Cứu sống một cháu bé bị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc
Cháu Phạm Ngọc Lâm (12 tuổi, Bình Thuận) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 5/4 sau 14 giờ bị rắn chàm quạp cắn. Vết thương bàn chân chảy máu liên tục, toàn thân xuất huyết dưới da. Sau 3 giờ truyền huyết thanh kháng nọc, vết thương đã cầm máu, các chỉ số xét nghiệm máu trở lại bình thường.
Loại huyết thanh kháng nọc kể trên là sản phẩm của Đại học Y dược TP HCM, nằm trong đề tài khoa học Nghiên cứu sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn (kháng nọc của nhiều loại rắn như hổ đất, chàm quạp, hổ chúa) do bác sĩ Trịnh Xuân Kiếm chủ trì. Đề tài được thực hiện từ 12 năm nay, đang chờ Bộ Y tế nghiệm thu giai đoạn cuối.
Huyết thanh kháng nọc chỉ có hiệu quả tốt trong vòng 24 giờ sau khi bị rắn cắn. Nếu muộn hơn, nó sẽ ít hoặc không có tác dụng. Chẳng hạn như trường hợp cháu Trịnh Văn Sơn (9 tuổi, Đăk Lăk), đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 6/4. Cháu bị rắn hổ cắn trước đó 5 ngày nhưng vẫn ở nhà, tự lấy nọc và đắp thuốc. Đến khi chân bị hoại tử, cháu mới được cha mẹ đưa đến bệnh viện. Lúc này, các bác sĩ không thể dùng huyết thanh kháng nọc nữa mà chỉ còn cách điều trị tại chỗ vết thương, chống nhiễm trùng.
Các bệnh viện có bệnh nhân bị rắn cắn có thể liên hệ với Đại học Y dược TP HCM qua bác sĩ Trịnh Xuân Kiếm để mua huyết thanh kháng nọc.
Phụ Nữ TP HCM