Bệnh "máu xấu" và những hiểm họa từ môi trường
Cô H., 23 tuổi (thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) choáng váng vì kết quả xét nghiệm cho thấy toàn bộ nhiễm sắc thể của cô bị nát vụn và kết nối dị thường. Xét nghiệm máu của cha cô và những người hàng xóm cũng cho kết quả tương tự. Người ta cho rằng hiểm họa chết người đang nằm trong môi trường sống của vùng đất này.
H. vừa hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp tại Đại học Đà Lạt. Cô muốn làm việc tại nhóm nghiên cứu liều sinh học của Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. Chính tại đây, người ta đã phát hiện là các nhiễm sắc thể lympho máu ngoại vi của cô bị sai lệch trầm trọng.
Vào một ngày cuối tuần, vì thiếu mẫu máu phân tích, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của cô. Thật bất ngờ, kết quả cho thấy H. bị sai hình nhiễm sắc thể lympho máu ngoại vi với tần số hiếm gặp: khoảng 20% kiểu đa tâm, 15% kiểu mất tâm và 4% đứt gẫy đơn. 37 trong tổng số 46 nhiễm sắc thể bị tổn thương, không có khả năng phục hồi. Các cặp nhiễm sắc thể mất tâm là nguyên nhân gây ra dị dạng nếu sinh con. Còn những cặp đứt gẫy sẽ gây ra quái thai hoặc những cái chết bất thường.
Nghi ngờ xét nghiệm này không chính xác, các nhà khoa học ở viện đã lấy máu để phân tích lần thứ 2 và kết quả lần này hoàn toàn giống như lần trước.
Ông Trần Quế, cán bộ nghiên cứu của viện, đã cùng một số đồng nghiệp về tận Nam Ban (Lâm Hà) gặp gỡ và tìm hiểu về gia đình cô sinh viên này. Ông Nguyễn Văn A., bố của H., đồng ý cho thử mẫu máu hai vợ chồng ông. Kết quả là máu ông cũng bị biến loạn, nhưng nhẹ hơn con gái mình.
Tiếp đến, họ tiến hành thử tiếp 11 mẫu máu trong vùng và nhận thấy có 8 người trong số đó bị biến loạn nhiễm sắc thể trầm trọng. Trong những mẫu máu này, nhiều tế bào chứa số lượng sai hình quá cao (5- 11 sai hình đa tâm) và hoàn toàn không theo quy luật phân bố vị trí. Nó khác biệt với tần số sai hình ngẫu nhiên của cư dân Đà Lạt đến 2 chỉ số, lại càng khác biệt hơn so với vùng dân cư tự nhiên cũng như vùng dân cư có sự cố trên thế giới.
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân
Ông Trần Quế cho biết, cấu trúc phân tử ADN có thể bị tổn thương do các tác nhân đột biến hoá học, trong đó có dioxin, một thành tố trong chất độc màu da cam. Vì vậy, có thể đặt nghi vấn rằng dioxin là nguyên nhân gây ra những trường hợp biến dạng nhiễm sắc thể nói trên. Tuy nhiên, ông A., bố của H., cho biết, hầu hết thời gian trong quân ngũ, ông đóng quân ở miền Bắc, vì vậy khả năng bị nhiễm chất độc màu da cam là rất ít. Anh L., một nạn nhân khác, cũng là một cựu binh nhưng suốt thời quân ngũ chỉ bị mỗi một trận sốt rét (đến nay không hề tái phát).
Người ta lại đặt ra câu hỏi, phải chăng nguyên nhân là do môi trường đất ở đây bị ô nhiễm? Những người dân đến xây dựng vùng kinh tế mới Nam Ban, Lâm Hà khẳng định: Kể từ khi họ đến đây lập nghiệp, không hề có hiện tượng bất thường nào khiến mọi người nghĩ là có một chất độc nào đó ngấm ngầm huỷ hoại cơ thể. Đoàn nghiên cứu cũng đã khảo sát các nguồn nước ở đây nhưng kết quả cho thấy tất cả đều không bị ô nhiễm.
Tiến sĩ Lê Xuân Thám đưa ra một cách lý giải khác: Có thể vùng đất này bị ảnh hưởng do chất độc từ Cát Tiên (nơi trước đây bị Mỹ rải rất nhiều chất độc hoá học) phát tán sang. Tuy nhiên giả thiết này cũng không đứng vững vì giữa Cát Tiên và Lâm Hà có nhiều ngọn núi cao che chắn; độ phát tán, nếu có, cũng không thể ở mức trầm trọng như vậy. Nguồn nước và nhiều khu vực vùng Lâm Hà không hề có dấu hiệu phóng xạ.
Sẽ cần thêm nhiều cuộc điều tra mới để có thể tìm ra lời giải đáp cuối cùng.
(Theo Lao Động