Bệnh sốt xuất huyết
BS Nguyễn Thanh Sơn
(Trung tâm Ðào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM)
Sốt xuất huyết là bệnh của mùa mưa. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là 4 - 7 tuổi. Bệnh lan truyền do" muỗi vằ"n. Muỗi vằn truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành qua vết chích của muỗi.
Triệu chứng
Bệnh tiến triển theo hai thời kỳ. Thời kỳ đầu khoảng 3 - 4 ngày, có triệu chứng giống như cảm sốt thông thường. Sau đó, trẻ có thể lành bệnh tự nhiên hoặc trở nặng gây chảy máu đường ruột. Do đó, phát hiện bệnh sớm là điều rất quan trọng. Phải chú y những trẻ có các triệu chứng sau đây (nhất là khi các nhà trong xóm có trẻ sốt xuất huyết): Sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, không giảm với các thuốc hạ sốt. Trẻ vật vã, bứt rứt, nhức đầu, đau bụng chung quanh rốn hoặc hông phải. Triệu chứng xuất huyết thường xuất hiện trễ. Tử vong thường là do đưa trẻ tới bệnh viện quá trễ.
Làm sao biết bệnh trở nặng?
Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ ba đến ngày thứ năm kể từ khi bắt đầu sốt, một vài dấu hiệu cho biết bệnh trở nặng:
+ Thân nhiệt hạ đột ngột xuống nhiệt độ bình thường nhưng trẻ vẫn lừ đừ, bứt rứt.
+ Tay chân lạnh, tiểu ít.
+ Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, ói ra máu, đi cầu phân đen, chỗ tiêm thuốc bị tụ máu bầm.
Những điều nên và không nên làm:
. Không cho trẻ uống Aspirin để hạ sốt vì Aspirin làm cho dễ xuất huyết hơn.
. Không cạo gió, cắt lể khi trẻ bị sốt vì làm cho trẻ chảy máu nhiều hơn và gây khó khăn cho bác sĩ khi định bệnh.
. Không bắt trẻ nhịn ăn uống, ngược lại, phải cho uống nhiều nước, nhất là các loại cam, chanh hoặc dung dịch Oresol.
. Ðiều nên làm là đưa trẻ nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa
Ngủ mùng, không để muỗi cắn, không cho trẻ chơi ở bụi rậm, góc kẹt nhà vì muỗi vằn thường núp ở chỗ tối trong nhà.
. Thu dọn đồ đạc trong nhà gọn ghẽ, không treo quần áo bừa bãi.
. Thu dọn vỏ chai, mảnh sành, đồ hộp đọng nước... là nơi có nhiều lăng quăng của muỗi vằn.
. Ðậy nắp các lu khạp chứa nước không cho muỗi đẻ trứng.
. Dùng nhang muỗi, thuốc xịt muỗi.