Đái tháo nhạt có thể gây rối loạn tâm thần
Bệnh nhân không bao giờ thấy hết khát. |
Trong bệnh này, cơ thể bài tiết một lượng nước rất lớn với tỷ trọng nước tiểu thấp. Đái tháo nhạt có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là tuổi thiếu niên. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, rối loạn tâm thần.
Đái tháo nhạt xuất hiện do sự giảm nồng độ chất ADH trong máu, dẫn đến giảm tái hấp thụ nước ở ống thận. Nguyên nhân có thể là: rối loạn chức năng tiết của thùy tuyến yên; thiếu bẩm sinh ADH; cắt bỏ tuyến yên, cắt cuống tuyến yên, các khối u tại tuyến yên, u cặn tuyến yên, di căn của ung thư (thường thấy là ung thư vú), vỡ xương sọ, viêm não - màng não, lao màng não, giang mai... hoặc do tổn thương mạch máu (hoại tử tuyến yên sau đẻ). Nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Biểu hiện chủ yếu của bệnh là đái nhiều, uống nhiều, khát nhiều. Bệnh nhân có thể tiểu 3-8 lít trong 24 giờ, có trường hợp tới 30-40 lít. Nước tiểu trong, tỷ trọng thấp, có khi như nước lã. Vì đái nhiều, bệnh nhân khát suốt cả ngày và đêm, đang ngủ cũng phải dậy để uống, thường rất thích uống nước lạnh. Cảm giác khát có thể rất kịch liệt, nếu cấm không cho bệnh nhân uống, họ có thể uống bất cứ một loại nước gì, kể cả nước tiểu của mình. Toàn trạng gầy, da khô và không bao giờ tiết mồ hôi, kèm theo ăn kém (vì uống nhiều, dạ dày căng, làm mất cảm giác đói).
Cần phân biệt với những bệnh khác cũng có triệu chứng uống nhiều, đái nhiều như: đái tháo đường, suy thận mạn, uống nhiều do loạn thần kinh chức năng...
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Người đái nhạt nhiễm khuẩn phải dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu. Nếu bệnh nhân vừa có đái tháo nhạt vừa có đái tháo đường thì phải dùng thuốc đặc trị...
Do đái tháo nhạt là hậu quả của nhiều bệnh và nguyên nhân gây bệnh cũng rất khác nhau nên việc chẩn đoán phải dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Người bệnh phải được khám xác định nguyên nhân tại các cơ sở y tế chuyên sâu thì việc điều trị mới hiệu quả.
BS Nguyễn Văn Thịnh, Sức Khỏe & Đời Sống