Hoại tử ruột non - căn bệnh của "một bữa no"
Trẻ cần được ăn đủ chất đạm. |
Một số trẻ em vốn khỏe mạnh nhưng sau khi ăn một bữa cỗ bỗng nhiên đau bụng dữ dội, nôn, tiêu ra máu, bụng chướng dần, sau đó bị sốc, trụy mạch và tử vong. Những triệu chứng này khiến nhiều người nghĩ đến ngộ độc thực phẩm; nhưng thực ra đó là chứng hoại tử ruột non.
Hằng năm, Viện Nhi Trung ương phải cấp cứu cho hàng trăm ca bệnh này. Bệnh nhân thường nằm trong lứa tuổi 5-12, chủ yếu là trẻ nông thôn, không có chế độ ăn uống đầy đủ (thiếu chất đạm).
Giáo sư Đặng Phương Kiệt, nguyên Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của Viện, cho biết, thủ phạm gây hoại tử ruột non chính là độc tố beta, do một loại vi khuẩn kỵ khí trong ruột người tiết ra. Ở người bình thường, độc tố beta bị một loại men chuyển hóa đạm của tụy tiêu hủy ngay khi được sản xuất. Loại men này chỉ được kích thích tiết ra nhiều nếu ta ăn thường xuyên một lượng đạm nhất định.
Ở trẻ em nông thôn, do thiếu đạm nên tuyến tụy không được kích thích thường xuyên để tiết ra chất men nói trên, khiến độc tố beta vẫn tồn tại trong cơ thể. Khi đột ngột hấp thu một lượng chất đạm lớn, cơ thể phải huy động toàn bộ lượng men ít ỏi để chuyển hóa đạm. Đây chính là cơ hội để độc tố beta tấn công và gây hoại tử ruột non.
Ngoài ra, việc ăn lạc sống, khoai sống cũng có thể gây hoại tử ruột vì các thực phẩm này ức chế men tụy, khiến độc tố beta tấn công ruột non. Bản thân giun đũa cũng tiết ra chất ức chế men này.
Cần phân biệt hoại tử ruột non với ngộ độc thực phẩm
Đối với chứng hoại tử ruột non, nếu được xử trí theo hướng ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân sẽ tử vong. Tuy nhiên, do 2 chứng này có triệu chứng gần giống nhau nên gia đình và nhân viên y tế rất dễ nhầm lẫn. Dấu hiệu chính để phân biệt là ở hoại tử ruột, bệnh nhân đi ngoài ra máu. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị hoại tử ruột, cần đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay; tránh để đến lúc bụng đã chướng lên vì khi đó bệnh đã nặng, sẽ gây tử vong nếu không được mổ gấp.
Nạn nhân sẽ được điều trị chống sốc (truyền dịch, điện giải) và phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột hoại tử. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ lại sức nhanh chóng, không có di chứng gì. Hiện một số bệnh viện tuyến huyện đã có khả năng chữa trị bệnh này.
Để phòng bệnh, cần cho trẻ ăn đủ chất và đảm bảo vệ sinh môi trường (để giun đũa và các vi khuẩn kỵ khí không xâm nhập qua thức ăn vào cơ thể).
Khoa Học & Đời Sống