Cơn hoảng sợ
Cơn hoảng sợ là tình trạng lo âu sợ hãi cấp tính với mức độ kinh hoàng cực điểm xuất hiện thường đột ngột, không biết trước, diễn ra trong một thời gian ngắn từ vài phút đến 15 phút (đôi khi có thể kéo dài trên dưới 1 giờ).
Cơn hoảng sợ thường gặp ở lứa tuổi từ 20 - 40, ở những người hay lo lắng, ám ảnh, đỏ mặt, sợ nói trước đám đông, rối loạn cảm xúc khi chia ly lúc còn bé hay trước khi có cơn hoảng sợ thường có các stress nặng như người thân chết, sống sót sau thảm họa, ly dị...
Cơn hoảng sợ xảy ra khi không có đe dọa thực sự hay do những tình huống gây lo âu không đáng kể. Trong cơn hoảng sợ có rất nhiều biểu hiện tâm thần cơ thể như: bệnh nhân lo sợ cuống cuồng, có cảm tưởng như sắp chết đến nơi, đau vùng trước tim, tim đập liên hồi, ngực như bị đè ép, thở hổn hển, khó thở, hụt hơi, chân tay tê buồn, da tái vã mồ hôi, lúc nóng bừng, lúc lạnh toát, đau bụng, mót rặn, đi tiểu khó, tiểu rắt... Chính vì các triệu chứng của cơn hoảng sợ đa dạng phong phú như vậy nên thường bệnh nhân hay đến khám trước tiên ở các chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu... mà không đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vì cơn hoảng sợ xảy ra trong thời gian ngắn nên bệnh nhân thường đến khám lúc ngoài cơn hoặc có khi trên đường đưa bệnh nhân đến nơi cấp cứu thì cơn đã hết, do đó khi khám làm các xét nghiệm thăm dò chức năng như điện tâm đồ, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang... thì kết quả không có gì đặc biệt và gần như bình thường (đôi khi chỉ thấy nhịp tim hơi nhanh, huyết áp không ổn định...).
Cơn hoảng sợ thường xảy ra lặp đi lặp 1 tháng vài lần hoặc 2 - 3 tháng/lần tùy theo từng bệnh nhân. Nhưng do cơn thường xảy ra đột ngột, không có dấu hiệu báo trước nên các bệnh nhân thường có tâm lý chung điển hình là luôn lo sợ cơn mới xảy ra, cái mà người ta gọi là lo âu đón trước và có khi cơn xảy ra thật, điều này làm cho bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng sợ hãi, chờ đợi căng thẳng... Nhưng đôi khi tình trạng lo sợ này mất đi khi bệnh nhân đối đầu với nguy hiểm thật sự.
Người có cơn hoảng sợ luôn đòi hỏi có người nhà ở bên cạnh để giúp đỡ, nhất là khi ngủ lo sợ chết mà không ai biết hoặc khi đi ra khỏi nhà một mình sợ cơn xảy ra không ai giúp. Hoặc phải đi đâu xa bệnh nhân muốn chỗ đó phải gần một cơ sở y tế để có thể cấp cứu khi cơn hoảng sợ xảy ra. Bệnh nhân thường sợ đến chỗ đông người như hội họp, đám cưới, đám ma vì nơi này ồn ào, ngột ngạt dễ tạo điều kiện cho cơn xảy ra làm cho bệnh nhân xấu hổ..., điều này gây hiểu lầm trong mối quan hệ với người xung quanh. Hoặc một số người xuất hiện ám ảnh sợ chỗ bị đóng kín như trong rạp hát, trên xe buýt, trong thang máy... vì sợ cơn hoảng sợ xảy ra họ không có đường thoát ra ngoài. Hay có bệnh nhân đi đâu cũng phải mang thuốc an thần theo người... Tất cả những điều trên cản trở sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân, làm cho bệnh nhân lệ thuộc, không dám ra khỏi nhà, có khi rối loạn nặng đến mức gây tàn phế, mất khả năng lao động.
Người mắc cơn hoảng sợ cần được chẩn đoán phân biệt với: nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, cường tuyến giáp, động kinh thực vật, cơn têtani do hạ canxi huyết, loạn thần kinh Hysterie, ám ảnh sợ, hội chứng cai ma túy...
Nguyên tắc điều trị: Chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời đề phòng bệnh trở thành mạn tính. Trong cơn hoảng sợ dùng thuốc giải lo âu, an ủi động viên bệnh nhân. Điều trị phòng ngừa cơn bằng cách dùng thuốc chống trầm cảm, thời gian điều trị tối thiểu là 6 tháng, liệu pháp tâm lý cá nhân, gia đình, thư giãn luyện tập, tập thở...