Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Chị X., một y tá ở TP HCM, rất sợ chạm vào những gì đã qua tay nhiều người. Khi mở cửa, chị phải dùng khăn hoặc túi nylon sạch lót tay. Chị là nóng tiền bạc trước khi tiêu và nhận tiền người khác trao cho bằng một cái hộp. Cái tính "quá sạch sẽ" của chị X. thực ra là một rối loạn về tâm thần.
Y học gọi chứng bệnh của chị X. là rối loạn ám ảnh cưỡng chế (RLAACC). Rối loạn lo âu này có thể xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào nhưng thường bắt đầu trong thời kỳ ấu thơ. Người bị RLAACC có thể có triệu chứng ám ảnh và triệu chứng xung động. 75% số bệnh nhân có cả 2 triệu chứng này.
Khi có triệu chứng ám ảnh, trong đầu bệnh nhân thường xuất hiện lặp đi lặp lại những ý nghĩ ngoài ý muốn. Chúng chiếm toàn bộ suy nghĩ và khiến cho người bệnh lo âu, bực bội. Người bệnh có thể nghĩ rằng tất cả vi sinh vật và bụi trong không khí đều có thể gây bệnh. Họ rất sợ hãi và lo lắng khi phải ra đường, khi ngồi ghế lạ hoặc khi người khác vô tình chạm vào. Họ cũng có thể nghi ngờ, không biết mình đã đóng các cửa chưa, mặc dù trước đó đã kiểm tra rất cẩn thận...
Những bệnh nhân có triệu chứng xung động thường lặp đi lặp lại một cách có ý thức vài hành vi theo một thứ tự nào đó để giảm sự lo âu. Chẳng hạn, sau khi tiếp xúc với bên ngoài, do sợ nhiễm bẩn, người bị RLAACC có thể sẽ lau rửa, giặt giũ nhiều lần, thậm chí vứt bỏ quần áo và dần dần không thể làm gì khác ngoài việc giặt giũ. Tay họ có thể bị bong da do tiếp xúc thường xuyên và quá lâu với nước... Có khi người bệnh kiểm tra đi kiểm tra lại một điều gì đó vì nghi ngờ chưa thực hiện, hoặc gọi tên một người thân nhiều lần trong ngày để giúp người ấy tránh tai họa. Để khỏi xui xẻo, người bệnh có thể tránh né một cái gì đó trên đường đi, và nếu lỡ dẫm phải, họ sẽ quay trở về và đi lại từ đầu mới thấy yên tâm...
Mặc dù bệnh nhân cũng biết rằng những nỗi sợ hãi đó là vô lý, thái quá và rất muốn chống lại nhưng họ không thể làm khác được. Vì thế, họ luôn thấy xấu hổ và muốn giấu mọi người về bệnh của mình. Ở thời kỳ đầu, do người bệnh cố tình giấu và bệnh còn nhẹ nên người xung quanh không nhận ra. Đến khi người bệnh có những biểu hiện dễ nhận thấy như không dám ra khỏi nhà, đi làm, đi học luôn trễ giờ..., những người thân mới biết. Nhưng lúc này bệnh đã quá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.
Theo kết quả điều tra sơ bộ về các loại bệnh tâm thần tại TP HCM (năm 1999), có hơn 5.500 người (0,11% dân số) bị chứng rối loạn này.
Nguyên nhân và cách chữa trị
Nguyên nhân của chứng RLAACC hiện chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có tới 35% số con cái hay anh em của người bị RLAACC cũng mắc chứng này. Một số nhà nghiên cứu y học cho rằng RLAACC có thể do sự rối loạn điều hòa serotonin (chất dẫn truyền thần kinh) trong não, sự tăng hoạt động ở một số vùng của não hoặc sự giảm kích thước một loại nhân của não bộ. Các triệu chứng ám ảnh hình thành từ sự xuất hiện cùng lúc và lặp đi lặp lại của một ý nghĩ kèm với một phản ứng lo sợ. Còn triệu chứng xung động chỉ là cách thức bệnh nhân chống lại sự lo âu do ám ảnh gây ra.
Bệnh nhân RLAACC có thể được chữa khỏi bằng cách kết hợp điều trị hành vi và dùng thuốc. Dưới sự kiểm soát của bác sĩ, bệnh nhân sẽ được tiếp xúc với hoàn cảnh hoặc đối tượng gây sợ một cách từ từ hoặc đột ngột để làm mất dần cảm giác sợ hãi. Bệnh nhân sẽ được chỉ định và hướng dẫn dùng thêm các loại thuốc như clomipramine hay SSRI.
BS Lê Quốc Nam, SGGP