Điều trị bệnh trĩ
Ăn nhiều chất xơ là một cách phòng bệnh trĩ. |
Hiện có 3 phương pháp chính chữa trĩ: điều trị bảo tồn ít xâm hại, dùng dụng cụ và phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị được dựa trên mức độ bệnh của từng người.
Theo khảo sát mới nhất, hơn 70% người mắc bệnh trĩ là nhân viên văn phòng (ít vận động) hay những người làm việc phải đứng nhiều, người có thói quen sử dụng các chất men, cay. Bệnh nhân thường tìm đến các thầy lang để chữa nên bệnh trầm trọng thêm và có những biến chứng rất khó chữa.
Bác sĩ Dương Phước Hưng, Trưởng khoa Hậu môn học Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết, trĩ là bệnh phổ biến, tuy không ảnh hưởng đến sự sống còn nhưng gây khó chịu, giảm chất lượng cuộc sống. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của trĩ là đại tiện ra máu đỏ tươi, búi trĩ sa ra ngoài hậu môn. Phần lớn trường hợp có kết quả tốt sau điều trị, nhưng một số ca vẫn có di chứng và biến chứng. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp điều trị vẫn còn được bàn cãi nhiều.
Hiện nay, các nhà hậu môn học đều công nhận các đám rối tĩnh mạch trĩ là trạng thái sinh lý, giúp tạo nên lớp đệm ở ống hậu môn, kiểm soát sự tự chủ của đại tiện. Phát hiện này đã dẫn đến quan điểm mới về điều trị trĩ: cố gắng bảo tồn lớp đệm. Việc điều trị trĩ được chia làm 3 nhóm chính:
Điều trị bảo tồn ít xâm hại là lựa chọn đầu tiên. Bệnh nhân được khuyên ăn nhiều chất xơ, dùng thuốc tăng cường thành tĩnh mạch, kem bôi tại chỗ hoặc thuốc chống táo bón. Khi điều trị, bệnh nhân nên uống nhiều nước, hạn chế đồ uống có nhiều chất kích thích như cà phê, trà đậm, rượu bia; tránh ăn các chất quá ngọt như chocolate, mứt.
Điều trị bằng phương pháp dùng dụng cụ gồm 3 bước. Đầu tiên là chích xơ. Đây là phương pháp dễ thực hiện, đơn giản và an toàn nhưng phải bác sĩ giàu kinh nghiệm làm thì mới cho kết quả tốt và tránh được các biến chứng. Chích xơ chỉ áp dụng cho trĩ độ 1 và 2.
Bước thứ hai là thắt trĩ bằng vòng cao su, được chỉ định điều trị trĩ nội độ 1 và 2, đôi khi được áp dụng cho cả trĩ nội độ 3 nhưng kết quả hạn chế. Nguyên tắc chính của thắt vòng cao su là giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, tạo mô sợi xơ dính vào lớp cơ dưới lớp niêm mạc; do đó sẽ cố định ống hậu môn đúng với nguyên tắc bảo tồn lớp đệm hậu môn.
Bước thứ ba là dùng phương pháp quang đông hồng ngoại nhằm làm cho mô bị đông lại bởi tác động của sức nóng, tạo nên sẹo xơ, làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ và cố định trĩ vào ống hậu môn.
Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng dùng cho trường hợp bệnh trầm trọng, bao gồm khâu treo trĩ, phẫu thuật Longo, khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler. Với các phương pháp này, bệnh nhân sẽ không có cảm giác bị đau khi bị phẫu thuật.
(Theo Thanh Niên)