Quyền riêng tư và được bảo mật thông tin của bệnh nhân
Hà Nguyên
Là một thực thể sống trong xã hội đa tương giao, con người được bảo đảm bởi một quyền bất khả xâm phạm đó là sự riêng tư và các bí mật riêng tư. Quyền này được thực thi dưới hướng dẫn của Luật nhân quyền của Liên hiệp quốc, Hiến pháp của mỗi quốc gia, luật và nghị định của từng tiểu bang, lãnh thổ. Trong lĩnh vực y tế tính riêng tư và quyền bảo mật cũng như mối quan hệ thầy thuốc-bệnh nhân còn được quy định chặt chẽ hơn bởi những chính sách của hội đoàn chuyên môn hoạt động. Điều đó không phải mới. Từ khi xã hội loài người được phân chia và quản lý bằng nhà nước có pháp quyền, nền Y học hiện đại ra đời thì quyền riêng tư và bảo mật cũng như quan hệ thầy thuốc bệnh nhân cũng được thiết lập [1].
Sở dĩ như vậy là do tầm quan trọng, tính quyết định giúp cho thầy thuốc chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân từ những thông tin bệnh nhân cung cấp. Nếu bệnh nhân không được đảm bảo những quyền đó thì họ sẽ e ngại thông báo cho thầy thuốc những thông tin có tính riêng tư mà lại có giá trị chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân. Điều này càng rõ nét khi nền Y học phát triển, những loại bệnh xã hội, như bệnh lây nhiễm qua đường sinh hoạt tình dục, mang trong đó cả đạo đức, nhân phẩm của bệnh nhân trong quan hệ xã hội; các loại bệnh tâm thần, tâm lý, các stress do mối quan hệ trong gia đình cộng đồng thì thông tin có tính nghề nghiệp càng mang đặc tính riêng tư cao. Nếu không có những quy định nghiêm ngặt và bảo đảm quyền riêng tư và bảo mật đó, thì công việc chữa trị sẽ phải đương đầu với khó khăn là không khai thác được thông tin từ bệnh nhân.
Trong thời đại với nền công nghệ thông tin đa truyền thông tiến như vũ bão hiện nay, việc rò rỉ thông tin có tính cách riêng tư càng trở nên có nguy cơ cao hơn bao giờ hết, tính riêng tư và bảo mật của bệnh nhân cũng nằm trong mối nguy cơ đó. Sự rò rỉ thông tin có thể là vô ý, thiếu kiến thức và hiểu biết về nghiệp vụ hoặc cố tình. Dù bất kỳ lý do nào, dưới mọi hình thức nào thông tin riêng tư của bệnh nhân được công bố ra ngoài mà không có sự ưng thuận của bệnh nhân, hoặc dưới một số quy định của luật pháp là có thể vi phạm quy định nghề nghiệp, vi phạm pháp luật hay cả hai.
Đối với người Việt sống ở hải ngoại, do sự khó khăn về ngôn ngữ, không phải ai cũng có thể nắm vững và hiểu hết được quyền lợi của mình khi tìm đến một dịch vụ y tế, bài viết này không có tham vọng trình bày được hết mọi vấn đề, chỉ tóm tắt lại những nét cơ bản về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, hầu để bản thân mỗi chúng ta sẽ cảm thấy tự tin và tin tưởng hơn khi cần phải trình bày, khai bệnh với người thầy thuốc; cũng như biết được trách nhiệm và nghĩa vụ của một người thầy thuốc đối với thông tin đó. Những quyền lợi này được mô tả một cách tổng quát, có tính chất chung nhất. Tuy nhiên mỗi quốc gia, mỗi tiểu bang, có bộ luật riêng để bảo đảm quyền đó. Cũng tương tự, mỗi tổ chức, hội đoàn chuyên môn của mỗi quốc gia cũng có những qui định riêng [2]. Cho nên đối với mỗi cá nhân, để biết chi tiết hơn về các điều khoản áp dụng ở mỗi nơi, chúng ta nên tiếp xúc với các tổ chức Y tế sở tại, hội đồng Y đức địa phương để có thông tin thêm.
Mỗi người đều có quyền được thông tin đầy đủ về bệnh tật và tình trạng bệnh tật và quá trình điều trị của mình; mỗi người đều có quyền xem hồ sơ bệnh lý của mình sau khi gửi giấy yêu cầu trong một thời gian tối thiểu theo quy định; hồ sơ bệnh án của cá nhân phải được bảo mật trừ khi có giấy cam kết hoặc uỷ quyền của đương sự cho phép tiết lộ thông tin, hoặc trong một số trường hợp ngoại lệ hạn hữu; mỗi người đều có quyền khiếu kiện những ai tiết lộ thông tin trong hồ sơ bệnh lý của mình phi pháp khi không có giấy cam đoan.
Một số trường hợp ngoại lệ bác sĩ, chuyên viên quản lý hồ sơ bệnh lý có thể cung cấp thông tin mà không cần giấy uỷ quyền của đương sự: Nói chung ngoại lệ này có nhưng rất hạn hữu, một số nơi được phép nhận thông tin trong hồ sơ bệnh lý cá nhân như:
- Toà án, giấy lệnh của toà án
- Uỷ ban, Hội đồng hay uỷ ban Hành chính thừa lệnh luật pháp cần thông tin để giải quyết án lệnh
- Nằm trong một phần của tiến trình điều tra trước khi ra toà của Công tố viện theo trát lệnh của toà án
- Người phân xử hay hội đồng phân xử, khi sự phân xử đó theo luật phải tiến hành theo trát lệnh của toà án
- Tổ chức được lệnh của chính phủ phát lệnh truy nã
Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ hoặc chuyên viên quản lý bệnh án có thể được phép thông báo một số giới hạn thông tin trong hồ sơ bệnh lý không cần phải có giấy uỷ quyền cho:
- Tiến trình thanh toán tài chính, thủ tục bồi hoàn chăm sóc y tế, xử lý số liệu y học, hoặc các dịch vụ chăm sóc y tế, chuyên viên quản lý bệnh án khác.
- Các tổ chức hoặc các hội đoàn chuyên môn có thẩm quyền nghiên cứ đánh giá chất lượng chăm sóc y tế.
- Các tổ chức cá nhân hoặc nhà nước có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng cũng như cơ sở của các dịch vụ chăm sóc y tế, chuyên viên quản lý bệnh án.
- Nhân viên điều tra vụ án trong tiến trình điều tra được xúc tiến bởi văn phòng điều tra
- Các tổ chức, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu y tế giáo dục có liên đới với các dự án nghiên cứu (xác thực), với điều kiện các thông tin đó không thể dùng để nhận dạng được đương sự
- Chủ sở làm, những người chịu trách nhiệm trả bảo hiểm y tế
- Các tổ chức y tế chính phủ thu thập số liệu thống kê, nghiên cứu, với mục đích lợi ích cho quốc gia, cộng đồng nhưng các thông tin phải được xử lý ở mức độ không nhận dạng được cá nhân.
Tóm lại những trường hợp ngoại lệ về việc tiết lộ thông tin cá nhân trong hồ sơ bệnh lý không cần giấy uỷ quyền của đương sự nằm trong ba mục đích chính: (a) liên quan đến sự an nguy tính mạng của một số người khác, có tính cách pháp lý, thí dụ như một bệnh nhân đến tư vấn với một bác sĩ Tâm thần và thổ lộ anh ta sẽ có kế hoạch giết một người nào đó, về mặt đạo đức nghề nghiệp thì đó là thông tin cá nhân, nhưng về mặt đạo đức xã hội và luật pháp nếu nghiệm thấy vấn đề có thể nghiêm trọng thì người bác sĩ cần phải thông báo cho cơ quan hữu trách theo dõi; hoặc một nạn nhân đến điều trị với những vết thương nghi ngờ có liên quan hình sự như vết đạn bắn, dao đâm, thì cần phải liên lạc với cơ quan tư pháp, (b) liên quan đến lợi ích cho cộng đồng xã hội, như những trường hợp bệnh lây lan, sởi, dại AIDS v..v.., (c) liên quan đến quan hệ bảo hiểm sức khoẻ giữa cá nhân với bộ phận trả bảo hiểm.
Trong mọi trường hợp có hay không cần giấy uỷ quyền thì các thông tin được tiết lộ phải tuân thủ theo nguyên tắc: có đích nhận là những tổ chức có thẩm quyền được cấp giấy phép về quyền nhận thông tin, và các thông tin cung cấp phải được giới hạn ở mức đủ yêu cầu sử dụng.
Trường hợp như thế nào được gọi là một giấy thừa uỷ quyền hợp lý cho nhân viên y tế có thể cung cấp thông tin cá nhân trong bệnh án? Một giấy uỷ quyền hay đồng ý cho phép cung cấp thông tin cá nhân thường thoả mãn các yêu cầu sau:
- giấy uỷ quyền do chính đương sự viết tay và ký
- giấy uỷ quyền dưới dạng mẫu đơn điền sẵn, khổ chữ in tối thiểu 8 pt, có chữ ký của đương sự
- trong giấy uỷ quyền đó không có mục đích nào khác hơn là cho phép nhân viên y tế cung cấp thông tin
- các chữ ký được coi là có hiệu lực: chính bệnh nhân ký, những người trưởng thành; người nuôi dưỡng (cha mẹ, cha mẹ nuôi hoặc người nuôi dưỡng) có tư cách pháp lý đối với trẻ em [3], người đại diện hay người thừa kế của bệnh nhân quá cố, người có quan hệ phối ngẫu
- trong giấy uỷ quyền đó cần phải có đầy đủ các chi tiết: các thông tin nào được phép thông báo, ai (kể rõ tên, chức danh) được phép công bố, chỉ rõ đối tượng được phép nhận thông tin đó (nêu rõ tên, chức danh), xác định rõ mục đích và giới hạn sử dụng của thông tin đó đối với những người được uỷ quyền sử dụng thông tin
- giới hạn thời gian hiệu lực sử dụng thông tin
- người uỷ quyền phải có một bản sao giấy uỷ quyền đó
Những điều cần phải làm trước khi ký một giấy cam đoan hay uỷ quyền cung cấp thông tin bệnh lý cá nhân:
- Cần phải đọc cẩn thận nội dung bản cam đoan trước khi ký, những chỗ không hiểu nên yêu cầu giải thích lại, cần xem những thông tin nào họ yêu cầu và mục đích của việc sử dụng những thông tin đó
- Trước khi đến điều trị tại một cơ sở y tế, người bệnh có quyền viết giấy yêu cầu không được tiết lộ thông tin về điều trị cũng như tiến trình điều trị, hoặc thông tin về từng đợt điều trị.
- Phải hết sức cân nhắc khi được yêu cầu cung cấp thông tin về tiểu sử bệnh lý của mình, một cách khôn ngoan là chỉ đồng ý cung cấp thông tin cá nhân khi thấy thật cần thiết, và chỉ cung cấp giới hạn, đủ theo yêu cầu.
Những ai tiết lộ thông tin bất hợp pháp mà có thể gây thiệt hại về kinh tế vật chất hay tổn thương tinh thần, thể xác của cá nhân là có tội và các tội này sẽ được xử lý theo luật của từng quốc gia, tiểu bang nếu có người khiếu kiện.
Cho đến ngày nay, vấn đề Y đức và luật pháp liên quan đến tính bảo mật của bệnh nhân càng được đặt ra khi thời đại xa lộ thông tin phát triển. Các bộ luật và quy định Y đức cũ gần như không còn đáp ứng đủ với các hệ thống điện tử hoá dữ liệu hiện hành, thế nhưng vẫn có nhiều thầy thuốc và các mạng lưới y tế hứa hão là sẽ bảo mật thông tin của bệnh nhân, tuy nhiên đó là những hành động thiển cận và thiếu khôn ngoan. Giới hữu trách đã và đang cố gắng hoàn thiện các bộ luật. quy định để bắt kịp với hệ thống mới nhằm bảo vệ tính bí mật thông tin của bệnh nhân. Đối với chúng ta là những người tìm đến cơ sở y te, chúng ta cần phải cân nhắc hết sức cẩn thận trước mọi yêu cầu xin thông tin liên quan đến hồ sơ bệnh án, thế nhưng chúng ta cũng cần phải cảnh giác về những nguy cơ “rò rỉ” thông tin do hệ thống xa lộ thông tin, nên phải cân nhắc giới hạn lượng thông tin cung cấp.
HN
Phụ chú:
[1] Ngay từ thời Hippocrate mọi Y sinh trước khi được công nhận trở thành một thầy thuốc đều phải tuyên thệ, đó là “Lời thề Hippocrate”. Lời thề này vẫn còn được áp dụng cho đến ngày hôm nay, dù cho lời thề đã có thể thay đổi hành văn tuỳ nơi, nhưng nội dung vẫn hàm chứa vấn đề Y đức có nêu trong lời thề Hippocrate nguyên thuỷ- được lược dịch như sau: “….Bất kỳ một điều gì tôi nghe hoặc thấy mà có liên quan đến bệnh nhân hoặc thậm chí chỉ liên quan một phần – những điều không nên bàn tán, tôi sẽ giữ im lặng và coi đó là những điều bí mật thiêng liêng, không xâm phạm, trọn đời tôi chỉ là thực thi chuyên môn”.
[2] Về quyền bảo mật thông tin hồ sơ bệnh lý, thí dụ , trong sắc luật về Tính bảo mật của thông tin sức khoẻ trong luật dân sự số 56, Bộ luật của tiểu bang Califonia, Mỹ quy định:”Những người cung cấp dịch vụ y tế, chuyên viên quản lý hồ sơ y tế, hay bất kỳ một chủ hợp đồng chăm sóc y tế dưới hình thức nào đều phải có giấy cam đoan ký tên của chủ nhân trước khi cung cấp thông tin trong bệnh án của người đó, trừ một số ngoại lệ (luật dân sự 56.10a)”. Trong mọi trường hợp người cung cấp dịch vụ y tế chuyên viên quản lý hồ sơ y tế, người chủ hợp đồng chăm sóc y tế phải bảo quản hồ sơ, và tiến hành các thủ tục về cung cấp thông tin như thế nào để cho hồ sơ bệnh lý được lưu trữ ở mức độ an toàn cao nhất (luật dân sự 56.101). Vừa mới đây, 2001 Bộ luật California được bổ sung thêm, các tổ chức y tế có thẩm quyền lưu trữ hồ sơ bệnh lý nêu trên, cần phải huỷ bỏ các thông tin liên quan đến bệnh án của bệnh nhân khi không dùng nữa bằng các hình thức xé, tẩy hoặc bất kỳ cách thức nào để sao cho các thông tin cá nhân đó không có thể giải đoán hoặc đọc được bằng mọi hình thức hoặc phương tiện nào (luật dân sự 1798.81).
Hoặc ở Úc chẳng hạn, trừ các tiểu bang như Victoria, Tasmamia, và lãnh thổ Bắc Úc còn lại luật pháp quy định là trong quá trình thụ lý án nếu thông tin có liên quan đến bệnh nhân thì bác sĩ điều trị không được từ chối cung cấp thông tin khi có yêu cầu (xem Evidence Act 1995 (Cwlth), sec 55; Evidence Act 1995 (NSW), sec 55.), và rõ ràng luật này hoàn toàn đối nghịch với Điều khoản trong quy định về Y đức của bác sĩ của Hiệp hội Y khoa Úc châu: “ bất kỳ vấn đề gì liên quan đến quan hệ bệnh nhân-thầy thuốc thì không được công bố ra ngoài” ( xem Australian Medical Associationm AMA Code of Ethics, Canberra: AMA, 1996).
[3] Kỳ thực vấn đề này hiện nay vẫn còn là vấn đề bàn cãi, đặc biệt ở các trẻ vị thành niên. Những vấn đề liên quan đến việc dùng thuốc tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vấn đề đặt ra là cha mẹ hoặc những người nuôi dưỡng trực tiếp có tư cách pháp lý bảo hộ cho con em tuổi vị thành niên của mình, như vậy họ là những đối tượng được biết các thông tin về con cái họ. Thế nhưng như thế ngành Y tế sẽ đối mặt với một thử thách là trẻ vị thành niên sẽ không tìm đến các cơ sở Y tế chính thức để điều trị vì sợ tiết lộ thông tin. Và vấn đề sức khoẻ cộng đồng bị đặt trong một vị thế khó khăn vì tần suất lưu hành bệnh và nguy cơ không lượng hoá được (Xin xem Limiting Confidentiality of Adolescent Health Services, của Ford CA, English A, trong tập san JAMA tháng 8/2002 bộ 8 số 6). Cho nên các hội đồng Y đức và luật cũng đang cải tiến để đáp ứng nhu cầu bí mật thông tin.