Máu dây rốn chữa được bệnh máu trắng
Bác sĩ lấy máu từ dây rốn. |
Hai nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng tế bào gốc trong máu dây rốn, vốn đang được dùng để điều trị cho trẻ em bị ung thư máu, cũng có thể cứu được sinh mạng cho hàng triệu người trưởng thành bị bệnh này song không tìm được người hiến tuỷ xương.
Thông thường, bệnh nhân ung thư máu được hóa trị và xạ trị để tiêu diệt các tế bào bạch cầu ung thư. Nhưng chính những liệu pháp điều trị đó cũng phá hủy hệ miễn dịch. Để phục hồi hệ miễn dịch, bác sĩ thường cấy vào cơ thể bệnh nhân tuỷ xương hoặc máu ở dây rốn (mô mềm hình ống, nối rau thai với rốn của bào thai và đưa chất dinh dưỡng vào bào thai trước khi sinh). Cả 2 đều chứa tế bào gốc, loại tế bào có khả năng phát triển thành các loại tế bào máu khác nhau. Tuy nhiên, kỹ thuật cấy máu dây rốn mới chỉ được áp dụng cho trẻ em. Đối với người lớn, đến tận bây giờ người ta vẫn chọn ghép tuỷ xương chứ chưa nghĩ tới việc dùng máu dây rốn.
"Kỹ thuật cấy ghép tuỷ xương giữa những người không có quan hệ huyết thống đã được áp dụng từ nhiều thập kỷ nay, xong vấn đề là ở chỗ số lượng người cho tuỷ phù hợp với người nhận rất hạn chế. Hàng triệu người trên thế giới bị ung thư máu cần được ghép tuỷ, song nhiều khi chẳng tìm được người hiến tuỷ phù hợp", tiến sĩ Mary J. Laughlin tại Đại học Y khoa Case Western Reserve (Cleveland, Ohio, Mỹ), trưởng nhóm nghiên cứu một trong hai công trình, cho biết. "Phát hiện này giúp chúng ta mở rộng đối tượng có thể hiến tặng. Tất nhiên là đối với kỹ thuật này chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm vì số lượng tế bào gốc ở máu dây rốn ít hơn nhiều so với tuỷ xương".
Nghiên cứu thứ nhất, do nhóm Laughlin thực hiện, đã tìm hiểu số liệu điều trị của 601 người trưởng thành mắc bệnh máu trắng. Họ được phân loại thành 2 nhóm: một nhóm được cấy tế bào gốc từ máu dây rốn, nhóm kia được cấy tuỷ xương. Nhóm thứ hai lại được chia thành 2 loại: đối tượng có tuỷ xương tương hợp hoàn toàn với người hiến tuỷ và đối tượng chỉ hợp một phần.
Kết quả cho thấy những người được ghép tuỷ hợp với người cho tuỷ có tỷ lệ sống sót sau 2 năm cao nhất, 33%. Hai nhóm kia có tỷ lệ sống sót 22% trong thời gian tương tự.
Nghiên cứu thứ hai, tiến hành tại châu Âu, đã so sánh 584 người bị ung thư máu cấp tính được ghép tuỷ xương với 98 bệnh nhân được cấy máu dây rốn, trong cả hai trường hợp người cho đều không có quan hệ huyết thống với người nhận. Sau 2 năm, 1/5 số bệnh nhân đã khỏi bệnh, một tỷ lệ xấp xỉ với kết quả của nhóm Laughlin.
Như vậy có thể thấy cơ hội khỏi bệnh khi cấy ghép tuỷ xương không tương hợp và máu dây rốn là như nhau. Qua đó, có thể khẳng định rằng máu dây rốn có thể là nguồn cung cấp tế bào gốc thay thế tuỷ xương đối với những bệnh nhân ung thư máu muốn ghép tuỷ xương nhưng lại không có người hiến tuỷ phù hợp.
Theo các chuyên gia thuộc cả 2 nhóm nghiên cứu thì máu lấy từ dây rốn trẻ sơ sinh có nhiều lợi thế hơn tuỷ xương. Tế bào gốc trong loại máu này ít có khả năng tấn công hệ miễn dịch của người được cấy ghép hơn, tức là ít có khả năng bị hệ miễn dịch của người nhận từ chối. Điều này khiến cho đối tượng có khả năng cho máu mở rộng. Hơn nữa, hiện nay loại máu này rất sẵn. Khi cấy ghép tuỷ xương, nếu cơ thể không đào thải thì phải mất tối thiểu 2 tháng tuỷ xương lạ mới hòa nhập được với cơ thể người bệnh. Đối với bệnh ung thư bạch huyết, thời gian đó là quá lâu. Trong khi đó, nếu cấy ghép bằng máu dây rốn thì chỉ mất 10-14 ngày, .
Vấn đề duy nhất đối với máu dây rốn là nó thường không sản xuất đủ tế bào gốc để điều trị cho bệnh nhân có thể hình lớn hoặc trung bình mà chỉ đủ cho một người có khổ người nhỏ. Chính vì thế mà cho đến tận bây giờ, nó chủ yếu được dùng để điều trị ung thư máu ở trẻ em.
Việt Linh (theo AFP)