Bệnh ruột đôi ở người lớn
Ruột đôi là dị tật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở người lớn. Khác với trẻ nhỏ, bệnh lý này ở người trưởng thành thường khó chẩn đoán khó do dấu hiệu lâm sàng nghèo nàn, chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám vì bệnh lý tiêu hóa khác hoặc khi mổ.
Ruột đôi khác với bệnh lý túi thừa đường tiêu hóa ở chỗ đoạn ruột đôi có lớp cơ phát triển, lớp niêm mạc lót cấu trúc như niêm mạc đường tiêu hóa. Đoạn ruột đôi này dính chặt vào một đoạn của đường tiêu hóa.
Có nhiều giả thiết về nguyên nhân gây bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng nó được hình thành từ túi thừa thời kỳ bào thai còn sót lại. Phần lớn các trường hợp ruột đôi xuất hiện ở ruột non (55%), đôi khi ở đại tràng (6%).
Ruột đôi có nhiều dạng: nang không thông với đường tiêu hóa, nang thông với đường tiêu hóa ở đầu xa hoặc đầu gần, hay cả 2 đầu. Riêng đại tràng đôi có thể khu trú ở một đoạn hoặc chạy dọc theo chiều dài của đại tràng. Nó có thể đổ thông vào hồi tràng, vào trực tràng hoặc thông vào âm đạo ở nữ giới, niệu đạo ở nam giới, gây chảy phân vào âm đạo hoặc đi tiểu có phân. Nếu đoạn cuối của đại tràng đôi là túi tịt thì phân sẽ tích tụ lâu ngày hình thành một túi, có thể nhầm với khối u.
Triệu chứng lâm sàng của đại tràng đôi không điển hình, đôi khi có biểu hiện đau bụng như viêm đại tràng, đau kiểu bán tắc ruột hay sờ thấy khối u do phân tích tụ. Các thăm dò cận lâm sàng có thể phát hiện bệnh đại tràng đôi, đặc biệt là chụp khung đại tràng có thụt thuốc cản quang, nội soi, siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ...
Điều trị ruột đôi bằng cách phẫu thuật. Tùy theo vị trí và hình thái bệnh, có thể tiến hành phẫu tích lấy bỏ đại tràng đôi hoặc cắt bỏ đoạn đại tràng. Kết quả phẫu thuật thường tốt, không có biến chứng và tái phát.
BS Nguyễn Đức Chính, Sức Khỏe & Đời Sống