Chứng teo đường mật cần được phát hiện sớm
Chăm sóc trẻ teo đường mật tại BV Nhi Đồng 1. |
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM, hơn một nửa số trẻ vàng da do teo đường mật bẩm sinh nhập viện ở giai đoạn muộn. Vì thế, các bác sĩ đã không thể tiến hành phẫu thuật hoặc phẫu thuật với tỷ lệ thành công thấp. Hậu quả là các trẻ này thường tử vong khi được 11-13 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Trưởng khoa Ngoại, cho biết, teo đường mật thường do di truyền, độc tố, virus, hiện chưa có cách nào phòng ngừa. Vì vậy, người lớn cần chú ý phát hiện bệnh sớm để trẻ được phẫu thuật trước 2 tháng tuổi. Phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị bệnh này và nếu làm càng sớm, hiệu quả càng cao. Nếu trẻ được mổ sau 2 tháng, tỷ lệ thành công chỉ còn 35%, sau 3 tháng là 10%. Sau 4 tháng, việc phẫu thuật không còn đem lại hiệu quả vì lúc này, 70% gan trẻ đã bị xơ. Sau phẫu thuật, trẻ phải tái khám định kỳ trong nhiều năm. Nếu đến 10 tuổi mà không có biểu hiện gì bất thường thì mới có thể yên tâm về đường mật được tái tạo.
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết dấu hiệu điển hình để phát hiện teo đường mật là vàng da. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ thường không phát hiện được bệnh sớm vì không phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý. Thông thường, vàng da sinh lý ở trẻ sẽ hết sau 15 ngày tuổi. Nếu sau đó da trẻ vẫn vàng, nên nghĩ ngay đến vàng da bệnh lý và nguy cơ teo đường mật.
Nếu trẻ mắc chứng này, làn da thường có màu vàng xanh. Phân trẻ hơi bạc màu; bệnh càng nặng thì phân càng trắng, thậm chí trắng như phấn, nước tiểu vàng sậm. Thường trẻ vẫn bụ bẫm, ăn ngủ tốt nên nhiều cha mẹ không nghĩ rằng con mình mắc bệnh. Bác sĩ Phúc cho biết, các biểu hiện trên có thể là triệu chứng của một số bệnh khác; vì vậy cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để khám xác định và điều trị hợp lý.
(Theo Người Lao Động)