Bệnh Hysteria là gì?
Tác giả : LINH NGUYỄN (thực hiện)
Xung quanh việc bệnh nhân V.T.T.T. 40 tuổi ngụ tại quận Tân Bình tố cáo một bác sĩ ở BV. Thống Nhất có hành vi dâm ô với mình trong khi khám đã gây nhiều dư luận bức xúc. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng có thể bệnh nhân T.T. bị bệnh Hysteria. Để độc giả hiểu rõ về căn bệnh này, phóng viên (PV) Báo Sức Khỏe & Đời Sống đã có cuộc trao đổi với TS. BS. Hồ Tống Tiễn, Phó khoa Tâm thần Bệnh viện 175 về căn bệnh này.
- P.V: Xin TS cho biết khái niệm về bệnh Hysteria? * TS. BS. Hồ Tống Tiễn: Thứ Bệnh Hysteria là một bệnh loạn thần tâm căn. Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu. Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), Hysteria được gọi là rối loạn phân ly. Tỷ lệ gặp ở 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện bệnh rất đa dạng: Những dấu hiệu dạng cơ thể như mệt mỏi hụt hơi, khó thở, đau nhức... nhưng không có bằng chứng xác đáng về bệnh cơ thể; Những biểu hiện về tâm thần kinh như khóc cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác..., ý thức chỉ bị ảnh hưởng. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý. - P.V: Những biểu hiện lâm sàng thường gặp của căn bệnh này ra sao, thưa TS? * TS. BS. Hồ Tống Tiễn: Thứ Thường gặp cơn hysteria: Có cơn co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy dụa la hét, đập giường... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý. Cơn rối loạn cảm xúc: kêu khóc, cảm xúc hỗn độn, nói không chuẩn (không ăn nhập với chủ đề xung quanh), gào thét không rõ lý do, ý thức không bị rối loạn, hiếm gặp ý thức thu hẹp nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác (thường là ảo thị - bệnh nhân nhìn thấy những hiện tượng không có từ bên ngoài...). Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra). Có thể gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng; Rối loạn cảm giác, mất hoặc tăng cảm (kích thích nhỏ, bệnh nhân cảm nhận lớn hơn bình thường); Cảm giác đau và sơ đồ cảm giác da của cơ thể; Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim... - P.V: Vậy nguyên nhân và điều kiện thuận lợi nào gây bệnh và việc điều trị như thế nào? * TS. BS. Hồ Tống Tiễn: Thứ Nguyên nhân thường là do những chấn thương tâm lý, lo sợ cao độ, tức giận bi quan, bệnh cơ thể mà theo người bệnh hiểu là hiểm nghèo; Yếu tố thuận lợi là những người có nhân cách yếu, kém ý chí, thần kinh dạng nghệ sĩ, nhiễm độc, nhiễm trùng, bệnh tim mạch... Điều trị bệnh này bằng biện pháp tâm lý, thôi miên, tạo quan hệ tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân, cơn bệnh sẽ qua đi trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp khó khăn hơn, cần sử dụng ngay benzodiazepin, sau đó dùng thuốc chống trầm cảm liều thấp ví dụ như elavil, hoặc các thuốc mới như prozac, remeron, sertralin... - P.V: Dư luận “có hay không một bác sĩ ở BV. Thống Nhất sàm sỡ với BN?” Dưới góc độ chuyên môn, xin TS cho biết ý kiến của mình về vấn đề này. * TS. BS. Hồ Tống Tiễn: Thứ nhất là việc BS. Tr. khám cho bệnh nhân (trên tư cách là BS Phó khoa) sau khi BS. Ngọc khám là hoàn toàn đúng, thể hiện ý thức trách nhiệm cao. Còn việc không đọc bệnh án trước khi khám, nhất là ở khoa cấp cứu là chuyện bình thường để tranh thủ thời gian; Việc kéo rèm che cũng hoàn toàn hợp lý vì trong khoa này còn rất nhiều người không phải là nhân viên y tế. Có chăng trong trường hợp này BS. Tr. nên yêu cầu điều dưỡng ở lại, vừa tiện cho việc thăm khám vừa tiện ra mệnh lệnh, yêu cầu cần thiết. Thứ hai là việc BS. Hoàng, Loan, đặc biệt là điều dưỡng Hương xác nhận bệnh nhân không bị hoang tưởng chỉ có tính chất tham khảo. Việc chẩn đoán hoang tưởng hay không có tính pháp lý là thẩm quyền của bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Thứ ba bệnh nhân T.T. là phụ nữ 40 tuổi, hình thức bình thường, với các biểu hiện lâm sàng khi vào cấp cứu (mệt mỏi, khó thở, co rút chân tay...), bệnh thuyên giảm nhanh có thể nghĩ bệnh nhân bị cơn rối loạn cảm xúc Hysteria. Vì vậy việc thăm khám bệnh bình thường của BS. Tr. có thể bị cảm nhận sai và bệnh nhân tự ám thị đây là những hành vi dâm ô. Và vì ý thức vẫn tỉnh táo nên bệnh nhân càng nghĩ rằng hành động khám của bác sĩ là sàm sỡ? Việc bệnh nhân tố cáo do bị ám thị là hoàn toàn có thể thông cảm được. Nói tóm lại, chúng tôi thấy cách nêu và đặt vấn đề mà dư luận đang quan tâm là chưa tìm hiểu kỹ chế độ, chức trách, đặc điểm tích cực khẩn trương trong khoa cấp cứu, kể cả những người làm chứng và cung cấp thông tin. Cũng chưa có cơ sở khoa học nào cho rằng những cảm nhận của bệnh là không do bệnh lý gây nên, mà chỉ chú ý tới phản ánh của bệnh nhân. Nên chăng cần làm rõ các vấn đề về pháp lý, bệnh lý..., sau đó mời đương sự đối thoại, nếu không được thì mới nêu vấn đề cho công luận. Hơn ai hết việc nêu vấn đề tế nhị này, nếu không có những cơ sở xác đáng, kể cả việc nội bộ không thống nhất, sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín của BS. Tr, của khoa và của cả bệnh viện. Hơn nữa có thể làm tổn thương tới tình cảm của các bác sĩ đang ngày đêm trực cấp cứu với phương châm “cứu người như cứu hỏa”, buộc họ phải để tâm đến những việc không thuộc lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học cho BS. Tr. nói riêng và các bác sĩ khác nói chung, đặc biệt là các bác sĩ cấp cứu cần cẩn trọng hơn nữa trong quá trình khám chữa bệnh. - P.V: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này.