Đừng xem thường táo bón mạn tính
![]() |
Nên tăng cường ăn chất xơ để chống táo bón. |
Nhiều người vẫn xem thường táo bón và thường “tự xử” khi mắc bệnh. Điều này làm bệnh trầm trọng thêm, gây các rối loạn trong cơ thể và nhiễm độc.
Táo bón là tình trạng người bệnh gặp khó khăn khi thải phân: đi tiêu ít lần hơn bình thường (ít hơn 3 lần/tuần), hay đi tiêu ra phân cứng hoặc phải rặn gắng sức khi đi tiêu. Nặng hơn, bệnh nhân phải thường xuyên dùng các thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo và móc phân. Thậm chí trong các đợt táo bón nặng, mọi cố gắng để đi tiêu đều thất bại.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 2,4 triệu người bị táo bón (3% dân số). Trong năm 2003, người Việt Nam phải chi khoảng 1,6 triệu USD cho các loại thuốc nhuận tràng. |
Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi, người lớn tuổi dễ mắc hơn và nữ bị nhiều hơn nam. Đối tượng có nguy cơ bị táo bón mạn tính là những người làm công việc phải suy nghĩ nhiều, làm việc văn phòng, những nghề phải thay đổi chỗ ở thường xuyên như tài xế lái xe đường dài, đi buôn chuyến đường dài, đi công tác thường xuyên, tiếp viên hàng không...
Bác sĩ Dương Phước Hưng, giảng viên Đại học Y dược TP HCM cho biết, chứng táo bón mạn tính có thể khiến bệnh nhân bị nhiễm độc do không bài tiết tốt, khiến người mệt mỏi, xuống sức dần.
Trên thực tế có rất nhiều người bị táo bón, nhưng phần lớn tự điều trị cho mình. Thông thường, họ tự mua thuốc bơm hậu môn, thuốc uống nhuận tràng trường kỳ. Sau một thời gian, người bệnh bị nhờn thuốc và phải tăng liều sử dụng hằng ngày mới “giải quyết” được. Theo bác sĩ Phước Hưng, việc tự điều trị này có thể gây rối loạn dinh dưỡng hoặc rối loạn nước và điện giải trong cơ thể. Nếu có thêm bệnh tim mạch hay tiểu đường... thì tình trạng rối loạn về nước và điện giải có thể thúc đẩy các bệnh này trở nên trầm trọng hơn.
Vì vậy, khi bị táo bón, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, thực hiện một số xét nghiệm. Ngày nay, sự phát triển kỹ thuật cho phép chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón khá dễ dàng. Phần lớn (59%) trường hợp bị táo bón chức năng mạn tính (đại tràng co bóp bình thường). Loại này được điều trị hiệu quả bằng cách dùng thuốc nhuận tràng ngắn hạn kết hợp uống nhiều nước, tăng chất xơ trong khẩu phần ăn và tăng cường hoạt động, bệnh sẽ nhanh khỏi.
41% trường hợp còn lại bị táo bón do nguyên nhân khác, chẳng hạn do hội chứng tắc nghẽn đường ra (thành của ống hậu môn - trực tràng có những nguyên nhân gây cản trở lối ra của phân như khối u, các khối cơ dày và co thắt). Đối với các khối u, cần phẫu thuật cắt bỏ. Với rối loạn co thắt cơ, có thể điều chỉnh bằng cách tiêm Botulinum toxin vào cơ hoặc phẫu thuật. Trường hợp táo bón do giảm nhu động của đại tràng thường được điều trị hiệu quả với nhóm thuốc kích thích thụ thể 5HT4. Nếu bị phình đại tràng bẩm sinh, cần cắt bỏ đoạn đại tràng bệnh.
(Theo Tuổi Trẻ)