẹ cần nhớ rằng không phải nhu cầu ngủ của trẻ tăng lên mà chính áp lực của xã hội và nhà trường đã làm con thiếu ngủ.
Theo một nghiên cứu trên 600 sinh viên tuổi vị thành niên ở Đại học Stanford, có 13% sinh viên bị thiếu ngủ mạn tính do lo lắng, căng thẳng, do gặp các vấn đề xã hội, gia đình và cá nhân. Tình trạng thiếu ngủ mạn tính có thể do rối loạn giấc ngủ và sự thay đổi tính tình chưa hiểu cái nào đến trước. Hai nguyên nhân này đều bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết ở tuổi trưởng thành. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford, tình trạng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng và mạn tính được xác định dựa trên một trong những tiêu chuẩn sau:
- Phải mất ít nhất 45 phút mới ngủ được trong ít nhất 3 đêm/tuần.
- Thức dậy ít nhất một lần trong đêm, mỗi lần ít nhất 30 phút trong ít nhất 3 đêm/tuần.
- Thức dậy ít nhất 3 lần trong một đêm, ít nhất 3 đêm/tuần.
Đối với trẻ em trên dưới 10 tuổi, ba kiểu ngủ nói trên là những kiểu ngủ không bình thường.
Hội chứng pha ngủ muộn:
Giấc ngủ con người phù hợp với nhịp sinh học bản thân và cuộc sống của xã hội bên ngoài. Đó là sự đồng pha. Nhưng có một số trẻ vị thành niên đi ngủ rất muộn. Trẻ có thể coi mình là người của đêm, nghe rõ từng tiếng chó sủa, lợn kêu. Trẻ có thể coi sự ngủ muộn của mình là “bình thường”, vì học được nhiều, thức khuya mà không phải dùng thuốc. Kết quả là cháu mất khả năng ngủ ở thời điểm bình thường. Trẻ khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ trừ khi ngủ thật muộn, có thể là 1, 2, hay 3 giờ sáng. Cháu muốn ngủ sớm cũng không ngủ được. Đó là hội chứng lệch pha, hay pha ngủ muộn.
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ hè, cháu thường ngủ muộn, và được phép dậy muộn để tổng thời lượng ngủ vẫn đảm bảo bình thường. Nhưng những ngày đi học, cháu luôn phải tự đấu tranh để dậy sớm và đi học đúng giờ. Việc đi học lại trở thành một gánh nặng với cháu, khiến tính tình cháu trở nên phóng túng, cau có vì suốt thời gian đi học, cháu phải ngủ ít và trở thành người thiếu ngủ mạn tính.
Theo tiến sĩ Charles Czeisler, chuyên gia thần kinh học ở Boston (Mỹ), có hai chế và hai động lực điều khiển nhu cầu ngủ:
- Động lực 1: Đồng hồ sinh học cơ thể. Cơ chế này làm ta buồn ngủ lúc giữa trưa, tỉnh táo nhất trước giờ tối, ngủ say nhất lúc 5 giờ sáng.
- Động lực 2: Cơ chế tĩnh, nghĩa là khi thức càng lâu, ta càng buồn ngủ.
Pha ngủ muộn thường sinh ra khi hai cơ chế này không theo nhịp.
Hội chứng Kleine-Levin:
Đây là một hội chứng mà các bác sĩ tâm thần hay thần kinh rất dễ bị nhầm. Những nét chính của hội chứng là:
- Ngủ nhiều.
- Ăn nhiều.
- Ức chế tình dục.
Nguyên nhân của bệnh chưa rõ ràng nhưng có thể do rối loạn giấc ngủ, do ăn uống và một số hành vi khác.