Chẩn bệnh Tam Quốc Version 2.0
BS Lê Quang Thông
Trong chúng ta chắc ai cũng đã từng đọc qua Tam Quốc Chí , hoặc đã xem bộ phim Võ hiệp Gia Cát Lượng hay gần đây là bộ phim Tam Quốc do Trung Quốc dàn dựng phỏng rất sát theo tiểu thuyểt lịch sử nổi tiếng trong “Thất Tử Tài Thư”. Dưới ngòi bút tài tình của La Quán Trung, dù biết đây chỉ là tiểu thuyết lịch sử vừa có thực vừa hư cấu nhưng chúng ta chẳng thể nào quên được các nhân vật bất hủ như:Tào Tháo,Gia Cát Lượng, Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vân Trường, Chu Du….trong tâm khảm người Á đông… Việc bàn luận văn chương, chính trị, mưu mẹo v.v.. . về các nhân vật trong Tam Quốc Chí đã có nhiều người làm. Trong bài viết này dưới góc độ… y học hiện đại, chúng ta thử ngược dòng thời gian để hội chẩn và chẩn đóan cho các nhân vật nổi tiếng của lịch sử Tam Quốc Chí Trung Quốc cách đây gần 1800 năm (khỏang 200năm sau Công nguyên) . Trước tiên là nhân vật lừng danh của Tam Quốc, một trong “Tam Tuyệt” nổi tiếng gian hùng tuy không cứơp ngôi nhà Hán nhưng công lao đứng đầu nước Ngụy:
Hoa Đà |
Tào Tháo tự Mạnh Đức! Ông ta chết vì bệnh gì? Trong Tam quốc diễn nghĩa, trong lúc làm Thừa Tướng đã nhắc đến nhức đầu lai rai…cho đến cuối đời, bênh nặng lên, nhức đầu kinh khủng, có mời danh y Hoa Đà đến thăm và chính Hoa Đà đề nghị khoan sọ để điều trị, nhưng Tào Tháo vốn đa nghi , cho là Hoa Đà mưu hại mình và đã bỏ ngục vị danh y này. Tào Tháo nằm mê thấy những người mà mình đã giết đến đòi mạng, thấy thủ cấp Quan Vũ trợn mắt đến nổi phát bệnh và cuối cùng lìa đời. Thời điểm đó chưa có môn giải phẩu tử thi (Autopsy) và CT scanner hay Cộng hưởng từ… nhưng chúng ta có thể chẩn đoán Tào Tháo bị …chứng nhức đầu do U não(Brain tumor). Hoa Đà cho rằng cần phảỉ mổ (chúng ta phải tin danh y Hoa Đà chứ?!)…Sách cũ phong Hòa Đà là Ngọai khoa Thánh Thủ còn ngày nay có thể nói Hoa Đà là bác sĩ Phẩu thuật thần kinh(Neurosurgeon) đầy kinh nghiệm xác suất sai rất thấp… thì chắc là U rồi!, có thể chẩn đoán vị trí khối U nằm ở thùy chẩm vì có triệu chứng ảo thị giác(optic hallucination) .
Nhân vật thứ hai trong “Tam Tuyệt” nổi tiếng đa mưu túc trí là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ôn lại bệnh sử ta nhận thấy từ khi Lưu Bị phó thác con côi Lưu Thiện, Khổng Minh đã “bảy lần bắt Mạnh Hoạch” nên nhớ Nam man rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí ít nhiều ảnh hưởng đến hệ hô hấp của Ngọa Long tiên sinh? và “sáu lần xuất Kỳ Sơn” hầu thu phục giang san cho nhà Hán nhưng bất thành, lao tâm lao lực, làm việc quá độ(surmenage) . Sau thất bại không hỏa thiêu được cha con Tư Mã Ý tại hang Hồ Lô, bệnh cũ tái phát. Trước khi chết, Gia Cát dự định cầu sao tăng tuổi thọ nhưng Ngụy Diên “bộp chộp” đá đổ cây đèn mạng và Khổng Minh thổ huyết nhiều lần rồi “quy tiên”… ta có thể chẩn đoán Khổng Minh bị lao phổi(Pulmonary Tuberculosis) biến chứng ho ra máu(hemoptysis). Thời đó Rimactan,Rimifon,Myambutol… chưa có nên cầu sao trấn áp tướng tinh làm sao cứu nổi?
Quan Vũ tự Vân Trường một trong ba “Tam Tuyệt” theo lời bình của Mao Tôn Cương cũng có giai thọai lý thú liên quan đến y học, đó là Hoa Đà nạo xương điều trị vết thương do mũi tên tẩm độc của quân sĩ Tào Nhơn lúc ông đang tiến đánh Phàn Thành…Ông ung dung ngồi đánh cờ không lộ vẻ đau đớn khiến Hoa Đà thán phục…các sách dã sử ngòai Tam Quốc Diễn nghĩa có nhắc Hoa Đà ngòai châm tê giảm đau còn có bột Ma phí tán cho bệnh nhân uống để phẩu thuật bụng…? Hoa Đà được xem là người đầu tiên dùng thuốc mê trong phẩu thuật!? Trong truyện mô tả Quan Vũ “mặt đỏ râu dài”. Mặt đỏ…về Tây y có bệnh Đa hồng cầu hay U thận làm tăng erythropoietin, nhưng có lẽ không đúng vì Quan Vũ sức mạnh võ nghệ siêu quần…mắc các bệnh ấy thì thể lực làm chi còn…có lẽ bẩm sinh Quan Vũ thuộc típ cuờng phó giao cảm luôn dãn mạch da mặt…giống các tay uống bia,rựơu mặt trời luôn mọc suốt đêm thâu?…Theo y học các lọai người uống rựơu mặt đỏ tính tình ít đáng sợ hơn mặt tái(co mạch) …có lẽ phù hợp với Quan Vũ trọng nghĩa khinh tài nên tha Tào Tháo ở Hoa Dung tiểu lộ đấy chăng?
Nhân vật nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa là Chu Du tự Công Cẩn, tướng Đông Ngô. Khi Khổng Minh đọat Kinh Châu , phỗng tay trên của Du sau trận Xích Bích, còn đứng trên thành khích chí… Chu Du tức hộc máu về đau mà chết, trước khi tắt thỏ còn than một câu thật bi đát “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng!?”(trong bộ phim Võ hiệp Gia Cát Lượng kịch bản còn hư cấu thêm là Lượng đã phỗng luôn Tiểu Kiều, vợ của Du) …chắc là Chu Du đã bị bệnh lý dạ dày tá tràng, biến chứng xuất huyểt tiêu hóa nặng(hematemesis) do bị “stress”!(Thời đó chưa biết Helicobacter Pylori gây bệnh Dạ dày Tá tràng nhưng chúng ta nên biết HP chỉ chiếm khỏang 15% trong bệnh lý này). Cần nhắc thêm là Chu Du đã có tiền sử bệnh trước đó khi Tôn Quyền mời ra làm tướng chỉ huy trận Xích Bích, Chu Du đang nằm nhà “nghỉ dưỡng”, chưa kể cá tính của Du là người vừa kiêu ngạo, vừa đố kỵ… Như vậy có bạn sẽ hỏi Khổng Minh cũng có thể bị thổ huyết do bệnh dạ dày lắm chứ? Xin thưa rằng Khổng Minh là bậc hiền triết biết mệnh trời, sống thanh thảng, nên khả năng bị những bệnh vì “stress” như viêm lóet dạ dày tá tràng rất ít xảy ra .
Một nhân vật cần bắt mạch chẩn bệnh trong Tam Quốc nữa là học trò Khổng Minh: Khương Duy tự Bá Ước,người đã cố gắng giữ nước Thục Hán cho đến cuối cùng, song đang lúc đánh nhau thì bỗng lên cơn đau bụng cấp (chắc là cơn quặn gan – colique hepatique) và bị giết. Lúc kẻ địch phanh thây ra thấy túi mật to bằng quả trứng gà(bản dịch Phan Kế Bính ) , lúc đó ai cũng cho Khương Duy “to gan lớn mật”, đởm lược hơn người, nhưng dưới con mắt những bác sĩ Siêu âm hay bác sĩ ngoại khoa hôm nay thì Khương Duy có thể bị viêm túi mật không do sỏi(acalculous cholecystitis) hoặc do giun chui ống mật….Chúng ta nên biết định luật Courvoisier về túi mật lớn chỉ khi chèn ép bên ngòai ống mật chủ như U đầu tụy, U Vater…còn sỏi gây túi mật teo nhỏ do viêm từ từ…nên Khương Duy có khả năng nhiều nhất là Viêm túi mật cấp không do sỏi thường là do chấn thương hay thiếu máu (ischemia) như vậy Khương Bá Uớc có khả năng bị chấn thương một cú khá nặng vào hạ sườn phải nhất là đang đánh nhau…với quân Ngụy lúc cuối truyện.
Lưu Bị tự Huyền Đức, nhân vật có công khai sáng nhà Thục Hán được mô tả dị tướng có tay dài quá gối , chúng ta có thể liên tưởng đến hội chứng Marfan, mà hiện nay các nhà y học cũng nghĩ Tổng Thống Mỹ Lincoln mắc bệnh này vì gương mặt xương xẩu và hai cánh tay dài quá cỡ của ông . Không biểt hội chứng này có liên quan gì với các lãnh tụ ?
Trương Phi tự Dục Đức tính tình nóng nảy, ngủ mắt không nhắm do hai mắt lồi ra, ngay sinh viên y khoa năm thứ ba cũng có thể nghĩ ngay đến triệu chứng của bệnh bướu cổ lộ nhãn: bệnh Basedow.
Đối với các bệnh lý thuộc tâm thần học, một nhân vật Tam Quốc cũng khá nổi tiếng có thể đã mắc bệnh này và chết do suy kiệt dần mòn, đó là Tôn Sách tự Bá Phù , anh của thủ lãnh Giang Đông Tôn Quyền. Rất có khả năng Tôn Sách bị chứng hoang tưởng bị hại(persecution hallucination) Trong truyện, Tôn Sách bực Vu Cát, đạo sĩ được nhân dân Đông Ngô sùng bái nên đã ra lệnh giết Vu Cát, sau đó bị oan hồn Vu Cát ám ảnh cho đến lúc chết .
Nhân vật Tam Quốc rất nhiều, nên bệnh học Tam Quốc cũng còn nhiều , các bạn thấy thuốc trẻ có thể nghiền ngẫm xem, vừa là cách ôn bệnh lý học, vừa là mua vui cũng được một vài trống canh”.