Ghép tuỷ và những khúc ngoặt cuộc đời
Kỹ thuật ghép tuỷ của Việt Nam đã được chính thức công nhận qua thành công của 24 ca ghép với tỷ lệ 81%. 24 con người này đều đã trải qua những tháng ngày chao đảo vì căn bệnh ung thư máu hiểm nghèo. Song, nhờ tài năng của các y, bác sĩ, cộng với một chút may mắn của từng người, họ đã vượt qua cửa tử.
Tất cả họ đều được Trung tâm Truyền máu và Huyết học TPHCM hồi sinh. Là ca thứ sáu của chương trình ghép tuỷ tại Việt Nam, được thực hiện vào tháng 9/1997, anh Vinh H. (xấp xỉ tuổi 40 - Trưởng Bộ phận XNK tại sân bay Tân Sơn Nhất của công ty Palfreight) nhớ lại: "Bệnh của tôi phát khá nhanh, trong vòng chưa đầy một tháng. Lúc đầu, ngỡ mình bị cảm cúm, tôi khám phòng mạch tư, cả tuần cũng không khỏi. Đi thử máu thì các bác sĩ đề nghị nhập Trung tâm Truyền máu và Huyết học gấp".
Một ngày sau khi xét nghiệm, Vinh H. phải vào viện với án treo của bệnh ung thư máu cấp tính. Cuộc sống là nỗi lo sợ và tuyệt vọng khi thời gian được tính từng giờ. "Thương con, ba mẹ tôi đã tính chuyện bán đồ cho tôi chữa bệnh với mức chi phí khủng khiếp: Ở Singapore giá rẻ nhất từ 30-50 nghìn đô; ở Mỹ giá tới 200 nghìn đô", anh kể tiếp.
Chưa biết thu xếp ra sao thì tia hy vọng đã loé lên. Sau 2 tháng liên tục điều trị bằng thuốc diệt tuỷ (yêu cầu đầu tiên để ghép tuỷ), GS Nguyễn Văn Bé (Giám đốc Trung tâm) và ê-kíp do ông phụ trách đã đề nghị Vinh H. ghép tuỷ tại trung tâm. May mắn đã mỉm cười, anh nói: "Tôi đã được trở lại với cuộc sống sau thời gian hơn 2 tháng nằm viện. Tổng chi phí ghép tuỷ của tôi hết 17 nghìn đô, còn tiền thuốc hơn trăm triệu đồng được Trung tâm và Bảo hiểm Y tế gánh bớt".
Hai ca gần đây nhất được trung tâm thực hiện vào cuối năm 2000. Một là sinh viên năm thứ ba ĐH Mỹ thuật Hà Nội và một là học sinh lớp 12, người Đà Nẵng, đang chuẩn bị tham dự kỳ tuyển sinh đại học năm 2001. Cũng như anh Vinh H., họ đã trải qua những ngày tháng sống căng thẳng giữa ranh giới cái chết - sự sống. Song cho đến những ngày cuối tháng 3/2001, cả hai đều cho biết, sau khi ghép tuỷ, sức khoẻ ngày càng khá lên, họ đang tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão của mình...
5 năm - thời gian biến ước mơ thành hiện thực
Cách đây hơn 10 năm, sau 3 lần tham quan cơ ngơi của trung tâm, không ít đồng nghiệp người Pháp và Singapore đã nhận định: Ít nhất phải sau 20-30 năm, kỹ thuật ghép tuỷ mới có thể thực hiện ở Việt Nam. Nhưng cũng chính trong những buổi tham quan này, ông Jean Charles Bouquest (lãnh đạo của Công ty dược phẩm Sandos, Pháp) - người có khá nhiều duyên nợ với những ca ghép tạng của Việt Nam (với chức danh là nhà tài trợ) đã cá cược 10 nghìn USD với đồng nghiệp của mình. Ông quả quyết rằng chỉ sau 5 năm, ông và GS Trần Văn Bé sẽ thực hiện được ca ghép tuỷ đầu tiên tại chính trung tâm này.
Dưới sự tài trợ của công ty Sandos, GS Bé liên tục tầm sư học đạo, hết Pháp đến Singapore rồi lại qua Đài Loan. Hai lần đầu đến Pháp, ông đành trở về tay không vì chỉ được cưỡi ngựa xem hoa. Hơn nữa, trang thiết bị của họ lại quá tối tân và đắt tiền. Mãi đến năm 1995, khi đến Đài Loan (nước đầu tiên của của châu Á thực hiện kỹ thuật này và đã ghép được vài chục ca), giáo sư mới được nhìn tận mặt, bắt tận tay. Và ông đã quyết định lấy Đài Loan làm mô hình áp dụng cho Việt Nam.
Khi vấn đề kỹ thuật, phương pháp điều trị được giải quyết thì lại nảy sinh yêu cầu về vốn. Bức xúc trước cảnh bệnh nhân đến với trung tâm ngày càng đông mà phần đông lại rất nghèo túng, tiền vốn cấp theo ngân sách lại chẳng có, trung tâm đành kêu gọi vốn của cán bộ công nhân viên. Cũng may tại thiểm đó, Nhà nước đang có chủ trương hạch toán tự thu, tự chi. Mô hình thực hiện ghép tuỷ với 3 loại máy và một phòng vô trùng tuyệt đối đã ra đời, tuy nhỏ, song đầy đủ thiết bị hiện đại.
Ghép tuỷ dị ghép và tự ghép
Nhân lực và vật lực sẵn sàng, tháng 5/1995, trung tâm tiến hành ca ghép tuỷ đầu tiên cho một bệnh nhân người Long Khánh (hiện vẫn sống khoẻ mạnh). Trong cả 3 trường hợp đầu, trung tâm đều thực hiện dị ghép (ghép tuỷ của người khác). Phương pháp này đòi hỏi tuỷ của người cho và người nhận tương thích 100% về hệ miễn dịch (HLA), vì vậy rất khó tìm.
May thay, vào tháng 9/1996, khi tham dự một hội nghị khoa học về ghép tuỷ tại Hàn Quốc, GS Bé đã được thông tin về cách bảo quản tuỷ (lưu giữ trong nhiệt độ -40 độ C thay vì -196 độ C) để tự ghép. Trong phương pháp này, người ta lấy tế bào tuỷ của bệnh nhân, cho chạy qua máy lọc rồi tách lấy những tế bào gốc và truyền cho người bệnh. Để biết cặn kẽ về kỹ thuật, ngay sau hội nghị, GS Bé đã mời cơm diễn giả đề tài này để tham khảo.
Trở về nước, ông bắt tay vào cải tiến kỹ thuật. Ca ghép tuỷ tự ghép đầu tiên được thực hiện vào tháng 11/1996. Phương pháp này có ưu điểm là không cần đợi nguồn tuỷ cho. Tới nay, trung tâm đã thực hiện phương pháp tự ghép và cứu sống thêm được 21 người.
Ghép tuỷ bằng máu cuống rốn
Khi mà kỹ thuật ghép và máy móc không còn là vấn đề bức xúc, thì lại nảy sinh vấn đề nguồn tuỷ để ghép. Phương pháp tự ghép đã trở nên lỗi thời vì chỉ điều trị được một số bệnh nhất định, trong khi nhu cầu lại quá cao và đa dạng. Mỗi năm trung bình có 1.300 ca nhập Trung tâm Truyền máu Huyết học vì những bệnh về máu, trong đó, 20% có khả năng chữa khỏi bằng phương pháp ghép tuỷ.
Ê-kíp 4 người của GS Bé lại tiếp tục tìm hiểu phương pháp ghép tuỷ bằng máu cuống rốn. Theo dự kiến, trung tâm sẽ chính thức thực hiện ca ghép tuỷ bằng máu cuống rốn đầu tiên vào tháng 6/2001. Chuẩn bị cho bước tiến này, tháng 4/2001, một ê-kíp y, bác sĩ gồm 4 người của trung tâm sẽ được cử sang Nhật học hỏi kinh nghiệm.
GS Bé không giấu nỗi vui mừng khi cho biết, đến giữa tháng 3/2001, Việt Nam đã trở thành 1 trong 7 ngân hàng máu cuống rốn của vùng châu Á được Hiệp hội Máu cuống rốn Quốc tế kết nạp là thành viên (Ngân hàng Máu cuống rốn của VN hiện có gần 40 mẫu máu và có khả năng lưu giữ tới 3.600 mẫu). Kỹ thuật ghép tuỷ của ta cũng đã chính thức được công nhận.
Điều này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc đa dạng thêm nguồn sản phẩm ghép qua trao đổi, ta còn có cơ hội bán hoặc đổi những sản phẩm này để có thêm nguồn kinh phí mua thuốc điều trị, giảm giá thành ghép tuỷ, mở rộng cơ hội điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư máu ác tính.
(Theo Lao Động, 9/4)