Sống chung với người tâm thần: Lúc nào nên, lúc nào không?
Sau khi gặp những biến cố trong hôn nhân, chị L.T.T., 31 tuổi (Long An) phát bệnh trầm cảm, từng treo cổ nhưng không thành. Các bác sĩ yêu cầu cho bệnh nhân nhập viện điều trị nhưng người chồng lại quyết định mang chị về chữa tại nhà. Hai tuần sau, bệnh nhân đã nhảy lầu tự tử.
Từ hơn một năm nay, bệnh nhân T.V.H., 21 tuổi (TP HCM), có những biểu hiện bất thường như nói những câu không rõ nội dung và luôn muốn tấn công người khác vì cho rằng mình bị đe dọa. Thay vì đưa con đi bệnh viện, gia đình lại cho H. đến chữa ở một thầy phù thủy. Hậu quả là gần đây, H. đã cầm dao đâm bị thương em trai mình.
Trái với hai trường hợp trên, nhiều bệnh nhân tâm thần lại bình phục sớm hơn nếu được chăm sóc tốt tại nhà. Bệnh nhân P.N.Đ. (Bình Định) bị tâm thần phân liệt nhẹ. Gia đình xin cho Đ. nhập viện vì sợ không có khả năng chăm sóc. Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác sĩ, họ đã để Đ. điều trị tại nhà, thường xuyên theo dõi, chia sẻ tình cảm và tạo điều kiện cho Đ. tham quan dã ngoại với bạn bè... Gần một năm sau, Đ. trở lại trường học và lạc quan, yêu đời như thời chưa phát bệnh (mặc dù vẫn phải dùng thuốc để phòng tái phát).
Điều khiến nhiều người băn khoăn là khi nào nên giữ bệnh nhân điều trị tại nhà và khi nào nên để họ ở lại bệnh viện. Vấn đề càng được bàn cãi nhiều hơn kể từ sau vụ cháy làm chết 6 người do một bệnh nhân tâm thần gây nên ở TP HCM ngày 11/12. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn do các đối tượng tâm thần gây ra, nhưng cũng không ít bệnh nhân khỏi bệnh nhờ được gia đình trực tiếp chăm sóc.
Lời khuyên của bác sĩ
- Khi phát hiện người thân có những hành vi bất thường, đáng nghi thì nên đưa đi khám chuyên khoa tâm thần.
- Nếu bệnh nhân được chỉ định nhập viện thì gia đình nên chấp nhận để tạo điều kiện cho bệnh nhân được chữa trị tốt, đồng thời cũng tránh hậu quả nguy hiểm do họ gây ra.
- Nếu bác sĩ đề nghị chăm sóc bệnh nhân tại nhà, hoặc gia đình muốn chăm sóc bệnh nhân tại nhà và được bác sĩ đồng ý, gia đình phải đảm bảo cho bệnh nhân dùng thuốc đúng liều lượng, tránh phân biệt đối xử.
Trong quá trình điều trị tại nhà, gia đình phải đặc biệt lưu ý đến những biểu hiện khác thường của người bệnh. Nếu thấy họ hút thuốc nhiều, đi ra đi vào nhiều lần, lo lắng, hốt hoảng, bóp nát đồ vật trong tay, chuẩn bị dao búa, xăng dầu... thì phải nhanh chóng đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Thanh Niên