BẠN BIẾT GÌ VỀ THIẾU MÁU THIẾU
SẰT?
BS. NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG
Thiếu máu - thiếu sắt hiện nay vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm,
vì nó có thể gây ra nhiều ảnh hưởng trên sức khỏe của bệnh nhân, nhất là cho
các bà mẹ mang thai và các cháu sơ sinh, trẻ con đang tuổi lớn. Tác hại thì
nhiều và đôi khi nghiêm trọng nhưng cách phát hiện và điều trị lại dễ và đơn
giản, rẻ tiền, nếu như ta chịu để ý để tìm ra nó.
Đại cương
"Khả năng mang thai và sinh con của người phụ nữ có liên quan mật thiết đến
sự duy trì gia đình, cộng đồng và xã hội; sự kế thừa quản lý của cải vật
chất tạo ra mối quan hệ tương hỗ giữa cộng đồng người và môi trường xung
quanh; mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ; nó thể hiện kết quả của sinh
hoạt tính dục của con người. Do đó, sức khỏe sinh sản là thước đo giá trị
của mọi cộng đồng xã hội, đồng thời là giá trị mà mọi gia đình, mọi tổ chức
tôn giáo và chính quyền đều quan tâm chăm sóc".
Trên cơ sở đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập các tổ chức hành động và
các chương trình chú trọng vào vấn đề sức khỏe sinh sản. Hằng năm, Tổ chức Y
tế Thế giới đã ghi nhận có khoảng nửa triệu phụ nữ chết do các tai biến sinh
sản, 90% số tử vong này xảy ra tại các nước đang phát triển - nơi người phụ
nữ chịu nhiều khó khăn nhất trong đời sống kinh tế, thiếu ăn, suy dinh
dưỡng, mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, và thiếu máu với tỷ lệ
cao. Theo tư liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 50% phụ nữ mang thai
trên thế giới bị thiếu máu, gồm khoảng 15% ở các nước đã phát triển và 56% ở
các nước đang phát triển.
Thiếu máu gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự phát triển của thai nhi
cũng như cho bà mẹ và cho các lứa tuổi khác.
Thiếu máu có nhiều nguyên nhân, nhưng hầu hết các nguyên nhân đều có thể dự
phòng và loại trừ. Một trong các nguyên nhân đó là thiếu chất sắt, rất
thường gặp ở các nước đang phát triển như ở nước ta. Việc tầm soát và điều
trị thiếu máu - thiếu sắt trong nhân dân hay trong phụ nữ mang thai tương
đối đơn giản và ít tốn kém, có thể triển khai dễ dàng ngay cả ở những vùng
khó khăn nhất.
Trước khi bàn về vấn đề điều trị, chúng ta cần lược qua:
- Quá trình tạo hồng cầu.
- Các triệu chứng lâm sàng.
- Vấn đề dự phòng và điều trị.
Quá trình tạo hồng cầu
Khi nói đến thiếu máu, chủ yếu là nói đến thiếu hồng cầu, rất quan trọng
cho việc phát triển và hoạt động của tế bào trong cơ thể. Một trong các chức
năng quan trọng của hồng cầu là giữ được nồng độ của hemoglobine lưu thông
trong cơ thể được ổn định để đưa oxy đến các tổ chức khác của cơ thể. Thiếu
hồng cầu có thể do sự thành lập giảm, hoặc do sự phá hủy hồng cầu tăng lên.
Ở đây, chúng ta sẽ đề cập đến việc giảm thành lập hồng cầu.
Chất sắt chủ yếu được lấy từ thức ăn hàng ngày, ngoài ra cơ thể còn sử dụng
lại chất sắt dự trữ của cơ thể qua sự phá hủy của hồng cầu.
Sau khi ăn hoặc uống chất sắt vào cơ thể, nó được hấp thụ vào niêm mạc của
tá tràng dưới dạng ferrous, sau đó được chuyển sang dạng ferric trong phân
tử ferritin. Khi cơ thể cần chất sắt, ferritin giải phóng chất sắt vào trong
huyết tương. Nếu cơ thể không cần sử dụng, 2-3 ngày sau, chất sắt cũng được
đưa vào huyết tương để tới các tế bào tạo máu ở tủy xương.
Như vậy, chất sắt hiện diện trong cơ thể dưới hai dạng, dạng hoạt động và
dạng dự trữ.
Dạng hoạt động của sắt nằm trong hemoglobin, myoglobin, và các men
có chứa sắt. Các chất này có nhiều chức năng trọng yếu đối với cơ thể. Gần
85% chất sắt dạng hoạt động nằm trong hemoglobin của hồng cầu, giúp cơ thể
chuyển tải oxy đến các cơ quan khác. Khoảng 14,5% nằm trong các sợi cơ, là
một thành phần của myoglobin, giúp các sợi cơ có đủ oxy để hoạt động. Số
0,5% còn lại là một phần của các enzyme cần thiết cho các phản ứng oxy hóa
hoặc phản ứng khử của cơ thể, thường gắn kết với một loại protein là
transferrin. Một người lớn khỏe mạnh, bình thường có khoảng 37mg sắt dạng
hoạt động trong mỗi kg cân nặng cơ thể.
Dạng dự trữ của sắt nằm trong ferritin và hemosiderin. Ferritin nằm
trong nhu mô gan, trong cơ vân và trong các tế bào nội võng mô, nhất là ở
lách và tủy xương. Transferrin cũng nằm trong các sợi cơ vân, và có thể ở
trong các nhu mô các cơ quan khác. Lượng sắt dự trữ thay đổi tùy theo số sắt
được hấp thu mỗi ngày. Một người lớn mỗi ngày có thể dự trữ được 1000mg sắt
(nam giới) hoặc 300mg sắt (nữ giới). Điều này giải thích cho ta hiểu vì saou
phụ nữ dễ bị thiếu máu hơn nam giới.
Lượng sắt cần thiết thay đổi tùy tình trạng của cơ thể, cần tiếp tục phát
triển hay không, còn kinh nguyệt hay không, có thai hay không, có thiếu máu
hay không.
Sự hấp thụ chất sắt của niêm mạc tá tràng từ các thức ăn cũng thay đổi theo
các tình trạng trên. Người ta thấy rằng, chất sắt dưới dạng ferrous dễ được
hấp thu hơn dạng hemoglobin trong thức ăn. Tỷ lệ hấp thu còn tùy thuộc vào
liều lượng sử dụng. Smith và Pannaciulli thấy rằng, khi cho một người uống
1mg sulfat ferrous thì khoảng 0,3mg được hấp thu ở người bình thường, ở bệnh
nhân thiếu máu - thiếu sắt thì hấp thu được 0,53mg; tuy nhiên, khi cho uống
100mg thì lượng sulfat ferrous hấp thu được là 12,6mg và 37,5mg ở hai đối
tượng trên. Sự hấp thu sắt được tăng lên khi có đồng thời lượng calci cao và
giảm xuống khi có nhiều chất phosphore trong thức ăn. Nếu tiêm chất sắt thì
phải dùng một chất có khả năng kết dính với sắt như dextran kèm theo, nếu
không có thể gây ngộ độc sắt.
Ở loài người, sắt chỉ được hấp thụ dưới dạng ferrous. Trong thức ăn, sắt
thường ở dạng ferric, không tan trong nước, bị hòa tan trong dịch dạ dày có
tính acid, bị acid ascorbic và các acid yếu khác khử oxy thành ferrous. Do
đó, thường uống sinh tố C kèm theo thức ăn hoặc uống có chất sắt, nhất là
đối với người bị thiếu máu - thiếu sắt vì thường kèm theo thiếu và giảm tiết
dịch vị.
Cơ chế gây thiếu máu - thiếu sắt ở một số đối tượng đặc biệt
Thiếu máu - thiếu sắt ở trẻ con
Thiếu máu - thiếu sắt hoặc thiếu máu nhược sắc (hồng cầu nhạt màu hơn bình
thường) ở trẻ con chủ yếu do sự tăng nhu cầu để tăng trưởng của cơ thể, số
lượng hemoglobin cần thiết cũng tăng để đáp ứng với nhu cầu chung của khối
lượng máu. Khối lượng sắt có trong cơ thể sơ sinh khi mới sinh không đủ cho
sự phát triển của cơ thể của nó, nhất là ở trẻ sinh non tháng, hoặc trẻ sinh
đôi. Hậu quả của việc thiếu hụt dự trữ sắt ở đây không biểu hiện trong 4
tháng đầu của cuộc đời, và cũng ít xuất hiện trong năm đầu tiên nếu như trẻ
không quá thiếu chất sắt trong khẩu phần ăn mỗi ngày.
Ở trẻ lớn hơn, thiếu máu - thiếu sắt thường do sự đòi hỏi về hemoglobin của
cơ thể tăng lên; khi khẩu phần ăn hàng ngày thiếu đạm, thiếu sắt thì tình
trạng thiếu máu còn trầm trọng hơn.
Thiếu máu - thiếu sắt ở tuổi dậy thì
Chứng ợ chua (chlorosis) ở các cô thiếu nữ tuổi dậy thì là một biểu hiện
của thiếu máu - thiếu sắt nhẹ trong giai đoạn cơ thể cần phát triển, cộng
với nhu cầu cho sự phát triển các cơ quan sinh dục, nhất là việc bắt đầu có
kinh nguyệt hằng tháng.
Thiếu máu - thiếu sắt ở người lớn
Ở nam giới, thiếu máu - thiếu sắt luôn luôn xảy ra sau một bệnh mãn tính
hoặc sau hiện tượng mất máu ít kéo dài, thường là ở cơ quan tiêu hóa.
Ở nữ giới, sự cân bằng về chất sắt thường bấp bênh vì chế độ ăn thường
thiếu sắt mà lại phải mất máu mỗi tháng do kinh nguyệt, có khi lại bị cường
kinh, và còn phải nuôi thai.
Trong thai kỳ, do kiêng ăn hoặc do triệu chứng nghén, mất nhiều dịch
vị, nên có thể làm giảm sự hấp thu của sắt, ảnh hưởng lên sự phát triển của
thai nhi trong bụng mẹ. Điều trị chứng thiếu máu - thiếu sắt bằng cách cho
phụ nữ mang thai lúc này sẽ giảm được rất nhiều tai biến cho thai nhi về
sau, cũng như các tác động có hại của thiếu máu lên bà mẹ. Những phụ nữ sinh
đẻ quá dày cũng thường bị thiếu máu - thiếu sắt.
Người ta tính được lượng sắt mất cho mỗi lần mang thai như sau:
lượng sắt bị mất (mg) |
|
Mất cho thai nhi | 280 |
Mất cho cuống rốn và bánh nhau | 90 |
Mất do chảy máu khi sinh con | 150 |
Mất do tĩnh mạch trướng trong tiêu hóa | 230 |
Máu mẹ tăng thêm | 450 |
Tổng cộng | 1200 |
Đối với phụ nữ đã quá tuổi sinh đẻ, do chế độ ăn không đúng cách, nhiều phụ
nữ cũng bị thiếu máu nhẹ, tạo ra chứng mệt mỏi thường xuyên. Đôi khi triệu
chứng lâm sàng rõ hơn, như gai lưỡi bị teo, khó nuốt, móng tay móng chân bị
lõm, với nhiều vạch ngang. Nhiều tác giả chứng minh rằng, cho bệnh nhân uống
sắt sẽ làm giảm ngay triệu chứng khó nuốt, tạo cảm giác dễ chịu, hết mệt mỏi
trong vòng vài ngày. Sau đó, móng tay móng chân cũng phát triển lại bình
thường. Xét nghiệm máu sẽ thấy hemoglobin trở về giá trị bình thường.
Cả những người bị thiếu máu do ký sinh trùng đường ruột cũng cải thiện được tình trạng sức khỏe khi uống sắt, vì họ mất máu trường diễn.
Điều trị thiếu máu - thiếu sắt đơn giản, bằng cách
cho bệnh nhân uống sắt. Thường người ta sử dụng 30 đến 60 mg sắt dưới dạng
ferrous từ 1 đến 2 lần trong một ngày.
Liều lượng cho trẻ nhỏ là 3mg/kg cân nặng mỗi ngày, loại dung dịch uống.
Nên chia nhỏ liều uống mỗi lần để dễ hấp thu, cần cho uống kèm với sinh tố C.
Chú ý có thể có ngộ độc thuốc nếu trẻ con uống nhầm viên sắt của người lớn.
Nếu bệnh nhân không thể uống được thì ta có thể cho sử dụng bằng cách tiêm.
Dạng thuốc tiêm là hợp chất sắt - dextran nên cần phải thử trước khi tiêm để
tránh sốc phản vệ. Khi tiêm cho các bệnh nhân bị thiếu đạm kèm theo, trong hội
chứng Kwashiorkor chẳng hạn, cần thận trọng vì một lượng sắt tự do quá lớn được
đưa vào cơ thể cùng một lúc có thể dẫn tới nhiễm trùng hay sốt rét thể não. Liều
tối đa sử dụng cho đường tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp là 25mg sắt cho các bé nặng
dưới 5 kg, 50mg cho trẻ cân nặng dưới 10 kg, 100mg cho bệnh nhân cân nặng trên
10 kg. Nếu tiêm tĩnh mạch thì cần cho nhỏ giọt tĩnh mạch chậm, 20 giọt hay ít
hơn cho mỗi phút.
Chỉ khi nào hemoglobin dưới 3g/dl hoặc khi bà mẹ thiếu máu nặng sắp sinh,
đang chuyển dạ thì mới cần truyền máu.
Dự phòng
Cách dự phòng thiếu máu - thiếu sắt tốt nhất là sử dụng các thức ăn hoặc uống
các loại sắt dễ hấp thu.
Các loại thực phẩm có nhiều sắt như thịt bò, thịt heo, thịt gà, cá, ngũ cốc
chưa xay xát, rau cải màu xanh đậm, một vài loại trái cây khô. Sắt có trong các
loại thực phẩm không phải là thịt cần được sử dụng chung với các chất giúp cho
sự hấp thu tốt hơn như acid ascorbic có trong các loại trái cây tươi và có vị
chua.
Một số dạng sắt trong thiên nhiên không tan trong nước và rất khó được hấp
thu như ferric phosphat và ferric hydroxid, còn ferric oxid thì hoàn toàn không
hấp thu được. Các dạng này thường có ở thiên nhiên nhưng không được hấp thu. Một
số thực phẩm lại chứa các chất ngăn chặn sự hấp thu sắt bằng cách kết hợp với
sắt thành một hợp chất bền, không hấp thu qua màng ruột được, thí dụ như chất
oxalate trong rau dền, tannate trong nước trà... Trái lại, một số trái cây chứa
nhiều sinh tố C giúp sự hấp thu được tốt hơn. Do đó, đối với số người nghèo,
không thể ăn thịt hàng ngày, người ta có thể khuyên ăn các loại rau, trái cây có
chứa chất sắt đồng thời với các loại có chứa sinh tố C.
Cần chú ý đặc biệt đến phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, đến trẻ con và các
bé sơ sinh. Tất cả phụ nữ mang thai đều cần uống thêm sắt dưới dạng ferrous đến
hết thời kỳ cho con bú.
Sơ sinh còn bú mẹ trong 6 tháng đầu tiên không cần uống thêm sắt. Nhưng sau
đó phải thêm sắt vào sữa hoặc uống dưới dạng nước vì tần suất thiếu máu của sơ
sinh cao nhất vào thời gian từ 6 tháng đến 3 tuổi. Các bé sơ sinh non tháng hoặc
thiếu cân cần được uống thêm sắt (dạng dung dịch lỏng) vì dự trữ sắt trong cơ
thể của các cháu rất thấp so với các bé sơ sinh đủ tháng.
Hiện nay có nhiều nước đã chủ trương thêm sắt vào các loại thực phẩm như bánh
mì, đường, sữa bột cho trẻ con, các loại thực phẩm từ đậu nành, muối, nước mắm.
Lượng sắt thêm vào được tính toán sao cho chỉ vừa đem lại đủ chất sắt để tránh
thiếu máu chứ không gây ngộ độc cho người tiêu dùng.
Kết luận
Thiếu máu - thiếu sắt hiện nay vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm, vì nó
có thể gây ra nhiều ảnh hưởng trên sức khỏe của bệnh nhân, nhất là cho các bà mẹ
mang thai và các cháu sơ sinh, trẻ con đang tuổi lớn. Tác hại thì nhiều và đôi
khi nghiêm trọng nhưng cách phát hiện và điều trị lại dễ và đơn giản, rẻ tiền,
nếu như ta chịu để ý để tìm ra nó.