Điều trị suy thận bằng nguyên bào tuỷ xương
Sắp tới, bệnh nhân suy thận không phải dùng phương pháp ghép thận nữa. |
Các nhà khoa học Anh vừa công bố một phương pháp mới giúp phục hồi chức năng cho thận bị suy. Các nguyên bào tuỷ xương của chính người bệnh được dùng cấy ghép, phát triển thành các tế bào thận để thay thế cho các mô thận bị tổn thương.
Kỹ thuật này giúp tránh được hiện tượng thải ghép (thường gặp ở phương pháp ghép thận truyền thống) bởi các tế bào thận mới cũng xuất phát từ chính cơ thể bệnh nhân. Ngoài ra nó còn có thể được áp dụng để cấy các tế bào tuỷ xương chứa gene có tính năng kháng cự với ung thư hoặc các bệnh khác để bảo vệ thận khỏi bị phá huỷ.
Trước đây, các nhà khoa học đều biết tế nguyên bào tuỷ xương ở giai đoạn đầu có khả năng phát triển thành hồng cầu, bạch cầu hay tiểu cầu. Nhưng đây là lần đầu tiên họ phát hiện ra chúng cũng có thể chuyển hoá thành tế bào gan và thận. Khám phá trên mở đường cho phương pháp dùng liệu pháp gene mới để chữa các bệnh liên quan đến thận, đồng thời giúp các bệnh nhân suy thận giảm được chi phí đáng kể do phải thường xuyên dùng thuốc chống thải loại.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Poulsom, nhà nghiên cứu bệnh học thuộc Quỹ Nghiên cứu ung thư Hoàng gia Anh, để có thể chữa trị hoàn toàn căn bệnh suy thận thì phải mất vài năm nữa. Lý do là do cấu trúc của thận quá phức tạp và các bác sĩ chưa tìm ra cách để thay thế chức năng của hàng triệu thiết bị lọc và những ống nhỏ trong thận của bệnh nhân suy thận.
(Theo Người Lao Động)