Bệnh táo bón và cách chữa
Uống nhiều nước giúp phòng táo bón. |
Đó là tình trạng phân ít, cứng, khó đại tiện và số lần đại tiện ít hơn 2 lần trong một tuần. Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, phổ biến nhất là do chế độ ăn hoặc thói quen đại tiện, hoặc do giảm nhu động ruột.
Táo bón thường xuất hiện ở những trẻ đang tuổi bú sữa phải ăn sữa hộp hoặc trẻ lớn hơn nhưng chưa biết ăn rau quả; người cao tuổi răng yếu ăn ít chất xơ. Uống ít nước và lười vận động cũng gây nên tình trạng này. Táo bón cũng xuất hiện ở những người hay nhịn đại tiện. Nhiều trường hợp táo bón do giảm nhu động đại tràng: bình thường, phân vận chuyển qua đại tràng mất 35 giờ, nhưng ở một số người, thời gian này có thể kéo dài trên 72 giờ.
Một số nguyên nhân khác ít gặp:
- Bệnh của hậu môn trực tràng như trĩ, ung thư trực tràng, túi thừa...
- Bệnh toàn thân như tiểu đường, suy tuyến giáp, hạ kali máu, tăng canxi máu, xơ cứng bì, parkinson, di chứng tai biến mạch não...
- Tác dụng phụ của thuốc như các thuốc chữa đau dạ dày, thuốc hạ huyết áp, giảm đau, lợi tiểu, thuốc hướng tâm thần...
- Lạm dụng các thuốc nhuận tràng lâu ngày, làm rối loạn các chức năng của đại tràng. Người bệnh bị lệ thuộc vào thuốc nhuận tràng, nếu không dùng sẽ không đại tiện được. Thường gặp ở người cao tuổi, người ốm nằm liệt giường lâu ngày.
Theo quan điểm Đông y, táo bón mạn tính là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đối với mỗi loại táo bón, phải có một cách chữa trị khác nhau. Các nguyên nhân gồm: Nhiệt, Hàn, Phong, Khí, Huyết. Những yếu tố này làm cho thủy dịch bị khô kiệt; nên khi chữa chú ý bồi bổ thủy dịch, đồng thời giải quyết các nguyên nhân gây bệnh.
Cách chữa táo bón
- Uống đủ nước: Trẻ em tuổi còn bú ngoài các bữa ăn cần được uống thêm nước, tốt nhất là nước cam, chanh... Với trẻ em tuổi đi học, cần chú ý cho các cháu uống đủ nước. Người cao tuổi ngoài bữa ăn cần uống ít nhất 1 lít nước mỗi ngày; nếu sống ở những nơi khí hậu nóng có thể cần tới 2 lít/ ngày. Người bệnh sốt cao có thể mất từ 3-4 lít nước mỗi ngày qua mồ hôi, sau khi hết sốt thường bị táo bón, chậm hồi phục sức khỏe. Vì vậy, khi đang sốt, phải thường xuyên cho uống nước hoặc ăn các thức ăn lỏng như cháo, súp, nước trái cây.
- Ăn đủ chất xơ: Trong bữa ăn cần có rau xanh để cung cấp chất xơ, sau bữa ăn cần dùng thêm trái cây. Tập cho trẻ em ăn rau và trái cây từ nhỏ; trẻ từ 6 tháng cần ăn bổ sung rau nghiền nhừ lẫn với bột hoặc cháo và uống nước trái cây ép.
- Tập thói quen đi đại tiện vào một giờ cố định, tốt nhất là vào sáng sớm, lúc công năng đại tràng cao nhất. Có thể uống một cốc nước lạnh vào sáng sớm để tập gây phản xạ đi đại tiện. Người cao tuổi có thể tập xoa bóp vùng bụng dưới nhằm giúp tăng nhu động ruột.
ThS Quan Thế Dân, Sức Khoẻ & Đời Sống