Bệnh chứng tâm thể - căn bệnh vừa hư vừa thực
Stress là một trong những nguyên nhân gây bệnh chứng tâm thể. |
Anh P.X.X. (27 tuổi, Thái Bình) bị đau vùng trước tim, đánh trống ngực từng cơn và khó thở, đã khám nhiều nơi mà không tìm thấy thương tổn, và dùng nhiều loại thuốc mà không khỏi. Điều đặc biệt là các triệu chứng này xuất hiện từ khi anh bắt đầu gặp những mâu thuẫn, căng thẳng trong cuộc sống.
Bệnh nhân X. cho biết, anh lên Hà Nội vài năm nay, sống cùng gia đình dì. Ban ngày, anh phải làm việc rất vất vả, tối thui thủi một mình trên chiếc giường ở góc phòng, nhớ vợ, nhớ con. Tất cả những điều đó, cộng thêm mâu thuẫn với anh em họ, khiến anh luôn cảm thấy căng thẳng, chán nản, và các chứng bệnh xuất hiện.
Các bác sĩ khuyên anh tạm rời Hà Nội trở về quê nhà, sống trong môi trường quen thuộc, bên cạnh người vợ trẻ đảm đang, đứa con kháu khỉnh. Lạ thay, các chứng đau ngực, khó thở nói trên tự nhiên biến mất mà không cần một viên thuốc.
Đó là một trong những người bị bệnh chứng tâm thể, một dạng bệnh có triệu chứng thực thể nhưng không tìm thấy thương tổn thực sự. Một thống kê cho thấy có 10 bệnh chứng tâm thể thường gặp, theo thứ tự giảm dần như sau:
1. Đau ngực. 6. Đau lưng.
2. Mệt mỏi. 7. Khó thở.
3. Chóng mặt, choáng váng. 8. Mất ngủ.
4. Đau đầu. 9. Đau bụng.
5. Phù. 10. Ngất.
Khám cho những người mắc 10 bệnh chứng nói trên, các bác sĩ chỉ tìm thấy 5% - 10% trường hợp có nguyên nhân thực thể; số còn lại hoàn toàn không có thương tổn nào, kể cả khi áp dụng các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại. Ở nhiều bệnh nhân, các triệu chứng cứ tồn tại dai dẳng, khiến họ thường xuyên phải đi khám ở mọi chuyên khoa nhưng không phát hiện được bệnh.
Cần phát hiện bệnh sớm
Đối với bệnh chứng tâm thể, việc phát hiện sớm đem lại các lợi ích sau:
- Tránh những thăm dò không cần thiết và lãng phí (như thử nghiệm hóa sinh, nội soi, chọc dò, chiếu chụp) dẫn đến giảm niềm tin của người bệnh.
- Làm tăng khả năng đáp ứng với trị liệu, nhất là các trường hợp rối nhiễu tâm thần.
- Tránh những hậu quả rắc rối do lạm dụng thuốc, lạm dụng xét nghiệm và những hậu quả khác có thể do chính bác sĩ gây ra.
Điều trị
Việc xử lý tối ưu tùy thuộc vào khả năng nhận diện sớm những triệu chứng tâm lý và thực thể ngay trong giai đoạn bệnh khởi phát. Nếu các triệu chứng bệnh tồn tại dai dẳng, nghiêm trọng và việc điều trị tại cơ sở chăm sóc ban đầu không mang lại hiệu quả, bệnh nhân nên đến một phòng khám chuyên khoa, nơi có các chuyên gia tâm thần, tâm lý lâm sàng. Tại đây, những nỗi lo hãi của họ có cơ hội được chia sẻ. Họ cũng được tư vấn về cách ứng phó với những triệu chứng.
Trường hợp bệnh đã ở thể mạn tính, cần lưu ý:
- Khám thường kỳ vào những khoảng thời gian cố định.
- Bỏ những thứ thuốc không cần thiết.
- Giảm thiểu việc tiếp xúc với những chuyên khoa khác.
- Những người thân nhất của bệnh nhân nên cùng tham gia lên kế hoạch và triển khai trị liệu.
- Người bệnh cần hiểu rõ: Mục tiêu điều trị là “ứng phó” với tác nhân gây stress.
GS Đặng Phương Kiệt, SK&ĐS