Mổ cắt ruột thừa dự phòng: Nên hay không?
Gần đây, tại Hà Nội, hàng trăm người đã đổ tới các bệnh viện để mổ cắt ruột thừa, mặc dù họ không hề bị bệnh. Nguyên do là từ đầu năm tới nay, khoảng 10 công ty tuyển dụng thuyền viên cho tàu đánh cá xa bờ ở nước ngoài (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...) đã yêu cầu người lao động "mổ cắt ruột thừa dự phòng" để tránh rủi ro khi lênh đênh trên biển.
Thái độ của các bệnh viện đối với vấn đề này rất khác nhau. Điều tra cho thấy, tại các bệnh viện Bưu Điện, Nội tiết, Thanh Nhàn, bất cứ người nào có yêu cầu hoặc đơn tình nguyện mổ cắt ruột thừa đều được chấp nhận. Chi phí cho việc phẫu thuật dao động từ 1,2-3 triệu đồng. Trong khi đó, Bệnh viện Xanh Pôn lại yêu cầu xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan. Các bệnh viện Đống Đa, Bạch Mai, Việt Đức, Hữu Nghị, Bệnh viện E, Bệnh viện 19/8 lại không chấp nhận yêu cầu cắt ruột thừa tự nguyện của công dân khi không có bệnh.
Ngày 14/5, sau khi nhận được thông tin về việc một số bệnh viện "mổ ruột thừa dự phòng", Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Bệnh viện Việt Đức - một trong những bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa - tập hợp ý kiến tổng hợp của các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành để báo cáo Bộ trong tuần này.
Sau đây là ý kiến của một số nhà chuyên môn:
- PGS Nguyễn Quang Nghĩa, BV đa khoa Tràng An (Hà Nội), nguyên Phó chủ nhiệm Khoa gan mật BV Việt Đức:
Trước đây, theo y văn cũ, người ta khuyên nên cắt ruột thừa hay amiđan. Nhưng theo quan điểm y học hiện đại thì trên cơ thể không có gì là thừa cả. Ruột thừa, theo cách gọi của dân gian, không hề thừa chút nào. Nó cũng có tác dụng giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Động dao kéo vào nó không cẩn thận lại sinh chuyện, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Có thể xảy ra những tai biến trước, trong và sau khi mổ. Có thể hàng trăm trường hợp mổ không sao nhưng nhỡ xảy ra tai biến thì giải quyết thế nào? Theo tôi, việc một người hoàn toàn khỏe mạnh tự nhiên đi cắt ruột thừa là không nên.
- BS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết (Hà Nội):
Chuyện mổ dự phòng ruột thừa có hai mặt. Với những người phải lênh đênh trên biển thì người ta khuyên nên mổ để tránh rủi ro. Tuy nhiên, trên cơ thể con người, bộ phận nào cũng có tác dụng cả. Vấn đề này có lẽ cũng phải có ý kiến của Bộ Y tế.
- BS Nguyễn Đình Bang, Phó giám đốc Bệnh viện Bưu Điện:
Trong y văn hiện nay không khuyến cáo cắt ruột thừa dự phòng. Gần đây tôi đọc được một thông tin về y học biển, trong đó có nêu phương pháp chuyển viêm ruột thừa cấp tính thành mạn tính để giữ tính mạng cho người đi biển. Nếu thực hiện được phương pháp này thì không cần cắt ruột thừa cho các thuyền viên.
- BS Lê Văn Điềm, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn:
Theo y văn xưa thì nhóm người làm việc ở những ngành nghề như đi biển, lao động ở những vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh nên cắt ruột thừa dự phòng để tránh rủi ro khi bệnh kịch phát. Tuy nhiên, ở điều kiện bình thường thì không nên cắt, vì ruột thừa cũng như amiđan đều là tuyến bạch huyết giúp cơ thể chống lại viêm nhiễm.
- GS Đặng Hanh Đệ, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim và lồng ngực BV Việt Đức:
Theo tôi thì các y bác sĩ không nên làm cái việc kỳ lạ ấy. Rất nhiều người phải đi mổ chỉ vì muốn ra nước ngoài làm việc. Đây là vấn đề liên quan tới quyền lợi cũng như sinh mạng của con người. Bộ Y tế không thể không có ý kiến chính thức về điều này.
Kỳ sau: Ý kiến của Cục Quản lý Lao động Với Nước ngoài và các doanh nghiệp.
(Theo Lao Động)