Cách chăm sóc bệnh nhân loạn thần
Bệnh nhân loạn thần cần được theo dõi giấc ngủ, số giờ ngủ được trong ngày, khi ngủ có mê, có thức giấc giữa đêm không... Do người bệnh thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động, không chăm sóc được bản thân nên gia đình phải hết sức chú ý.
Khi chăm sóc bệnh nhân loạn thần, người nhà cần để ý những vấn đề sau:
- Các triệu chứng bệnh như hoang tưởng (có những ý tưởng sai, không đúng với thực tế), ảo giác (cảm thấy những sự việc không hề có trong hiện thực) có thuyên giảm hay không?
- Có xuất hiện thêm các ý nghĩ kỳ dị (không thể có được trong thực tế) không?
- Có dễ kích động hay không?
- Bệnh nhân đã nhận thức được bệnh của mình hay chưa? Có hợp tác điều trị không?
Cần phát hiện ý tưởng và hành vi tự sát (nhất là ở những bệnh nhân trầm cảm nặng, hoặc đã có hành vi tự sát trong tiền sử). Ngoài ra, cần theo dõi các triệu chứng khác như thái độ với người thân, với bệnh nhân khác, sự quan tâm chăm sóc vệ sinh cá nhân...
Phải kịp thời phát hiện và báo cho nhân viên y tế khi có các tác dụng phụ của thuốc. Thuốc an thần kinh (haloperidol, tisercin, aminazin...) có thể gây loạn trương lực cơ : người bệnh tự nhiên xuất hiện các cơn xoắn vặn ở cổ và lưng gây vẹo cổ, vẹo người, co thắt các cơ ở hàm hoặc cứng hàm, nuốt khó, co thắt các cơ ở họng gây nói khó, nói ngọng...
Thuốc cũng có thể gây Hội chứng giống Parkinson: người bệnh trở nên đờ đẫn, vẻ mặt kém linh hoạt, khuôn mặt "tượng đá", run, cứng cơ, đi lại chậm chạp, phối hợp động tác khó khăn. Bệnh nhân có thể gặp trạng thái bồn chồn bất an do thuốc: buồn bực khó chịu, không thể đứng hoặc ngồi lâu một tư thế, luôn luôn vận động chân tay, phải đi lại để cho đỡ khó chịu.
Hạ huyết áp tư thế cũng là một tác dụng phụ thường gặp của thuốc: khi thay đổi tư thế đột ngột (từ tư thế nằm sang tư thế đứng...), người bệnh có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đứng không vững, thậm chí có thể ngã. Những dấu hiệu bất thường khác cũng cần phát hiện kịp thời để báo cho bác sĩ như sốt, đái buốt, đái rắt, bí đại tiểu tiện...
Hầu hết các bệnh nhân loạn thần đều có một mức độ rối loạn nhất định về ăn uống. Trong mọi trường hợp, phải cho họ ăn đủ chất và lượng. Nên chọn những thức ăn có nhiều đạm, đường, rau (thành phần này cần nhiều vì các thuốc an thần kinh cũng có thể gây táo bón), bổ sung các vitamin (bằng ăn hoa quả tươi), uống nhiều nước. Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp, tiểu đường... kèm theo, phải có chế độ ăn dành riêng cho từng bệnh do bác sĩ dinh dưỡng chỉ định.
Người nhà phải luôn có thái độ tôn trọng, giúp đỡ, không phân biệt đối xử đối với bệnh nhân, lắng nghe ý kiến, thực hiện các yêu cầu, nguyện vọng của họ trong điều kiện cho phép. Khi từ chối, nên giải thích cho người bệnh hiểu. Phải tuân thủ các chỉ định của nhân viên y tế, không tự ý cho người bệnh dùng thuốc và kịp thời báo cáo những biểu hiện bất thường cả về cơ thể và tâm thần.
BS Hoàng Nam, Sức Khỏe & Đời Sống