Rối loạn tiểu tiện: Đừng tưởng nhẹ mà xem thường
Tuyến tiền liệt bình thường (trái) và khi đã bị phì đại, chèn ép bàng quang. |
Ông Trần Phúc, 78 tuổi bị đi tiểu khó từ 1 năm nay, đêm thường mất ngủ vì luôn phải dậy “giải quyết”. Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho thấy tuyến tiền liệt phì đại khiến 2 thận ứ nước. Ông đã bị suy thận, phải mổ.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng rối loạn đi tiểu chỉ là biểu hiện không đáng quan tâm; không biết đó có thể là triệu chứng của nhiều loại bệnh nặng như sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo, bướu tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến... Hằng năm, Bệnh viện Bình Dân TP HCM, nơi có khoa niệu khá phát triển, đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp rối loạn đi tiểu đến điều trị, trong đó không ít người bị biến chứng đe dọa tính mạng. Còn khoa Niệu Bệnh viện Đại học Y Dược mỗi tháng tiếp nhận hơn 200 người đến khám vì rối loạn đi tiểu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Ân thuộc khoa Niệu B Bệnh viện Bình Dân, rối loạn đi tiểu là triệu chứng của rất nhiều loại bệnh. Nó có thể là biểu hiện của những loại bệnh nhẹ như nhiễm trùng đường tiểu, phụ nữ bị mãn kinh... Cách điều trị cho các loại bệnh này không quá phức tạp, chỉ cần dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm là có thể thuyên giảm. Nhưng rối loạn đi tiểu cũng có thể là triệu chứng của những bệnh nặng như đã nói ở trên, phải giải quyết bằng ngoại khoa, nếu không sẽ dẫn đến ứ nước thận, viêm thận ngược dòng, viêm thận mạn, suy thận... Bác sĩ Ân từng gặp những người rối loạn đi tiểu kéo dài đến... 5 năm. Có trường hợp chỉ có 1 viên sỏi nhỏ kẹt ở bàng quang hoặc niệu đạo, rất dễ điều trị; nhưng bệnh nhân đến bệnh viện quá trễ nên đã bị suy thận và tử vong.
Nếu như rối loạn đi tiểu ở nam thường do u tiền liệt tuyến thì ở nữ thường do tiểu không kiểm soát khi gắng sức và viêm bàng quang kẽ. Tiểu không kiểm soát khi gắng sức thường gặp ở người lớn tuổi. Khi ho, cười, lúc mang vác nặng, người bệnh hay bị tiểu són, nguyên nhân là do sinh đẻ nhiều hoặc cấu trúc vùng chậu bị yếu đi cùng năm tháng. Nếu không điều trị, bệnh nhân sẽ bị stress nặng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Cách điều trị tốt nhất là phẫu thuật phục hồi cấu trúc đáy chậu. Ca mổ nhẹ nhàng, chỉ diễn ra trong 20 phút. Sau 3 ngày nằm viện, bệnh nhân có thể về nhà.
Tình trạng viêm bàng quang kẽ có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân tiểu lắt nhắt nhiều lần cả ngày lẫn đêm và đau ở vùng dưới rốn. Việc điều trị thường khó khăn hơn, cách duy nhất là uống thuốc trong một thời gian dài.
(Theo Người Lao Động)