Rối loạn đa nhân cách
( Multi Personality Disorder - MPD )
BS Ngô Văn Lương
Khoa Tâm Thần Bệnh viện TW Huế
Rối loạn đa nhân cách là gì?
Rối loạn đa nhân cách (MPD) một căn bệnh từng được bác sĩ
người Pháp Pierre Janet mô tả vào thế kỉ XIX. Là một dạng bệnh
lý tâm thần mà biểu hiện là sự mất nhận thức về bản thân và vì
thế người mắc bệnh thường đồng nhất hoá mình với người khác. Sự
đồng nhất đó không vững chắc, một chấn động tinh thần cũng có
thể làm biến mất và thường đồng nhất hoá tiếp với một nhân cách
khác. Người mắc bệnh MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết
sức phức tạp. Họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát
và chi phối, cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi
hai nhân cách hoàn toàn trái ngược nhau. Theo một thống kê của
Hội tâm thần Mỹ, có tới 1% dân số Mỹ có biểu hiện MPD và khoảng
20% bệnh nhân đang điều trị thực chất là bị MPD.Hiện khoảng
20.000 người Mỹ có biểu hiện mắc chứng này, thậm chí có bệnh
nhân phải sống với 300 nhân cách.
Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý như giáo sư P. Spanos, tiến sĩ H.
Lief, bác sĩ tâm lý E. Luil lại cho rằng trên thực tế không có
căn bệnh đa nhân cách; đó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của cả
bệnh nhân và bác sĩ điều trị mà thôi.
Cuộc tranh luận về việc có
người đa nhân cách hay không vẫn chưa có kết luận. Tuy nhiên, số
người được chẩn đoán bị rối loạn này ở Mỹ vẫn liên tục tăng
trong những năm gần đây. Các nhà chuyên môn gọi đây là bệnh tâm
thần của xã hội Mỹ, vì ở châu Âu có rất ít người được coi là rối
loạn đa nhân cách; còn ở các khu vực khác, căn bệnh này hầu như
không được nhắc đến.
Rối loạn đa nhân cách biểu hiện như thế nào?
Theo Janet, một người được coi là bị MPD nếu có 4 triệu
chứng:
-
Có 2 hoặc nhiều hơn trạng thái của các nhân cách thay nhau chi phối người bệnh.
-
Các nhân cách phải hoàn toàn riêng biệt, tương đối ổn định về nhận thức, quan hệ gia đình, xã hội, khả năng miêu tả thế giới xung quanh.
-
Khi bị một nhân cách này chi phối, người bệnh có khả năng quên các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân cách tiềm ẩn khác, đến mức không thể xem đó là chứng quên thông thường.
-
Các rối loạn đó không phải do ảnh hưởng của thuốc hay hóa chất.
-
Tại sao bị rối loạn đa nhân cách?
Các nhà khoa học theo
thuyết đa nhân cách cho rằng: con người ngay từ khi sinh ra đã
mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang
nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện
sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của
người đó. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách kém hoặc không phát
triển khác.
Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” như vậy nhưng những mầm
nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà ẩn núp ở đâu đó trong
tiềm thức. Dưới tác động của một tác nhân nào đó, các nhân cách
còn lại kia sẽ trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng
MPD.
Điều trị rối loạn đa nhân cách bằng cách nào?
Ban đầu, các bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp tâm lý
nhưng phần nhiều không có đáp ứng tốt. Các biện pháp thư giãn,
vật lý trị liệu... và cả thuốc điều trị tâm thần cũng đều không
có tác dụng. Một số bác sĩ còn dùng cả thuật thôi miên để kéo
người bệnh ra khỏi trạng thái hỗn loạn nhưng thất bại.
Một số bác sĩ đưa ra phương pháp trị liệu độc chiêu bằng cách
cho người bệnh ngay lập tức đối thoại trực tiếp với "phiên bản"
của mình và đã đem lại kết quả tốt. Sở dĩ bệnh nhân có đáp ứng
tốt với phương pháp điều trị này là vì về bản chất trong mỗi con
người chỉ có một nhân cách phát triển. Nhân cách này được bồi
đắp, rèn luyện nên trở nên bền vững, mạnh mẽ và riêng biệt.
Những mầm nhân cách khác thường yếu đuối, èo uột nên nếu bị rối
loạn cũng chỉ đủ sức chi phối người bệnh trong một thời gian
ngắn.
Có thể dự phòng rối loạn đa nhân cách không?
Tuy nguyên nhân và cơ chế
bệnh sinh vẫn còn chưa rỏ, nhưng các nhà khoa học cũng đã
chứng minh được rằng, nếu có một lối sống lành mạnh, có một nhân
cách mạnh mẽ, biết tiếp nhận và xử lý thông tin một cách thông
minh và tỉnh táo thì người ta có thể tự bảo vệ được mình trước
chứng rối loạn đa nhân cách.
( Nguồn: Thế
giới mới, Sức khỏe & đời sống )