Tâm thần - yếu tố quan trọng của sức khoẻ
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là một trạng thái thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội. Như vậy, tâm thần là một trong 3 yếu tố quyết định sức khoẻ.
Tâm lý (psychologic) là quá trình phản ánh của hiện thực khách quan vào ý thức con người (bao gồm nhận thức, tình cảm, ý chí...), biểu hiện trong ứng xử. Còn tâm thần (psychic) là tình cảm và suy nghĩ của con người trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc sống có thể gây những biến đổi (khi tác động ít) hoặc rối loạn (khi tác động mạnh) về tâm thần. Những biến đổi đó biểu hiện ở trạng thái mệt mỏi thoáng qua, hoặc những rối loạn thường xuyên biểu hiện dưới dạng stress. Thuật ngữ "stress" được Hans Selye (1907-1982), nhà sinh lý học người Canada gốc Áo, đưa ra vào năm 1936 để mô tả một tình trạng cố gắng quá mức chịu đựng.
Nguyên nhân gây stress rất nhiều và đa dạng, bao gồm chấn thương tâm thần (biến động trong đời sống, kết quả học hành, thi cử...), chấn thương thực thể (phẫu thuật, ngộ độc nặng), biến động xã hội (chiến tranh), môi trường sống (thiên tai, nhiều tiếng ồn, công việc căng thẳng...). Ngay lúc cơ thể bị tác động bởi những yếu tố kể trên, ở vùng tuyến yên của đại não sẽ xảy ra một "phản ứng báo động", gây mất cân bằng tâm - sinh lý, làm tim đập nhanh, tăng hô hấp và co thắt các động mạch.
Một stress nhẹ có thể đóng vai trò tích cực vì sẽ giúp cá thể thích nghi với hoàn cảnh mới; nhưng nếu stress nặng và kéo dài thì sẽ gây nhiều rối loạn phức tạp. Vì sao? Bởi stress luôn ảnh hưởng đến nhiều hoạt động chức năng của cơ thể (nội tiết, thần kinh thực vật, đời sống mô và tế bào...), từ đó gây ra những triệu chứng ở các vị trí rất khác nhau tùy thuộc từng cá thể. Thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa, làm co mạch máu nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày và lâu dài có thể dẫn đến loét dạ dày. Stress nặng và kéo dài sẽ gây thiếu máu, làm thoái hóa rồi hoại tử mô, dẫn đến chảy máu, thậm chí rách vỡ tạng trong cơ thể.
Có rất nhiều bệnh liên quan đến stress nặng như tim mạch (cơn đau thắt tim, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp), tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, viêm đại tràng mạn), da liễu (eczéma, rụng tóc), nội tiết (suy tuyến thượng thận mạn), phụ khoa (rối loạn kinh nguyệt). Stress cũng gây những cơn đau hoặc thể trạng khó chịu do rối loạn thần kinh thực vật (hồi hộp, lo âu, ngất xỉu, mất ngủ, chán ăn, lú lẫn tâm trí).
Để điều trị stress, đầu tiên, bạn phải xem xét lại toàn bộ cuộc sống thường ngày và trong thời gian dài, cách sinh hoạt thể lực và tâm thần của mình. Bạn phải nhận biết đầy đủ các nguyên nhân có thể gây stress (đã nêu trên) để phát hiện đúng nguồn gốc vì chỉ khi nào "trị đúng căn thì mới tiệt bệnh". Bạn cần:
- Biết rõ mình muốn gì (để không làm những việc thừa, tránh suy nhược thể lực; không nghĩ những việc thừa, tránh mệt óc).
- Biết rõ mình mệt mỏi (hoặc stress) vì nguyên nhân gì (để trị đúng căn).
- Biết thư giãn (nghỉ dưỡng, tĩnh tâm) nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tháng, nhiều tháng trong năm.
- Biết rõ mục tiêu của bản thân trong từng thời đoạn (ngày, tuần, tháng, năm) để hoàn tất.
- Biết làm chủ tình cảm, được không quá vui, mất không quá buồn.
- Biết kỹ năng tư duy để ra những quyết định đúng (đúng người, đúng lúc, đúng chỗ).
- Biết tăng sức đề kháng của cơ thể về cả thể lực lẫn tâm thần: tập thể dục, chơi thể thao, tập thiền, yoga.
GS Trần Phương Hạnh, Sức Khoẻ & Đời Sống