Nổi hạch toàn thân, bệnh hiếm gặp
Chị Nguyễn Thị Tâm (Hoà Bình) bị nổi rất nhiều hạch ở cổ, nhỏ nhất bằng hạt thóc, lớn nhất bằng hạt nhãn, không rõ mọc lên từ bao giờ. Sức khỏe của chị dần sút đi. Năm 1996, chị đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và được phát hiện thêm nhiều hạch nữa ở phổi. Kết quả sinh thiết cho thấy, chị hoàn toàn không bị ung thư hay lao hạch như một số bệnh viện đã chẩn đoán mà mắc một chứng bệnh xưa nay rất hiếm gặp.
Từ năm 1991 đến 1995, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận 3 bệnh nhân mắc bệnh này, chủ yếu là người lớn 20-50 tuổi. Đây là bệnh u lành giả lao mang tên Sarcoidose. Tuy không phải là bệnh nan y, không nguy hiểm như ung thư hay lao hạch nhưng nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt. Đặc biệt, hạch khi phát triển to lên có thể chèn ép các cơ quan của cơ thể, gây nguy hiểm cho tính mạng.
Biểu hiện của bệnh
Sarcoidose là một bệnh toàn thân. Đặc tính của bệnh là tăng sinh hệ thống liên võng nội mô tại nhiều nơi trong cơ thể. Hiện chưa xác định được tác nhân gây bệnh. Biểu hiện chính của bệnh là nổi hạch ở nhiều nơi như mặt, cổ, lồng ngực, tứ chi... Đây là các hạch lồi, di động, rắn, không đau, có kích thước bằng hạt gạo, hạt lạc, quả nhãn. Ngoài da của hạch đôi khi có màu nâu.
- Hạch ở phổi: Bệnh tiềm tàng, không có dấu hiệu gì đặc biệt. Hạch có thể được phát hiện trong khi đi khám bệnh, chụp X quang. Thường có một hoặc hai hạch đối xứng ở vùng rốn phổi, kích thước rất lớn. Lúc này nếu thử bằng phản ứng mantoux thử lao thì sẽ có kết quả âm tính. Chỉ có soi phế quản và làm sinh thiết mới có tác dụng phát hiện bệnh.
- Hạch ở màng phổi: Đôi khi bệnh biểu hiện bằng sự tràn dịch màng phổi, nước dịch màu vàng chanh. Để tránh nhầm với lao màng phổi, cần sinh thiết hạch ở vị trí cổ hay sinh thiết màng phổi để xác định bệnh.
- Hạch ở xương: Thường ở vị trí đầu ngón tay, ngón chân, có kèm sưng phần mềm. Chụp X quang thấy giữa hai đầu đốt của một ngón tay hoặc ngón chân có hình ảnh tiêu xương, với những lỗ to nhỏ khác nhau.
- Bệnh định vị ở mắt: Bao gồm những hạt vàng nhạt hoặc đỏ nhạt nằm rải rác trên kết mạc hoặc mống mắt, gây viêm mống mắt thể mi. Có khi bệnh kết hợp viêm tuyến mang tai, liệt mặt và nhiều khi có sốt.
Xét nghiệm và điều trị
- Sinh thiết là xét nghiệm chủ yếu để xác định bệnh.
- Tốc độ lắng máu tăng, đôi khi có giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa axit, tăng globulin gamma và anpha-2.
- Phản ứng mantoux âm tính.
Bệnh thường diễn biến bất thường, có đợt bệnh nặng, hạch to ra. Sau đó dù được điều trị hay không, hạch cũng có thể nhỏ lại, ổn định hoặc thoái lui. Tiên lượng bệnh nói chung là tốt.
Hiện tại người ta công nhận corticoid là thuốc đặc trị bệnh này. Ở những đợt bùng phát, dùng corticoid để làm hạch nhỏ lại, người bệnh sẽ thấy dễ chịu, ăn uống được và tăng cân.
Hạch là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có các bệnh nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy cơ thể mình nổi hạch, bạn nên đến ngay các cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời, đúng hướng.
Tiến sĩ Đào Kỳ Hưng, Khoa Học & Đời Sống, 2/7