Stress - một tác nhân gây trọng bệnh
Quá tải trong công việc là một yếu tố gây stress. |
Stress là phản ứng của cơ thể đối với những sự việc gây khó chịu trong môi trường sống. Stress làm tổn hại cho sức khỏe cả về thể lực và tâm thần. Nó là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, bệnh đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm...
Trong trạng thái stress, huyết áp và nhịp tim tăng cao. Điều này tạo nên gánh nặng cho tim, khiến tim phải làm việc căng thẳng hơn và tăng nguy cơ phát triển các quá trình bệnh lý. Stress có ảnh hưởng lên thành phần hóa học của máu, làm tăng hàm lượng cholesterol, thúc đẩy phát triển xơ vữa động mạch, khiến các động mạch vành bị hẹp lại. Sự cung cấp máu cho cơ tim sẽ bị hạn chế, dẫn đến phát triển bệnh thiếu máu cơ tim.
Tình trạng stress căng thẳng, kéo dài làm cũng rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Từ lâu, các bác sĩ răng miệng đã biết rằng, tình trạng viêm ở lợi hay tái phát trong những giai đoạn căng thẳng của cuộc sống. Sự xuất hiện các vết loét (herpes) ở môi hay bộ phận sinh dục cũng thường đồng hành với các lo âu, căng thẳng. Rất nhiều người bị các chứng bệnh cảm cúm thông thường khi có tác động của các yếu tố gây stress. Stress làm tăng hàm lượng các hoóc môn tuyến thượng thận, trong đó có adrenalin. Adrenalin gây tổn thương các tế bào lympho và làm giảm khả năng miễn dịch.
Ở những người thường xuyên chịu sự tác động của stress, nguy cơ ung thư sẽ tăng lên đáng kể. Điều này được giải thích là do stress làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Theo các nhà nghiên cứu, bình thường, tế bào ung thư đôi khi vẫn xuất hiện trong cơ thể mỗi người nhưng chúng nhanh chóng bị hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt. Khi khả năng đề kháng của cơ thể giảm sút, hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả thì nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư sẽ tăng.
Stress cũng làm rối loạn hệ thống tiêu hóa. Dưới tác động của các yếu tố stress, hệ thống thần kinh giao cảm được hoạt hóa, làm giảm đáng kể và ức chế các men tiêu hóa, tăng tiết và tích tụ acid clohydrich trong dạ dày và hành tá tràng; kết quả là các ổ loét hình thành. Stress thường dẫn đến rối loạn cảm giác ăn ngon miệng, khiến người ta ăn quá nhiều hay hoàn toàn không muốn ăn.
Trạng thái stress có thể được nhận biết với các biểu hiện sau: gặp khó khăn khi suy nghĩ và quyết định một vấn đề, hay lo lắng, cáu bực, chóng mệt mỏi khi lao động, không thể ngồi yên và thư giãn, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, buồn ngủ, hay ngủ gật, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm nhu cầu tình dục, đánh trống ngực, đau ngực. Nếu bạn có một vài trong số các biểu hiện đó thì cần tiến hành một số biện pháp để giải tỏa kịp thời:
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
- Sắp xếp cuộc sống một cách khoa học.
- Học cách nói "không". Nếu bạn không có thời gian hay không muốn làm một việc gì đó, hãy cương quyết từ chối.
- Biết vui và thỏa mãn với những gì mình làm được.
- Đánh giá đúng khả năng của mình.
- Ăn uống điều độ.
- Tăng cường thời gian ngủ, nghỉ ngơi, giải trí.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.
TS Đặng Quốc Nam, Sức Khỏe & Đời Sống