Chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt tại nhà
Bệnh nhân tâm thần phân liệt có thể về nhà sau khi đã điều trị ổn định tại bệnh viện, phần nào đã thích ứng được với đời sống tại gia đình, xã hội. Những người này có thể tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân, làm được một số công việc hằng ngày, chịu uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính, tiến triển từ từ theo từng giai đoạn nên phải điều trị và theo dõi lâu dài, có thể vài năm, thậm chí cả cuộc đời. Sau một thời gian điều trị giai đoạn cấp tại bệnh viện, bệnh cần được điều trị tốt tại nhà.
Điều kiện để bệnh nhân được về nhà là không có các biểu hiện cần chỉ định vào viện như: kích động, tự sát, không chịu ăn, hoang tưởng, ảo giác nặng, hoặc có các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của chính bản thân hoặc những người xung quanh.
Người nhà bệnh nhân có vai trò rất quan trọng, là người sống cùng bệnh nhân, theo dõi sát và hiểu rõ về tính cách, diễn biến bệnh. Để việc điều trị tại nhà có hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa người thân và bác sĩ. Do vậy, gia đình bệnh nhân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết về bệnh tâm thần phân liệt và cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt. Các thông tin này có thể lấy từ sách, báo hoặc các lớp tập huấn về chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt do các bác sĩ chuyên khoa tâm thần phụ trách.
Người nhà phải biết cách theo dõi bệnh nhân về diễn biến bệnh, như sự thuyên giảm của các triệu chứng (như hoang tưởng, ảo giác, kích động, hành vi tự sát, không chịu ăn...), ăn, ngủ như thế nào; có xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường khác không. Cần theo dõi về khả năng tự chăm sóc bản thân, thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày như nấu cơm, quét nhà, khả năng giao tiếp với người thân, tham gia các hoạt động nghề nghiệp, học tập, quan hệ xã hội... Kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng như: kích động, tự sát, không chịu ăn... để có thể đưa bệnh nhân vào viện.
Gia đình bệnh nhân nên có một cuốn sổ để ghi lại các diễn biến của bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu tái phát như: thay đổi tính cách (dễ cáu giận, bực bội...); thay đổi trong nền nếp sinh hoạt; ngủ kém hoặc mất ngủ; cảm giác xung quanh thay đổi... Nếu có các triệu chứng trên, cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị hoặc đưa người bệnh đến cơ sở chuyên khoa tâm thần khám và điều chỉnh liều thuốc.
Người nhà cũng nên có cuốn sổ theo dõi về tên, liều lượng thuốc bệnh nhân đang sử dụng, các tác dụng chính (chống hoang tưởng, ảo giác, kích động...) và phụ (cứng hàm, khó nuốt, ngủ nhiều, bồn chồn, bất an....).
Cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thuốc và liều thuốc. Yêu cầu bệnh nhân uống thuốc khi có mặt của người thân vì người bị tâm thần phân liệt hay từ chối điều trị. Có bệnh nhân cho là đã khỏi bệnh hoặc sợ thuốc độc nên giấu thuốc, không chịu uống. Người nhà không nên cho bệnh nhân giữ hoặc biết nơi để thuốc vì họ có thể uống quá liều, gây ngộ độc.
Thường xuyên cho bệnh nhân khám định kỳ, thông thường có thể 2-3 tuần hoặc 1 tháng một lần tùy theo thể bệnh (khi đến khám cần mang tất cả các tài liệu liên quan đến quá trình bệnh).
Người nhà cần động viên, giúp đỡ và có thái độ cư xử tôn trọng người bệnh; giúp đỡ, huấn luyện họ làm các công việc hàng ngày, tạo điều kiện cho họ được giao tiếp xã hội, được làm việc. Nên tôn trọng các quyền của bệnh nhân, thảo luận về các quyết định liên quan đến họ như: uống thuốc, khám bệnh định kỳ, nhập viện điều trị, tiếp tục làm việc, tham gia các hoạt động xã hội nghề nghiệp. Tránh thái độ xa lánh, coi thường.
BS Hoàng Nam, Sức Khoẻ & Đời Sống