Hội chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Trầm cảm là một trạng thái biểu hiện của rối loạn cảm xúc lưỡng cực. |
Người mắc chứng này thường có xen kẽ các cơn trầm cảm và hưng phấn. Gia đình cần chú ý bảo vệ bệnh nhân vì họ dễ phạm pháp do chi tiêu thất thoát tài chính, tài sản... khi cơn hưng phấn xuất hiện.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 0,5% dân số. Đây là một bệnh tâm thần nội sinh xuất hiện có tính chất chu kỳ với các cơn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ nhau. Giữa các cơn là giai đoạn bình phục; tâm thần trở lại gần như bình thường trong khoảng thời gian từ vài tháng đến nhiều năm. Nhưng càng về sau, tần số cơn càng tăng, khoảng thời gian ổn định càng ngắn lại, gây những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân và gia đình... Bệnh tuy là nội sinh nhưng thường có thể xuất hiện sau các sang chấn tâm lý (thất tình, tang tóc, căng thẳng tâm lý hay vui quá...).
Về cảm xúc, bệnh nhân thấy buồn rầu, ức chế, mất thích thú với những sở thích trước đây, chán nản, bi quan, tuyệt vọng, dễ mủi lòng khóc lóc, than vãn rên rỉ, cảm giác ruột tắc nghẽn, nội tạng thối rữa... Có khi họ vui vẻ, lâng lâng, lạc quan yêu đời, thấy gì cũng đẹp cũng thích, hài lòng với bản thân và xung quanh..
Khi bị trầm cảm, dòng suy nghĩ trở nên chậm chạp, đơn điệu, ức chế. Bệnh nhân nói ít, giọng đều đều đơn điệu, có khi không nói. Có ý tưởng tự ti, tự buộc tội, cho mình là gánh nặng với gia đình và người xung quanh, có ý nghĩ tự sát... Nếu là hưng cảm thì ngược lại: dòng tư duy nhanh, suy nghĩ dễ dàng, liên tưởng mau lẹ, hay đọc thơ ca, ví von hóm hỉnh, nói luôn miệng, tự đánh giá cao bản thân, có nhiều ý tưởng kế hoạch làm ăn cải cách, coi thường người khác...
Về hành vi, khi trầm cảm, bệnh nhân thụ động, dễ mệt, ngại làm việc, ngại tiếp xúc, ngồi một chỗ, nằm nhiều, có khi bất động, ăn mặc lôi thôi, quần áo màu tối, chán ăn, gầy sút nhưng cũng có khi béo phị, giảm hay mất thèm muốn tình dục, mất ngủ hay ngủ nhiều quá mức; táo bón nhưng có khi đau bụng đi ngoài nhiều lần... Nếu hưng phấn, bệnh nhân hoạt động không biết mệt mỏi, đi lại nhiều, đi xe máy quá tốc độ, thích giao du, tham gia vào các công việc của người khác, trêu đùa trơ trẽn, chi tiêu rộng rãi hào phóng, mua sắm lu bù. Họ cũng ăn mặc chải chuốt, màu sắc sặc sỡ, khêu gợi, ăn uống nhiều, gầy sút; ít ngủ, dậy sớm, gây huyên náo ầm ĩ; tăng tình dục, tình dục dễ dãi; gây gổ đánh lộn khi bị cản trở...
Trong thực tế lâm sàng, các cơn trầm cảm và hưng cảm thường xảy ra với những cường độ khác nhau từ nhẹ, vừa đến nặng, phụ thuộc vào loại cơn, thời gian tiến triển, điều trị... Ban đầu, bệnh nhân thường đến khám với các triệu chứng trầm cảm; còn với cơn hưng cảm, bệnh nhân thường phủ định bệnh, không đi khám.
Nhiều trường hợp rối loạn cảm xúc lưỡng cực phải được điều trị tại cơ sở y tế. Nếu điều trị tốt, họ sẽ duy trì được cuộc sống sinh hoạt bình thường.
BS Lê Đào Nghĩa, Sức Khỏe & Đời Sống