NHIỀU TÁC GIẢ

Giáo sư/Phó giáo sư Việt Nam

Họ là ai ?

Lê Dương Hà

Giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo. Tuyệt đại đa số các GS/PGS được nhà nước phong tặng trước đây đều xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có những GS/PGS xuất chúng,  họ  thực sự là con chim đầu đàn dẫn dắt và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong mấy chục năm qua.

Trong thời kỳ hội nhập, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản,  nghị định, hướng dẫn  . . như nghị định 20, quyết đinh 174/2008/QĐ-TTg… nhằm nâng cao chất lượng các đợt  xét công nhận GS/PGS tiến đến phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo các văn bản này, ngoài các tiêu chuẩn chung như thâm niên giảng dạy, hướng dẫn luận văn sau đại học… vấn đề then chốt và quan trọng nhất để trở thành  GS/PGS là các ứng viên phải đạt các tiêu chuẩn về số  điểm công trình tính từ  các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín.

Để đủ điểm công trình xét chức danh GS/PGS theo qui định, người làm khoa học phải có năng lực thực sự với một tinh thần làm việc nghiêm túc. Đây là lĩnh vực không có chỗ cho những người bất tài hoặc lười nhác. Vậy tại sao  vẫn có người không làm khoa học, hoặc năng lực chuyên môn kém nhưng vẫn có tên trong danh sách những GS/PGS được tôn vinh ở Văn Miếu ngày 20/11/2009 vừa qua? Họ là ai và vì sao họ có đủ tiêu chuẩn xét chức danh cao quí này? Trong bài viết này xin kể ra đây một số “công nghệ GS/PGS” và “chân dung” một số GS/PGS đang tồn tại ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây.  

1. Công nghệ “góp gạo thổi cơm chung” cùng lên GS/PGS

Tôi có học trò cũ hiện  làm trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Anh là nhà khoa học thực sự, đứng tên  rất nhiều bài báo được đăng  trên các tạp chí Quốc tế. Nhưng khi đạt được PGS rồi thì mấy năm liền không thấy tên anh trên các  tạp chí  nữa. Anh hồn nhiên chia sẻ  :”Trước khi được phong PGS, em và các nghiên cứu viên cùng tham gia đề tài trọng điểm cấp nhà nước, cùng viết bài báo khoa học, nhưng chỉ em đứng tên  bài báo đó. Bây giờ em được PGS rồi, tiếp theo là  anh phó phòng, sau đó là các anh em trẻ khác đứng tên các bài báo khoa học.  Ai năng lực kém không có khả năng nghiên cứu, nhưng muốn giữ biên chế ở viện và  lên PGS thì Viện tạo điều kiện cho làm kinh tế, làm công việc kinh doanh bên ngoài  kiếm tiền nộp cho những người làm nghiên cứu khoa học thực sự. Vấn đề quan trọng nhất là anh  em  trong cơ quan phải  đoàn kết, thì ai cũng đến lượt lên PGS thôi.!

2. Công nghệ “tìm điểm tựa của Acsimet” để lên PGS

Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng Trái Đất lên !", đó là câu nói của  Acsimet, nhà cơ học thiên tài của thời cổ đại đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Ông còn nói thêm rằng “giá mà có một Trái Đât khác nữa, tôi  sẽ sang Trái Đất đó và đẩy bật Trái Đất của chúng ta đi chỗ khác”. Trong công nghệ GS/PGS, điểm tựa đó chính là một chức vụ cao, quan trọng liên quan đến các vấn đề quản lý khoa học. Một ứng viên đang phấn đấu PGS đã thốt lên rằng “hãy cho tôi làm hiệu trưởng trường đại học này,  tôi sẽ trở thành giáo sư”. Trong thực tế chỉ cần  một chức vụ như   trưởng khoa, trưởng phòng khoa học… cũng là điểm tựa làm PGS một cách dễ dàng. Khi duyệt cấp kinh phí (tiền) cho các đề tài,  một số quan chức “đam mê khoa học” sẵn sàng từ chối nhận tiền  “lại quả“ từ  đề tài,  thay vào đó lại muốn cấp dưới để tên mình khi công bố các bài báo khoa học. Càng duyệt nhiều đề tài, thì quan chức đó càng có nhiều điểm bài báo khoa học.  Có vị  đứng đầu một trường đại học công nghệ, duyệt cho mỗi đề tài mũi nhọn rất nhiều tiền chỉ để  cuối năm sản phẩm là các bài báo đăng trên tạp chí khoa học Quốc tế có tên mình.  Điều này giải thích vì sao một số giảng viên khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nghiên cứu viên ở viện không có nổi bài báo khoa học, nhưng khi có chức quyền, mặc dù bận tối ngày với các công việc sự vụ của trường,  nhưng chỉ vài năm đã thừa điểm công trình,  vượt xa tiêu chuẩn giáo sư.

3. Công nghệ dùng tiền làm khoa  học đạt GS/PGS

Tên tội phạm Năm Cam đưa ra một lẽ sống:”cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Câu này không phải chân lý nhưng nó đúng trong công nghệ làm GS/PGS hiện nay. Hãy nghe 2 câu chuyện sau đây

Câu chuyện thứ nhất : Hãy ở lại làm luận án Tiến sĩ với tôi

Một người bạn tôi kể : “Tôi làm nghiên cứu sinh thời kỳ Liên Xô sụp đổ, đời sống của các giáo sư Nga rất khó khăn. Tôi không có học bổng, nên vừa nghiên cứu khoa học, vừa chạy chợ để có tiền nuôi sống bản thân và gửi biếu giúp giáo sư hướng dẫn.  Sau một thời gian, mối quan hệ thầy trò đã trở nên thân thiết, tôi toàn tâm làm kinh tế kiếm tiền, thầy chuyên tâm làm khoa học, viết bài báo đứng tên tôi. Ngày tôi bảo vệ luận án Tiến sĩ chuẩn bị về nước, vị giáo sư Nga buồn bã nói với tôi :”Em đừng về Việt Nam nữa, em về bây giờ thì gia đình tôi đói. Hãy ở lại nghiên cứu tiếp Tiến sĩ khoa học và đi làm thêm để có tiền giúp tôi vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu Xô Viết này… Danh sách các bài báo khoa học trong hồ sơ xét PGS của tôi đa số  do giáo sư Nga viết hộ trước đây. Để hoàn tất hồ sơ, đầu năm vừa rồi (2009) tôi  viết thư sang nhờ Thầy viết hộ thêm mấy bài để đủ điểm bài báo ở 3 năm cuối”.

Câu chuyện thứ hai : “Đi ô tô trồng sắn “

Thời kỳ bao cấp,  cán bộ khoa học cũng phải lao động  tự túc lương thực. Một số viện nghiên cứu có thế lực,  liên hệ mượn được ô tô cơ quan chở cán bộ đi lên đồi trồng sắn. Đồng chí Tố Hữu khi đó là Phó thủ tưởng, trong một lần đi cơ sở, cầm củ sắn lên và nói:”sắn hôi mùi xăng quá”. Mọi người quá đỗi ngạc nhiên, đến lúc này Đồng chí Tố Hữu mới giải thích :”Tiền bán sắn trồng được không bằng tiền xăng đưa cán bộ đi trồng sắn”. Đến lúc này mọi người mới hiểu cách chơi chữ rất thâm thúy của Đồng chí Tố Hữu.

Trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ, để có các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Quốc tế,  ngoài năng lực nghiên cứu cùng tinh thần làm việc quên mình trong khoa học của các nghiên cứu viên, phải có các phòng thí nghiệm trọng điểm, các phương tiện nghiên cứu hiện đại và đồng bộ. Phòng thí nghiệm trọng điểm tương đương triệu USD, nhưng không phải viện nghiên cứu nào, trường đại học nào cũng được đầu tư phòng thí nghiệp trọng điểm. Khi có phòng thí nghiệm trọng điểm, muốn có bài báo Quốc tế phải đầu tư thêm hàng nghìn USD.  Tổng kết cuối năm, các bài báo khoa học  đăng trên tạp chí quốc tế được mang ra  trưng bày, một nhà khoa học lão thành (trước đây đã từng đi ô tô trồng sắn) cầm quyển tạp chí lên và nói :”Bài báo khoa học này hôi mùi USD quá”.

4. Tâm tình của các GS/PGS theo công nghệ mới.

Theo qui trình xét GS/PGS trước đây, chỉ có những người giỏi  thực sự mới được tôn vinh GS/PGS. Rất ít người nghĩ ra những “chiêu công nghệ GS/PGS” kể trên. Còn bây giờ theo công nghệ GS/PGS ở trên, các đối tượng trở thành GS/PGS hết sức đa dạng và phong phú. Ngoài những người giỏi thực sự như Bùi Thế Duy, Võ Văn Hoàng… còn có cả các quan chức, người nắm giữ tiền quản lý khoa học, người có quan hệ tốt, người có may mắn làm ở các phòng thí nghiệm trọng điểm… Sau ngày tôn vinh các GS/PGS ở Văn Miếu – Quốc tử giám 20/11/2009 vừa qua, tôi có dịp được các  GS/PGS mời đi ăn mừng ở nhà hàng sang trọng của Hà Nội. “Rượu vào lời ra”, một tân PGS trong trạng thái “phê phê” hát vang “Anh GS, tôi GS, tất cả chúng ta là GS… là lá la, là lá la…” làm náo loạn cả góc phố. Một PGS khác tâm sự: ”Tôi sinh ra trong một gia đình mà ba đời là giảng viên đại học, Ông nội và bố tôi đều là Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, nhưng chỉ đến đời tôi mới được phong PGS nhờ “công nghệ GS/PGS”. Ông  tôi mừng quá, vuốt râu bảo tôi :”Con hơn cha là nhà có phúc”!

5. Thân phận của các giảng viên thường trong cuộc sống mưu sinh.

Tình trạng bùng nổ các trường đại học, số sinh viên tăng vọt, các giảng viên  không có chức vụ, muốn có tiền mưu sinh trong thời buổi giá cả tăng vọt, phải dạy tối ngày, về đến nhà là kiệt sức lấy đâu sức khỏe và thời gian để nghiên cứu khoa học. Cũng chẳng ai giúp viết hộ bài báo, mặc dù có rất nhiều ý tưởng khoa học hay. Đối với đối tượng này, các bài báo khoa học là xa xỉ, và chức danh GS/PGS đối với họ hết sức xa vời. Và cuộc đời của họ không bao giờ được cái may mắn “con hơn cha là nhà có phúc”.

6. Công nghệ GS/PGS có tồn tại vĩnh cửu !

Theo văn bản pháp quy về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS xuất bản tháng 7/2009 của Hội đồng chức danh GSNN,  Việt Nam đang tồn tại 02 loại: GS/PGS suốt đời và GS/PGS có thời hạn.

-  Tại khỏan 3 điều 1 chương 1 trang 9, quyết đinh 174/2008/QĐ-TTg  ghi “Các GS/PGS đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong, công nhận hoăc bổ nhiệm trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục giữ chức danh GS/PGS”. Nghĩa là GS/PGS xét trước 2007 không phải xin bổ nhiệm, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ, nên dù họ không còn nghiên cứu khoa học nữa thì chức danh GS/PGS vẫn theo họ suốt đời.

- Tại điều 16 mục 2 chương 3 trang 19, quyết đinh 174/2008/QĐ-TTg ghi  “đối tượng được bổ nhiệm chức danh GS/PGS: nhà  giáo đã được được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS không quá 2 năm”. Tại điều 17 trang 20 ghi “định kỳ 3 năm 1 lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS/PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.” Như vậy GS/PGS sau 2009 cũng giống như văn bằng tốt nghiệp. Người có văn bằng này vẫn phải đi xin việc (xin bổ nhiệm). Nếu sau  2 năm không có nơi bổ nhiệm  thì văn bằng sẽ không có hiệu lực. Đây là một nét hết sức “độc đáo” của  Việt Nam,  không giống với bất cứ nước nào trên hành tinh này.

Do đó muốn chức danh GS/PGS có giá trị lâu dài, các GS/PGS sau năm 2009  phải “chạy bổ nhiệm” và tiếp tục “chạy” công trình bài báo. “Cuộc chiến” này sẽ không có hồi kết thúc và công nghệ GS/PGS vì thế  vẫn còn đất sống cho cả những tân GS/PGS và các ứng viên muốn đạt PGS những năm tiếp sau.

Khi thi đại học, thí sinh phải có giấy báo thi dán ảnh  mới được vào phòng thi, do đó rất khó đưa người thi hộ. Còn khi nộp bài báo khoa học, ban biên tập không bao giờ kiểm tra chính xác được tác giả bài viết là ai. Đây là cơ hội để người làm khoa học thực sự, trực tiếp viết bài báo  nhưng  người khác lại đứng tên mà không ai có thể phát hiện được. Do đó rất khó để ngăn chặn các công nghệ GS/PGS trên.

7. Bát nháo việc bổ nhiệm GS/PGS

Nếu Bộ giáo dục, Hội đồng chính sách khoa học công nghệ Quốc gia làm một cuộc thanh tra toàn diện, chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều loại "công nghệ GS/PGS"  độc chiêu hơn những "công nghệ" mà bài viết đã nêu. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tận gốc, tỷ lệ GS/PGS theo “công nghệ” trên tổng số GS/PGS thực chất sẽ tăng lên hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Việc xét công nhận chức danh GS/PGS đã nhiều chuyện, nay việc bổ nhiệm còn phức tạp hơn. Bắt đầu từ năm 2009, tất cả những ai được công nhận đạt chuẩn GS/PGS nhưng vẫn phải chờ sự bổ nhiệm của một trường đại học nào đó có nhu cầu thì khi đó mới chính thức trở thành GS/PGS. Đây là lần đầu tiên xét bổ nhiệm GS/PGS nên chưa hình thành “công nghệ bổ nhiệm” nhưng nhiều  rắc rối đã xảy ra.

- Cùng một đất nước Việt Nam đang tồn tại hai loại GS/PGS. Loại GS/PGS theo nghị định 20 không có nhiệm vụ mới là loại GS/PGS suốt đời. Còn GS/PGS theo quyết định 174 thì sau khi được bổ nhiệm, hiệu trưởng giao nhiệm vụ mới  và  “bị” kiểm tra  đánh giá sau 3 năm một lần.

- Có quan chức cùng một lúc xin bổ nhiệm ở 3 trường đại học. Có quan chức nộp hồ sơ xét GS/PGS ở một cơ sở đại học này  nhưng khi xin bổ nhiệm lại ở một  trường đại học khác.

- Một số dự định sau khi được bổ nhiệm GS/PGS sẽ  xin chuyển về các thành phố lớn.  Từ đó hình thành một loại GS/PGS được bổ nhiệm một nơi nhưng lại giảng dạy một nơi. Để hợp thức hóa, các GS/PGS mỗi khi chuyển công tác lại xin  bổ nhiệm lại. Nó giống như hình thức chuyển nhượng cầu thủ của các câu lạc bộ bóng đá hay các đảng viên chuyển công tác phải chuyển sinh hoạt đảng.

- Người trực tiếp giảng dạy lại không được đề nghị bổ nhiệm, những quan chức không tham gia giảng dạy lại được đề nghị bổ nhiệm! GS/PGS là chức danh khoa học cao quí dành cho những người trực tiếp giảng dạy đại học. Như vậy có nhất thiết phải bổ nhiệm GS/PGS cho các đối tượng là thứ trưởng, hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa không? Nếu bổ nhiệm thì ai giao nhiệm vụ cho họ, nếu chính họ tự giao nhiệm vụ sẽ  hình thành loại GS/PGS “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Vv . . .vv

Để nâng tầm GS/PGS Việt Nam phù hợp với  thông lệ Quốc tế và vô hiệu hóa các “công nghệ GS/PGS”, rất cần có sự vào cuộc của chính phủ, các cơ quan chức năng  và giới khoa học nước nhà.

Hà Nội, ngày 08/04/2010

Lê Dương Hà

 

Xung quanh những bài viết về việc công nhận và bổ nhiệm giáo sư/phó giáo sư ở VN

Sau khi Vietnamnet đăng tải liên tiếp 2 bài “hành trình lận đận xin việc của một phó giáo sư”, “những công nghệ tạo giáo sư độc đáo” (lấy từ bài 'GS/PGS-họ là ai' đăng trên ykhoanet), tòa soạn Vietnamnet đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi. Trong bài viết này sẽ phân tích những vẫn đề mà dư luận đang quan tâm và kỳ vọng vào đội ngũ tinh túy nhất :giáo sư, phó giáo sư,

1. Công nghệ tạo giáo sư còn là hiện tượng nhỏ hay đã trở nên phổ biến

Đoạn cuối của bài “Những công nghệ tạo giáo sư độc đáo” viết: ”Số giáo sư/phó giáo sư theo công nghệ chỉ là ‘con sâu làm rầu nồi canh”. Tuy nhiên trong phần ý kiến bạn đọc, tất cả đều “đồng thanh” cho rằng công nghệ này đang là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Bạn Lương Duy Cường, 14 CMT8, Q1-TP.HCM : “Thực ra không chỉ có chuyện GS/PGS là có "công nghệ" hiện đại này mà làm thạc sĩ, tiến sĩ cũng đều thế cả. Tất nhiên không phải là tất cả nhưng khổ nỗi lại là số đông. “. Bạn Vũ Thị Bản, Long Biên Hà Nội: ”Thật là hay khi đọc được bài viết về những "công nghệ" tạo GS độc đáo! Chuyện này có từ cả chục năm nay... ở mọi nơi đều xẩy ra cái "công nghệ" đào tạo như bài báo đã nêu.” v.v....

Trước một vấn đề quá nóng, đúng vào thời điểm bổ nhiệm GS/PGS năm 2009 và chuẩn bị xét công nhận chức danh GS/PGS năm 2010, nên bài viết được nhiều người quan tâm tìm đọc. Trong khi dư luận đang râm ran và vẫn còn nửa tin nửa ngờ bài viết thì rất cần người có trách nhiệm đứng ra định hướng dư luận. Tiếc thay lãnh đạo Bộ giáo dục không một ai lên tiếng phản bác nội dung bài viết nên dư luận xấu về hình ảnh các giáo sư càng bị đẩy lên quá đà. Trong các trường đại học, tại các phòng nghỉ giáo viên, mọi người bình luận về bài viết với một thái độ mỉa mai những người mang danh giáo sư, họ vô tình đánh đồng “cá mè một lứa” giữa các giáo sư thật với giáo sư theo công nghệ.

Mọi nhận định bây giờ chỉ là võ đoán thiếu căn cứ. Trước khi có kết luận ‘công nghệ’ tạo giáo sư là hiện tượng nhỏ hay đã trở nên phổ biến, Bộ giáo dục cần có cuộc khảo sát toàn diện, khoa học và khách quan.

2. Hình ảnh các giáo sư/phó giáo sư qua ý kiến bạn đọc

Năm 2009, để được công nhận PGS, các ứng viên phải trải qua thẩm định ở 3 cấp (cơ sở, ngành, nhà nước), thời gian xét duyệt hơn nửa năm và trên 1000 hồ sơ chỉ xét được 641 hồ sơ PGS. Khi đã được nhà nước công nhận, muốn được bổ nhiệm, những ứng viên phải viết đơn xin cơ sở giáo dục đào tạo đại học, từ đó hình thành một cơ chế “xin – cho”. Việc làm này giống như các các tân cử nhân, tân kỹ sư đi xin việc, và chính cái cơ chế “xin – cho” đó tất yếu dẫn đến việc “chạy” bổ nhiệm GS/PGS.

Câu chuyện một phó giáo sư chạy xin bổ nhiệm trong bài “hành trình lận chạy... “ tạo nên hình ảnh hết sức phản cảm trong xã hội, một hình ảnh không đẹp của trí thức Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đó là những cảnh đối ngược nhau trong cùng một thời gian, Ông PGS vinh dự được Phó Thủ tướng trao giấy chứng nhận ngày 20/11 nhưng đến ngày 21/11 đã phải chạy xin bổ nhiệm và tiếc thay chính cái trường chủ quản của tân PGS này lại từ chối, vậy là ‘phép vua thua lệ làng’. Chưa hết, trong phần ý kiến bạn đọc, Lê Trần viết: ” Ông PGS này "chạy" chức danh PGS trước rồi đi tìm đơn vị có nhu cầu sau là làm ngược rồi. Kêu ca cái gì nữa. Ông là nạn nhân của sự hám danh của chính ông, không phải là nạn nhân của quy định “. Như vậy theo quyết định 174, việc tách bạch 2 quy trình: công nhận và bổ nhiệm nhằm tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đào tạo đại học vô tình làm cho xã hội hiểu sai về quy trình bổ nhiệm, hình ảnh cao đẹp của GS/PGS trước đây, dưới con mắt của một số bạn đọc giờ chỉ là kẻ hám danh !.

Những ai đang phấn đấu một cách chân chính để đạt PGS sẽ cảm thấy chạnh lòng khi đọc những ý kiến này.

Lê Dương Hà

 

Trần Minh Hạu

Đọc bài "Công nghệ GS/PGS" của Lê Dương Hà, tôi thấy rất tâm đắc và càng ngẫm càng thấy đúng. Hiện nay các quan chức lãnh đạo (Thứ trưởng, Hiệu trưởng các trường Đại học) chẳng phải nghiên cứu gì nhưng chủ nhiệm các đề tài, công trình khoa học công nghệ các cấp thì chủ yếu là tên họ, còn người thực hiện (cấp dưới) thì chẳng bo giờ đến lượt.

Hiện nay xét phong GS/PGS có sử dụng cả những đề tài cấp cơ sở, mà đề tài KH cấp cơ sở thì cơ sở đào tạo nào muốn dựng ai lên thì mỗi năn (thường là năm chuẩn bị xét chức danh) là lại đạo diễn và nghiệm thu cho họ 3-4 đề tài và chấm đều cho đạt Xuất sắc cả, chỉ cấn 2 năm cuối là thừa điểm GS/PGS.

Chức danh GS/PGS là dành cho những cán bộ trực tiếp giảng dạy nhưng thường những cán bộ giảng bình thường, không có chức vụ gì thì khó có cơ hội và điều kiện để tích luỹ đủ các tiêu chuẩn để ứng cử (Giờ giảng nhiều, Chủ nhiệm đề tài các cấp không đến lượt, Chủ biện sách và tài liệu giảng thường là Lãnh đạo hoặc chi ít là trưởng phòng đào tạo, khoa học...) trong khi đó thực chất thì các lãnh đạo đâu có phỉ là người nghiên cứu, viết bài, viết sách. Vấn đề này, tôi cũng đồng ý với ý kiến của Lê Dương Hà là cần có các cơ quan chức năng (Chính phủ, Cơ quan cao cấp của Nhà nước) vào cuộc.

Có nên phong chức danh GS/PGS cho các lãnh đạo nữa không? phong xong nhưng họ có bao giờ giảng dạy truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ nữa đâu? Những cán bộ giảng được phong GS/PGS sau khi có chức danh thì lại chạy để sang làm quản lý, lãnh đạo thì liệu có được bổ nhiệm nữa không? Nếu Hiệu trưởng bổ nhiệm thì thật là "đánh bùn sang ao".

Vậy Nhà nước có nên quy định chỉ phong chức danh GS/PGS cho giảng viên hay phong cho lãnh đạo hoặc phong để có cơ hội làm lãnh đạo?

Lê Dương Hà

Cám ơn bạn đã có suy nghĩ đồng cảm với người viết. Tôi đã in và gửi bài viết này đến các Ông Nguyễn Thiện Nhân, Đào Trọng Thi và nhiều quan chức ở Ban Tuyên giáo Trung ương.

Sau đó Vietnamnet đăng lại bài viết này dưới tên khác "Những công nghệ tạo giáo sư độc đáo",  nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với bài viết. Trước dư luận như vậy  nhưng tất cả những người có trách nhiệm đều "án binh bất động", không dám công khai đứng ra đối chấp với người viết. Bởi vì thực ra còn nhiều "công nghệ" khác nữa, nhưng đây là vấn đề nhạy cảm nên  tôi không tiện nêu ra .

Lê Dương Hà

 

 

 


Huỳnh Quốc Hiếu - Phẫu thuật robot: các ứng dụng, hạn chế, và ảnh hưởng trong đào tạo phẩu thuật.
Huỳnh Tấn Tài - Bảo hiểm sức khỏe (PDF)
Huỳnh Tấn Tài - Bồi hoàn thể tích máu mất.
Huỳnh Tấn Tài - Healthcare Information Management and the CIO
Huỳnh Tấn Tài - Hệ thống bệnh án điện tử dưa trên Web
Huỳnh Tấn Tài - Lại bàn về Sport
Huỳnh Tấn Tài - Nhu cầu giảng dạy thông tin học y khoa tại Viêt nam
Huỳnh Tấn Tài - Nhân lực y tế, phân tích và chính sách (PDF)
Huỳnh Tấn Tài - Nhầm lẫn y khoa
Huỳnh Tấn Tài - The Electronic Patient Record: user needs versus privacy and security concerns
Huỳnh Tấn Tài - Trị số P (PDF)
Huỳnh Tấn Tài - Tản mạn về sức khỏe
Huỳnh Tấn Tài - Xung đột quyền lợi trong y tế
Huỳnh Tấn Tài - Y học thực chứng và vắc-xin phòng chống cúm gia cầm H5N1
Huỳnh Tấn Tài - Y đức và đạo đức học y khoa (PDF)
Huỳnh Tấn Tài - Đặc điểm của xét nghiệm và quyết định lâm sàng định lượng
Hà Nguyên - Quyền riêng tư và được bảo mật thông tin của bệnh nhân
Hải Ngọc - Vấn đề sinh viên tốt nghiệp đại học y tại Trung Quốc: Quản lý Nhà nước chưa theo kịp sự phát triển xã hội?
Hố Đắc Duy - Xáo trộn trên thị trường thuốc trị bệnh liệt dương
Hồ Đắc Duy - "Tainted Egg Syndrome" - Hoi chung hiem thay o nuoc ta.
Hồ Đắc Duy - Các Khía Cạnh Tình Dục Trong Truyện Kiều
Hồ Đắc Duy - Những dấu ấn về tình dục trong cuộc đời của nạng Kiều
Hồ Đắc Duy - Đêm qua là cái đềm gì
Lâm Quốc Anh - Chất béo
Lê Dương Hà - Giáo sư - phó giáo sư Việt Nam, họ là ai?
Lê Quang Thông - Chẩn bệnh Tam Quốc Version 2
Lê Quang Thông - Phiếm luận tiểu thuyết Võ hiệp Kim Dung và Y học
Lê Quang Thông - Vì sao chữ “Sĩ” trong ngành y bị xuống cấp?
Lê Quang Thông - Y khoa trong Chiết tự chữ Hán
Lê Đình Phương - Y khoa buồn
Nguyễn Bá Thiện - Dầu mè và nước muối trong điều trị khô niêm mạc mũi
Nguyễn Hoài Nam - Vi tínnh hóa phòng khám - tại sao không?
Nguyễn Minh Mẫn - Y tế Việt Nam nên bắt đầu từ định nghĩa sức khỏe!
Nguyễn Quý Ninh - Bức thư của một bác sĩ về hưu
Nguyễn Quý Ninh - Chiều - Thơ
Nguyễn Quý Ninh - Nguyễn Nhân trường hợp một bác sĩ bị đâm chết ở Thái Bình
Nguyễn Quốc Vọng - Máy ozone khử trùng rau quả: Con dao hai lưỡi
Nguyễn Thiện Hùng - Siêu âm và bụng cấp tính
Nguyễn Thị Tâm Thuận - 5 loại thực phẩm có hại với não
Nguyễn Thị Tâm Thuận - Lô hội – vị thuốc quý
Nguyễn Thị Tâm Thuận - Những điều cần lưu ý khi uống sữa đậu nành
Nguyễn Thị Tâm Thuận - Nước – yếu tố dinh dưỡng cơ bản nhất
Nguyễn Thị Tâm Thuận - Đậu tương-thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao
Nguyễn Trọng Bình - Bệnh tay chân miệng và lở mồm long móng
Nguyễn Đức Minh - Thử tìm một vế của “Sức khoẻ”
Phạm Văn Linh - Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học
Trần Văn Giang - Năm Hợi Nói Chuyện Thịt Heo
Trần Văn Huy - Bệnh tim mạch ở phụ nữ
Trần Văn Huy - Hãy hiểu đúng về cây xáo tam phân
Trần Đình Bình - EVIDENCE-BESED MEDICINE (EBM) - y học thực chứng
Trần Đình Bình - Mối liên quan giữa hệ thống kháng nguyên bạch cầu người
Võ Đức Chiêu - Điều trị thành công 1 trường hợp tràn dịch màng phổi do Toxocara với Egaten liều duy nhất.
Vĩnh Phương - Tác giả khách mời & người viết mướn trong nghiên cứu y học
Độc giả


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn