Vấn đề sinh viên tốt nghiệp đại học y tại Trung Quốc: Quản lý Nhà nước chưa theo kịp sự phát triển xã hội?
Hải Ngọc
Ngày 24.10.2009, trên trang nhất của báo Lao Động đăng bài “Không được tuyển dụng vì chỉ học 5 năm”, của tác giả Phương Ngọc, bài viết đã gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chỉ trong thời gian ngắn đã có rất nhiều bài viết liên quan, nhiều quan điểm đã được nêu ra và mỗi người đều đưa ra lý do để ủng hộ quan điểm của mình. Phần lớn bài viết là bất bình với cách xử lý của Bộ y tế theo công văn 3445/BYT-TCCB mà phóng viên Phương Ngọc đã nêu trong bài báo.
Như vậy bài báo đã thành công trong việc nêu ra một vấn đề xã hội để người dân quan tâm có ý kiến. Đây là việc làm rất hữu ích của phóng viên báo lao động, tuy nhiên cá nhân tôi phản đối cách nêu vấn đề của bài viết này, đây là bài viết với mục đích gây sự chú ý của người đọc hơn là giúp giải quyết một vấn đề đặt ra của xã hội theo đúng tôn chỉ mục đích của Báo này.
Tôi nói như vậy vì thứ nhất: đây là văn bản trao đổi, Vụ tổ chức cán bộ trả lời một vấn đề cụ thể khi đơn vị hỏi ý kiến chứ không phải là Bộ y tế ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ y tế (thông tư hoặc thông tư liên tịch) bắt buộc các cơ sở y tế phải thực hiện, việc suy luận từ công văn này ra thành chủ trương của Bộ y tế là không chính xác. Thứ hai trong công văn nói trên chỉ đề cập đến việc tạm thời chưa tuyển dụng đối tượng này trong khi chờ ý kiến chỉ đạo cụ thể của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên việc suy ra hai Bộ có ý kiến không thống nhất chỉ là ý kiến chủ quan của phóng viên. Điều này sẽ dẫn đến hiểu lầm và hoang mang cho nhiều người, trong đó có sinh viên và phụ huynh các gia đình có con em đã học xong các gia đình và các bạn sinh viên đang theo học ngành y tại trung quốc. Có rất nhiều ý kiến phản hồi bài viết trên, tôi liệt kê dưới đây một số ví dụ:
-
Không được tuyển dụng vì chỉ học 5 năm!
-
Cần bổ sung chứng chỉ cho bác sỹ tốt ngiệp hệ 5 năm
-
Có cần thiết phải kỳ thị bác sĩ Y hệ 5 năm!
-
Tìm cách đãi lấy gạo trong sạn chứ đừng thấy khó khăn mà đổ hết cả đi
-
Bất bình!!
-
Bộ Y tế hoàn toàn đúng
-
Thí sinh Việt Nam có phải thi đầu vào theo tiêu chuẩn Trung Quốc không?
-
Không nhận "bác sĩ 5 năm": Kỳ thị hay kỳ cục?
-
Ủng hộ ý kiến của Bộ Y tế
Đọc những bài viết trên người đọc không khỏi băn khăn, vậy thực chất của vấn đề ở đây là gì?
Tôi là một cán bộ ngành y tế, viết bài này cũng không có ý bênh vực ngành y tế mà chỉ muốn cung cấp thêm thông tin để bạn đọc hiểu rõ bản chất của vấn đề. Tôi không đề cập đến việc đánh giá chất lượng các sinh viên tốt nghiệp đại học y tại Trung quốc vì vấn đề chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thước đo đánh giá chất lượng quan trọng nhất là ý kiến phản hồi của những đơn vị sử dụng những sinh viên này.Ở đây tôi xin đi sâu phân tích về mặt quy định pháp lý liên quan:
Có hai vấn đề cần quan tâm:
· Thứ nhất là việc công nhận bằng cấp của sinh viên tốt nghiệp đại học y tại Trung quốc
· Thứ hai là việc tuyển dụng các sinh tốt nghiệp đại học y tại trung quốc vào các cơ sở y tế trực thuộc Bộ y tế
Về vấn đề công nhận bằng cấp của các sinh viên tốt nghiệp đại học y tại trung quốc: Tại điều 110 của Luật giáo dục 2005 đã ghi rõ việc công nhận văn bằng nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo và điều ước mà nước CHXHCN VN là thành viên và giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ký hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng với các nước, các tổ chức quốc tế.
Ngày 20/12/2007 Bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo đã ký Quyết định số: 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Tại điều 3 về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp sau đây: Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Như vậy văn bằng các sinh viên học tại các trường học đại học y của Trung quốc mà các trường này được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của Trung quốc cho phép thành lập và được phép cấp bằng sẽ được công nhận tại Việt Nam nhưng phải làm thủ tục công nhận văn bằng theo quy định.
Ngày 30/4/2009, Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam đã ký hiệp định với Bộ giáo dục nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chu Tế, công nhận văn bằng tương đương giáo dục đại học. Kể từ thời điểm này các văn bằng do các trường đại học y của Trung quốc mà được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng sẽ được công nhận tại Việt Nam mà không phải làm thủ tục công nhận văn bằng tương đương.
Về vấn đề tuyển dụng làm việc tại ngành y tế: Ngành y là một ngành đặc biệt vì công việc liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người, mọi sai sót dù là nhỏ nhất mà dẫn đến tử vong cho bệnh nhân cũng khó có thể được xã hội chấp nhận, do đó hầu hết các nước đều yêu cầu phải thực hành lâm sàng trước khi khám chữa bệnh, có nước không quy định cụ thể nhưng có nước quy định phải có sự hướng dẫn của các bác sỹ đã hành nghề (Trung Quốc), để nâng cao tay nghề và hạn chế sai sót. Điều dễ hiểu là Bộ y tế phải chọn giải pháp an toàn là tạm thời chưa tuyển dụng những cán bộ này vào các cơ sở trực thuộc Bộ y tế.
Theo quy định của Việt Nam về tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch bác sỹ ban hành theo QĐ số 415/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng, trưởng ban tổ chức cán bộ Chính Phủ (nay là Bộ nội vụ), những người tốt nghiệp đại học y hết thời gian tập sự, đạt các tiêu chuẩn sẽ được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch Bác sỹ. Tuy nhiên mỗi nước có những quy định khác nhau về thời gian tập sự.
Theo công văn trả lời của Đại sứ quán cộng hòa nhân dân Trung hoa gửi Bộ y tế ngày 15/10/2009, sau khi tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành y khoa, sinh viên được nhận học vị cử nhân y khoa và theo Luật bác sỹ hành nghề nước CHND Trung Hoa và các quy định liên quan, các cử nhân y khoa này muốn có bằng tư cách bác sỹ phải thực tập tròn một năm tại các cơ sở điều trị, y tế dự phòng, bảo vệ sức khỏe dưới sự hướng dẫn của các bác sỹ hành nghề sau đó phải dự thi lấy bằng tư cách bác sỹ.
Như vậy là đã rõ các cử nhân y khoa tốt nghiệp đại học chính quy chuyên ngành y khoa tại Trung Quốc trở về Việt Nam nếu chưa thực tập 1 năm tại Trung Quốc và chưa thi lấy bằng tư cách bác sỹ thì chưa thể gọi là bác sỹ được và hiển nhiên là chưa thể tuyển dụng vào ngạch bác sỹ. Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi là các sinh viên này đã bỏ ra 5 năm trời, vừa tốn kém vừa vất vẩ để học đại học y nhưng vì lý do gì không tiếp tục thực hành 1 năm để lấy bằng bác sỹ hành nghề. Ở nước đã đào tạo bằng cấp cho mình chưa cho hành nghề tại sao về Việt Nam lại đòi quyền hành nghề ngay hay là do pháp luật Việt Nam dễ dàng hơn. Thực tế cũng đặt ra vấn đề là vì lý do nào đó các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học y về Việt Nam muốn thực hành 1 năm và thi lấy chứng chỉ bác sỹ có được không. Câu trả lời là hoàn toàn được nhưng phải chờ hướng dẫn vì chưa có.
Đây là vấn đề phát sinh trong quá trình hội nhập của Việt Nam với khu vực và thế giới, việc này sẽ không chỉ xảy ra với các sinh viên học tại Trung Quốc mà còn với các nước khác như Lào, Campuchia hay Băng-La-Đét.... Đáng lẽ các cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ y tế và Bộ giáo dục và đào tạo phải sớm nhận ra điều này và đưa ra các khuyến nghị cho các em khi các em bắt đầu đi du học và đưa ra các quy định quản lý phù hợp, tuy nhiên các cơ quan quản lý này chưa theo kịp với sự phát triển của xã hội. Khi phát sinh ra vấn đề thì Bộ y tế mới đặt vấn đề nghiên cứu giải quyết, như vậy sẽ chậm trễ và thiệt thòi cho các sinh viên đã học xong và có bằng cử nhân y khoa và làm cho những sinh viên đang theo học đai học y tại Trung quốc cũng hoang mang.
Những năm gần ngành y tế liên tục kêu thiếu người làm, thiếu từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là khu vực y tế dự phòng, các tỉnh vùng sâu vùng xa, các trường đại học y dược đã tăng hết công suất đào tạo mở rộng các loại hình đào tạo để tăng thêm nguồn nhân lực y tế. Trong khi đó rất nhiều sinh viên đã học xong đại học y khoa tại Trung quốc trở về nước đang cần việc làm, tại sao không sử dụng ngay những đối tượng này. Bộ y tế và Bộ giáo dục và đào tạo cần khẩn trương vào cuộc, đặc biệt là Bộ y tế vì đây là nhân lực cho ngành y tế. Cần phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc và các trường Đại học y của Trung quốc để thống nhất chương trình thực hành theo quy định của Luật bác sỹ hành nghề nước CHND Trung Hoa và cũng phù hợp với các quy định và điều kiện Việt Nam.
Các cơ quan quản lý Nhà Nước cần sớm công bố ý kiến chính thức và lộ trình thực hiện để các em và gia đình yên tâm. Tôi thấy rằng Bộ y tế cần phải sớm tổ chức cho lãnh đạo Bộ trả lời trực tuyến về vấn đề này cho các bạn sinh viên và phụ huynh bởi vì nói cho cùng các bạn này dù làm trong nhà nước hay tư nhân cũng đều là cán bộ y tế và Bộ y tế đều phải có trách nhiệm
Hải Ngọc