Đại tràng đôi - một bệnh bẩm sinh hiếm gặp
![]() |
Người có ruột đôi cần được phẫu thuật. |
Chị Trần Hà Trang 23 tuổi đến Bệnh viện Việt Đức Hà Nội khám do có những đợt đau tức bụng kèm theo táo bón, xen kẽ phân lỏng, nhiều khi căng tức bụng sau khi ăn. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện chị mắc một dị tật rất hiếm gặp: đại tràng đôi.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị thừa. Sau mổ, chị Trang phục hồi nhanh, vết mổ liền sẹo tốt, không còn đau tức bụng và rối loạn tiêu hóa như trước kia. Phần đại tràng còn lại hoàn toàn bình thường.
Giáo sư Đỗ Đức Vân, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa cho biết, đại tràng đôi là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, hầu hết xuất hiện ở trẻ em nhưng đôi khi cũng có ở người lớn. 89% ca bệnh được phát hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Bệnh thường kèm theo các dị tật khác của đường tiêu hóa và cột sống.
Các đoạn ruột đôi (trong đó có đại tràng đôi) có đặc điểm là lớp cơ phát triển tốt, lớp niêm mạc lót có cấu trúc của niêm mạc ruột và nó dính chặt với một đoạn của ruột. Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của ruột đôi; trong đó giả thuyết sau được phần đông các nhà khoa học chấp nhận: Đó là túi thừa từ thời kỳ bào thai còn tồn tại. Phần ruột đôi này có hình nang hoặc hình ống, đôi khi thông với đường tiêu hóa chính. Dị tật có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của đường tiêu hóa, trong đó ruột non chiếm 55%, thực quản chiếm gần 20%, đại tràng đôi chỉ chiếm 5,6%. Có trường hợp ống đại tràng phụ đổ vào âm đạo ở nữ hoặc niệu đạo của nam. Nếu đoạn cuối cùng là túi tịt thì phân sẽ tích tụ ở đó.
Giáo sư Vân cũng cho biết, triệu chứng lâm sàng của bệnh đại tràng đôi ở người lớn rất nghèo nàn, thường có táo bón hoặc đôi khi gây tắc ruột, lâu ngày sẽ thành một túi phân. Bệnh nhân có thể bị tức bụng, tự sờ thấy khối u bụng (khối phân) hoặc có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa giống như viêm đại tràng. Rất nhiều trường hợp chỉ có thể chẩn đoán sơ bộ, chỉ khi phẫu thuật mới khẳng định là ruột đôi. Chẩn đoán đại tràng đôi ở người lớn thường dễ hơn trẻ em vì có thể áp dụng nhiều biện pháp thăm dò như X-quang, siêu âm, nội soi, chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ…
Cách điều trị ruột đôi là mổ loại trừ đoạn ruột đó ra khỏi ống tiêu hóa. Phẫu thuật thường cho kết quả tốt, ít biến chứng và không để lại di chứng.
Thanh Nhàn