Chuyện ghi ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I
Một bức tường đơn ngăn cách bệnh viện với bên ngoài. Sự cách biệt mong manh ấy đủ tạo ra một thế giới khác. Đằng sau bức tường ấy, bên trong bệnh viện tâm thần TWI là thế giới của những người điên. Có vào mới thấy, có nhìn mới hiểu và có nghe mới rõ. Ở đó có những thân hình không giống ai, tóc tai bù xù, những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ, những gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, cười rồi lại khóc… Y học gọi họ là bệnh nhân tâm thần. Còn xã hội thì gọi họ bằng cái tên nghe chua xót đến nao lòng: người điên.
Trong thế giới người điên
Chiều. Những cơn mưa cuối hạ làm cho bầu trời trở nên ảm đạm. Không khí ở bệnh viện Tâm thần TWI càng trở nên ảm đạm hơn. Tôi chậm rãi, cẩn thận bước từng bước dò dẫm trong sân bệnh viện - bước đi trong thế giới của những người điên.
Từng tốp những bệnh nhân tâm thần ngồi co ro với nhau trên ghế đá dưới mái hiên của sảnh bệnh viện. Họ mặc áo bệnh nhân, đồng phục sọc xanh trắng. Những thân hình chẳng giống ai, tóc tai bù xù, những ánh mắt vô hồn, thẫn thờ nhìn ra trời mưa. “Ha ha, con chuồn chuồn ướt cánh rồi…” - một bệnh nhân ngồi rúm ró ở một góc ghế, chỉ vào tôi, hoảng loạn, cười rồi khóc chỉ trong một khoảnh khắc. Đa phần những bệnh nhân tôi gặp trên đường dẫn vào Ban giám đốc bệnh viện đều cười với tôi: những nụ cười ngờ ngệch, méo mó trên những khuôn mặt bơ phờ…
Chị Trịnh Thu Hưng - Trưởng y tá Khoa Cấp tính nữ tâm sự: “Bệnh nhân đến từ rất nhiều vùng miền khác nhau, đủ mọi lứa tuổi. Và đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn của cuộc sống: thất tình, mất con, hay phá sản trong làm ăn kinh tế…”.
Chị Hưng kể cho tôi một ví dụ: một cô gái tên Dịu, quê Bắc Ninh, trước đây có mối tình rất đẹp với một chàng trai cùng quê tên Linh. Nhưng do ngăn cản từ 2 phía gia đình, Dịu và Linh đã không thể lấy nhau. Một thời gian sau Linh đi lấy người khác. Quá đau khổ vì điều đó, Dịu trở nên lầm lì, ngây ngô, vô cảm để rồi hóa… tâm thần. Do quá ám ảnh vì mối tình dang dở với bóng hình người yêu, lúc nào Dịu cũng nhắc đến Linh. Như mê, như tỉnh. Cứ thấy bóng con trai đi qua là Dịu lại chạy theo gọi: “Linh ơi! Đợi em với…”.
Những trường hợp như Dịu rất nhiều. Họ mắc bệnh vì chịu những cú sốc về tình cảm. Có nhiều phụ nữ trước cái chết của con mình, không chịu nổi đã hoá điên, và được đưa vào đây điều trị. Đúng là, chỉ cần không bước qua nổi một khoảnh khắc quá căng thẳng trong cuộc sống, nhiều người đã phải sống trong một thế giới khác. Ở thế giới đó, họ vẫn tồn tại, như mê như tỉnh với những ký ức còn sót lại trong cuộc sống trước kia. Thẫn thờ, vô cảm, không kiểm soát được trạng thái của bản thân để rồi khuôn mặt dần bơ phờ, thân hình dần tiều tuỵ…
Chơi thể thao cũng là một trong những biện pháp điều trị |
Rời Khoa Cấp tính nữ, tôi tìm sang bệnh nhân tâm thần ở Khoa Pháp y. Bệnh nhân ở Khoa pháp y có 2 đối tượng. Đó là những trường hợp phạm tội, nhưng nghi ngờ có rối loạn tâm thần cần được trưng cầu giám định pháp y để phục vụ công tác điều tra. Đối tượng thứ 2 là những bệnh nhân phải điều trị bắt buộc. Những bệnh nhân này cũng đã từng phạm tội, nhưng được miễn tội sau khi có kết luận tâm thần của hội đồng giám định pháp y. Cả hai đối tượng này có đặc điểm chung là đều mang trọng tội, chủ yếu là giết người và gây thương tích.
Lật giở hồ sơ bệnh án, cũng như tiền án, tiền sự của những bệnh nhân đặc biệt này, tôi ớn lạnh trước những việc làm của họ, khi cơn điên nổi lên lấn át hết tính người: Lê Tri Hiếu (Hà Đông) dùng thang đập chết bố đẻ; Trần Ngọc Khánh (Hà Nội) cầm dao đâm chết bạn thân…
Và có lẽ cũng chỉ có ở đây, một số người hoàn toàn bình thường lại cố tình muốn mình trở thành kẻ… tâm thần. Tỉ lệ người “muốn” tâm thần như vậy ở khoa Pháp y hàng năm chiếm từ 2 đến 5%. Mục đích của những người “giả điên” này là nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật đối với những lỗi lầm mà họ đã gây ra. Nhưng vải thưa không thể che được mắt… của Hội đồng giám định Pháp y. Bác sĩ Ngô Văn Vinh - Trưởng Khoa Pháp y đã khẳng định: “100% đối tượng tù tội giả điên đều bị chúng tôi lật mặt. Từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ để lọt tội phạm, chỉ có điều thời gian giám định để đi đến kết luận nhanh hay chậm mà thôi”.
Bác sĩ Vinh kể cho tôi nghe về trường hợp bị can Hoàng Văn Thụ ở Phú Thọ, phạm tội hiếp dâm một bé gái 10 tuổi. Theo giám định tâm thần của Phú Thọ là bị can không đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng chỉ sau 2 tháng “nằm viện”, bộ mặt thật của tên Thụ đã lộ rõ, hắn chỉ giả điên để không phải chịu trách nhiệm cho hành động thú tính của mình. Trước khi bị đưa ra toà, Thụ đã ném cho Hội đồng giám định Pháp y những cái nhìn hằn học của kẻ không hề tâm thần!
Bác sĩ Vinh so sánh những gì diễn ra ở đây giống như một nhà tù thu nhỏ, chỉ khác một điều, màu áo blue trắng nhiều hơn màu áo công an. Bệnh nhân chữa trị tâm thần ở đây đều mang trên mình nhiều trọng tội. Chính vì thế khoa Pháp y được bố trí nằm biệt lập tận trong cùng của bệnh viện tâm thần TW 1, khu điều trị bệnh nhân luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài với những lớp cửa dày đi kèm những ổ khóa chắc chắn.
Một ngày “sống” trong thế giới này, chứng kiến những sinh hoạt, trạng thái của bệnh nhân ở đây, tôi đã phải tự trấn an tinh thần cho mình rất nhiều. Và cũng chứng kiến cảnh các bác sĩ ở đây chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, tôi càng thấy khâm phục những tấm lòng tận tâm vì người bệnh của họ.
Bác sỹ cũng là người thân
Điều trị, chăm sóc cho người bệnh bình thường đã vất vả, khó khăn, việc làm đó đối với những bệnh nhân thần kinh có vấn đề càng khó khăn gấp bội. Với bệnh nhân tâm thần, ngoài các vấn đề về chuyên môn, yếu tố tâm lý chiếm tới trên 50% trong việc chữa trị cho người bệnh. Nhiều khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, để nói, cười, tâm sự cùng người bệnh.
Y tá Hưng: Nhìn bệnh nhân ăn, cơm canh rơi vãi do không kiểm soát được hành động - thương lắm |
Chia sẻ về điều này, Y tá trưởng Trịnh Thu Hưng tâm sự: “Ai mới vào nghề này, lúc đầu đều sợ hãi, lo lắng, căng thẳng trong môi trường làm việc khác người ở đây. Nhưng rồi sau một thời gian ngắn, lại cảm thấy thương người bệnh. Với họ mình cần phải có tình thương, có sự cảm thông sâu sắc thì mới có thể làm được…”.
Tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần của những bác sỹ này mới nhận thấy đó là công việc mà không phải ai cũng làm được. Các y bác sĩ vẫn thường nói vui nhau mình là những người “trên cả toàn diện”. Bởi có đến 95% bệnh nhân ở đây không có người nhà chăm sóc, thế nên ngoài việc chữa trị cho bệnh nhân, họ còn phải chăm sóc cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tắm, giặt, cắt móng tay, móng chân, cắt tóc… Chuyện y, bác sĩ nữ phải tắm cho bệnh nhân nam ở đây không phải là chuyện lạ. Ngọc - cô y tá trẻ ngượng nghịu trả lời khi tôi thắc mắc về điều đó: “Mình coi họ như người thân trong nhà bị đau ốm. Chăm sóc cho người thân là điều bình thường thôi mà”.
Khi mới bước chân vào đây, tôi vẫn mang trong mình cảm giác ớn lạnh và sợ sệt. Bởi trước đó tôi đã được nghe kể nhiều về việc bệnh nhân đánh gẫy tay, sưng mặt, rồi đe dọa bác sĩ khi cơn kích động nổi lên. Đem thắc mắc đó hỏi bác sĩ Vinh, được anh cho biết: “Quả thật những chuyện như vậy là có thật. Bệnh nhân ở đây phức tạp lắm. Khi họ lên cơn, họ đập vỡ đèn tuýp, lấy mảnh vỡ làm hung khí đe dọa y, bác sĩ. Cá biệt có những trường hợp mài nhọn thìa ăn cơm, bàn chải đánh răng để đe dọa chúng tôi. Chuyện va chạm, xô xát là chuyện thường ngày.”. Theo như bác sĩ Vinh thì đầu tiên bao giờ các anh cũng sử dụng liệu pháp tâm lí là thuyết phục. Nếu không được các anh mới sử dụng biện pháp trấn áp, sau đó cho bệnh nhân uống thuốc.
Những hình ảnh vật vờ, những nụ cười man dại, những việc làm quái gở không giống ai… mà người bình thường khi chứng kiến ở những người điên đều cảm thấy ghê sợ, xa lánh. Nhưng trong thế giới người điên ở bệnh viên Tâm thần TWI, những bệnh nhân đã được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị, cảm hoá bằng tình người. Sự cố gắng, tận tâm với nghề nghiệp của họ thật đáng khâm phục.