Thử tìm một vế của “Sức khoẻ”
Ts. Nguyễn Đức Minh
Trung tâm Tin học Trắc địa Bản đồ
Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam
“Sức khoẻ là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải chỉ là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật” (định nghĩa về sức khoẻ của Tổ chức Y tế Thé giới).
Câu này ai thấy tờ báo “Sức khoẻ & Đời sống” là có ngay. Nhưng câu hỏi “trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần” là thế nào và bằng các nào để đạt được “trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần”, đặc biệt là về tinh thần. Là người trong ngành trắc địa - bản đồ nhưng tôi cũng xin mạnh dạn trao đổi ý kiến của mình qua tờ báo của chúng ta.
Thoải mái một phần thì dễ nhưng thoải mái hoàn toàn thì thật là khó. Đó là cảm nghĩ thoạt đầu tiên.
Thoải mái cũng có nhiều loại rất khác nhau. Anh nghiện bia chưa làm được mấy chầu thì chưa có thoải mái. Người có nhà cao, cửa rộng, chức to mà chưa có con trai thì chưa thoải mái. Người lo lắng, buồn phiền thì ăn không ngon, ngủ không yên, làm gì nói đến thoải mái. Lại thời đại kinh tế thị trường, thoải mái hoàn toàn nói thì dễ chứ có được thì không dễ.
Về thể chất, con người cũng có thời của nó. Ai đã bước sang ngoài năm mươi thì rõ. Bốn chín chưa qua năm ba đã tới. Lúc còn trẻ thì sung mãn, lúc về già thì bệnh tật, ốm yếu. Gì đi nữa thì con người không tránh khỏi “lão, bệnh,tử”. Thực tế phần nhiều khi còn trẻ ít ai nghỉ đến ốm yếu lúc về già.
Như vậy “thoải mái hoàn toàn về thể chất” cũng chỉ là tương đối và phụ thuộc vào thời kỳ, thời gian và quá trình giữ gìn, tập luyện, chế độ ăn uống,v.v.
Nhiều người, với những gì thoả mản mà người ta đạt được thì mới cho là thoải mái. Kinh doanh có nhiều lãi mới có thoải mái. Địa vị cao, chức trọng mới thoải mái. Cái gì vừa ý mình thì thoải mái, còn cái gì ngược ý muốn của mình thì khó chịu, bức bối.
Sự thật không phải hoàn toàn như thế. Người nông dân, dù ăn cơm khoai, làm đồng, phần nhiều “thoải mái”. Anh ta có thể đánh một giấc dài thoải mái mà không có toan tính gì nhiều. Con trẻ thơ ngây vì chưa bị nhiễm phiền toái. Những người say mê nghề nghiệp hoặc làm công tác khoa học chân chính bao giờ cũng được trả giá “thoải mái” khi thành công. Thời gian, không gian, điều kiện, ngoại cảnh có lúc không tác động đến tâm thức của họ. Nhiều lúc lại là nhân tố thúc đẩy công việc. Ví dụ tôi không may bị ngã đau chân, ngồi nhà lại nẩy ý định viết bài này để đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với những người bạn của Báo. Mỗi lúc ốm trên chiến khu là lúc Văn Cao lại cho ra những bản nhạc để đời. Công trình sư người Nga (tôi quên tên) trong cơn sốt bệnh trầm trọng đã để lại bản thiết kế hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva không sai lầm cho hậu thế. Thời kháng chiến, các cụ người thì có ăn mà thiếu mặc, người thì có mặc lại thiếu ăn. Không biết sống chết nay mai thế nào mà vẫn “thoải mái” hát bài “Vệ quốc quân”. Các cụ nhà Nho thời xưa khi không gặp vận giúp nước, từ quan về quê sống ẩn dật, chắc “thoải mái” hơn nhiều chốn quan trường. Tôi nhớ, ông nội tôi là một nhà nho nghèo ở quê. Sống vui với vườn, cây, với bạn bè, với nho, y, lý, số, với chè xanh (Nghệ Tĩnh). Nghèo, thanh cao, các cụ sống thật có ích cho đời và cũng “thoải mái”. Ngày nay những người tham nhũng của công, dù có quyền cao chức trọng, nhà cao cửa rộng, có “thoải mái” thì cũng chỉ là tạm bợ, phù phiếm mà thôi.
Thời kỳ trước 1975, tôi làm thử nghiệm được một chương trình bằng ngôn ngữ thuật toán trên máy tính MINSK-22 (khi đó ông Phan Đình Diệu đang làm trưởng Phòng Tính toán và Máy tính của Uỷ ban KHKTNN) thì đã tưởng là kỳ công, không những thoả mái mà còn sung sướng nữa. Nay thì con tôi và bạn bè nó,dang sinh viên đã giải các bài tập bằng những chương trình tự lập trên máy tính ở nhà. Hoặc khi đo dạc khảo sát thuỷ điện Yaly, chúng tôi xuống vực đáy lòng sông Sêxan để đo đạc, nhìn lên chỉ có một giải trời xanh hẹp, tưởng chừng như một chiến công. Ngày nay dùng máy đo đạc điện tử - laser thì những công việc như thế còn có khó khăn gì.
Cho nên thoải mái, cái thoải mái với cái chân, thiện, mỹ là rất nhiều nhưng cũng chỉ tạm thời mà thôi đối với những đời người, với những con người. Nếu không liên tục tạo ra được niềm vui, thoải mái thì cũng có thể đến lúc rơi vào bế tắc. Sự thoải mái không hoàn toàn, không viên mãn không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng ta.
Thế thì, thoải mái hoàn toàn là như thế nào?
Điều này không ai nói đúng, nói hay hơn ai được, cũng không ai đưa lại cho ai được hoàn toàn. Mỗi người tự rèn dũa và tự cảm chứng cho mình.
Theo vua Trần Nhân Tông (sau khi lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng quân Nguyên, lên tu ở Yên Tử) thì đại ý:
Cư trần lạc đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
Điều này có nghĩa vui với đạo (lý tưởng) của mình. Tuỳ hoàn cảnh, điều kiện, khả năng mà làm việc cho mục tiêu đó. Biểu hiện của người thoải mái hoàn toàn cũng đơn giản: đói - thì ăn, mệt - ngủ liền. Nếu đến bữa, lúc ăn mà không ăn được, đang lo tính đủ điều thì ăn đâu có ngon. Lúc cần ngủ thì không ngủ được, còn trằn trọc suy tính, lo âu, tâm không yên thì làm sao ngủ được.
Thường con người ta nhìn địa vị trong xã hội mà phân biệt nhau thì chưa đủ mà cần nhìn vào hành vi. Đặc biệt về giá trị tinh thần thì càng rõ. Ngày xưa, những vua hiền thì thương dân, coi dân như con. Như thế không có nghĩa mất đi quyền lực. Bác Hồ, từ ăn mặc, sinh hoạt không khác gì người dân dưới trung bình. Không coi trọng hình thức, quyền lực mà luôn luôn coi trọng lợi ích của người cấp dưới, người có địa vị yếu hơn. Đến cơ quan thì vào nhà ăn, khu ở trước khi vào hội trường. Đến địa phương thì vào nhà đân, ra ruộng trước khi vào chính quyền. Quan tâm trẻ em, phụ nữ, người già hơn những tầng lớp khác.
Xem ra, những hành vi chân, thiện, mỹ cho người ta niềm vui chân thật,hạnh phúc, an lạc hay thoải mái thật sự. Còn giá trị đến đâu thì phải lấy một chuẩn mực của một đạo đức để mà soi xét. Là nhà giáo thì lấy đạo của người làm thầy. Là thầy thuốc lấy đạo của nghề y. Là người dân thì lấy pháp luật và phong tục, tập quán, dư luận làm chuẩn mực. Là phật tử thì phải lấy đạo của Phật, v.v...Xét đến cùng đạo đức của người thầy giáo, người thầy thuốc, người dân là bình dẳng. Không có đạo dức cao, đạo dức thấp. Người thầy giáo dạy học sinh điều xấu thì hậu quả xấu. Người thầy thuốc coi bệnh nhân là phương tiện làm tiền thì thành bất lương. Những trường hợp như thế dân gian thường nói là vô đạo.
Hơi thô thiển nhưng tôi tạm gọi: mỗi giá trị tinh thần cùng với hành vi tương ứng thuộc về một loại, một lớp, một trường, một không gian, các khái niệm như các khoa học tự nhiên hay dùng. Như trong không khí các phân tử nặng thì chìm ở dưói, các phân tử nhẹ thì thăng hoa. Nếu chuyển từ lớp này sang lớp khác, từ môi trường này sang môi trường khác, lớp này sang lớp khác “cao hơn” thì phải qua sự biến đổi, ánh xạ, bắn phá giải phóng năng lượng, biến đổi về lượng, đại khái như thế. Còn trong các đạo của các tôn giáo thì phải giữ giới luật, tu tập, v.v... đến mức độ nào đó thì được đắc đạo.
Cái đạo của người Việt Nam thì viết bao nhiêu sách cũng không hết, nói bao nhiêu cũng không đủ. Chung qui lại nói theo kiểu dân gian ta thì cũng chỉ mấy câu:”Uống nước nhớ nguồn; tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách; tôn sư trọng đạo; làm chút phúc đức để lại cho con cháu; thương người như thể thương thân”. Cũng tương tự như tứ ân (ơn cha mẹ, ơn đất nước, ơn phật pháp, ơn đồng loại); tâm từ, bi, hỉ xả trong đạo Phật.
Việc có thể đến được, đạt được thoải mái hoàn toàn, viên mản sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào ta và chính ta mới đưa lại cho ta và xã hội sự thoải mái hoàn toàn, viên mản đó thông qua học tập, rèn luyện và phục vụ.
Bài này tôi xin trình bày cùng quí bạn đọc ý kiến của cá nhân tôi, một người làm công tác trắc địa - bản đồ. Cái gì sinh ra rồi cũng đến lúc huỷ diệt, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi tàn, vì vậy việc tìm một trạng thái thoải mái hoàn toàn, an lạc có lẽ là nhu cầu khách quan của mỗi người chúng ta.