Tản mạn về về bài viết “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy” của tác giả Nguyễn Văn Dũng
Nguyễn Đình Nguyên
Nếu phát biểu như ông Nguyễn Văn Dũng, tôi thiết nghĩ, lẽ ra ông nên đề nghị rõ ràng và cụ thể hơn là: “Trong khi dịch tiêu chảy cấp đã lan rộng, mầm bệnh gây dịch phát tán khắp nơi trong tất cả các môi trường, các bề mặt của mọi thứ có thể là trung gian truyền bệnh Cấm lưu hành, sử dụng tiền tệ; cấm kinh doanh thực phẩm, nhà hàng và cấm ăn uống nhằm hạn chế tối đa những tổn thất đối với sức khỏe con người!” |
Báo Sức khoẻ Đời sống 21/4, có bài viết: “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy”, của tác giả Nguyễn Văn Dũng (NVD), thật là hiếm hoi mới có dịp thấy được thấy một lần có bài tranh luận về chủ đề khoa học trên mặt báo chí. Tôi lấy làm thích thú, hào hứng để đọc bao nhiêu thì nỗi buồn thất vọng sau khi đọc xong bấy nhiêu; không vì chất lượng bài viết mà vì thái độ của người viết.
Toát lên trong bài, tôi cảm nhận một lối văn phong hằn học, có tính xỉ vả cá nhân của ông NVD đối với hai tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Lê Đình Phương thì nhiều mà lại không đi vào bàn nội dung của hai tác giả này muốn trình bày. Đại ý ông là hai tác giả này không có chuyên môn gì về “chuyên khoa vệ sinh dịch tễ” nên không được nêu ý kiến của mình về chuyên ngành đó. Tiếc thay, NVD là người làm khoa học với bằng “chuyên khoa về vệ sinh dịch tễ” như ông ấn ký cuối bài viết, lại ghét/và phản học thuật và khoa học đến như vậy!
Ông NVD không hề chỉ ra trong bài viết của tác giả Nguyễn Văn Tuấn là lỗi lầm ở đâu, sai chỗ nào; ông cũng không chỉ ra điểm nào của tác giả Lê Đình Phương nêu lên là điểm “không đáng tranh luận để đăng trên báo chí” và tại sao lại như vậy, rồi chẳng biết với tư cách gì (mà tôi tin là không có một ai được có tư cách và quyền hạn đó) lại cấm người khác “không được tuỳ tiện phát ngôn”! Tôi đang có cảm tưởng rằng khoa học và những người làm khoa học của chúng ta đang bị nhốt trong một cái rọ quyền hạn và pháp chế bất thành văn.
Bất kỳ ai, chứ không cứ gì là nhà khoa học và phải có bằng chuyên ngành mới có quyền phát biểu và phê phán về một luận điểm chuyên môn hay khoa học, miến rằng những phát biểu và luận điểm họ trình bày đó có tính thuyết phục, có bằng chứng và biện chứng. Phát biểu đó có thể phù hợp hay không phù hợp với kiến thức, các khuyến cáo chuyên môn hiện hành; phát biểu đó có thể đúng hoặc không đúng, chính xác hoặc không. Và cũng tương tự như thế, ai cũng có quyền phê phán luận điểm đó.
Không những ông NVD trong bài viết của mình đã không chỉ ra được điểm sai nào của hai tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Lê Đình Phương về mặt học thuật cũng như lý luận, lại quay sang công kích và lại “ra lệnh” cho người khác. Đó là những hành vi phản khoa học và thiếu tôn trọng người đọc cũng như người đối thoại, nếu không nói là trịch thượng. Không những thế, với chuyên môn về “Vệ sinh dịch tễ” của mình, ông Nguyễn Văn Dũng lại rao giảng những kiến thức về bệnh dịch hụt hẫng của ông.
Trong bài viết của ông NVD có đoạn: “Thưa ông Tuấn, ông nên biết rằng, trong việc giám sát các véctơ truyền bệnh, ngành y bất cứ lúc nào cũng phải làm các chỉ tiêu chỉ điểm vệ sinh trước và khi sự phơi nhiễm đã rõ ràng thì có thể làm thêm xét nghiệm tìm vi khuẩn gây bệnh để xác định nguồn bệnh, thực phẩm nguyên nhân. Trong các vi khuẩn chỉ điểm nhiễm bẩn phân người và gia súc, các vi khuẩn Streptacoccus và Staphilltacoccus [là vi khuẩn gì? Có lẽ Staphylococcus] là chỉ điểm môi trường mới ô nhiễm, còn E.Coli chỉ điểm nhiễm bẩn phân đã xảy ra được ít lâu (vi khuẩn này có tuổi thọ như đa số vi khuẩn gây bệnh cùng trong môi trường tương đương), và vi khuẩn Cl.Perfringens là chỉ điểm nhiễm bẩn phân xảy ra đã lâu nếu không còn dương tính với các vi khuẩn trước đó. Do đó việc nhận định nguy cơ nhiễm bẩn phân (không phải khẳng định, xác định) trong đất, nước, thực phẩm, dụng cụ, bàn tay, đồng tiền... thông qua chỉ tiêu E.Coli là một kiến thức cơ bản, kinh điển”.
Như vậy ông NVD cho rằng là nguồn bệnh của “dịch tiêu chảy cấp” đã và đang hoành hành là chưa rõ ràng, thực phẩm nguyên nhân cũng chưa tìm thấy nên phải đi tìm. Theo tôi, đó là những việc làm quá mức không cần thiết và trệch hướng trong quy trình chống dịch tả hiện nay.
Thứ nhất, chính vì lẽ định danh bệnh không rõ ràng nên chúng ta vẫn cứ loanh quanh trong việc đi xét nghiệm đại trà mẫu thực phẩm và cả tiền để tìm nguyên nhân gây bệnh, mà nguyên nhân thì đã sờ sờ ra đấy.
Trong vòng 6 tháng qua, Hà nội và một số tỉnh thành ở miền bắc Việt nam đã trải qua vài đợt tiêu chảy phân nước cấp tính mà nguyên nhân chính phải được xác định là do vi trùng tả, và các đợt dịch đó đều là dịch tả. Vì một lẽ rằng có rất nhiều loại vi trùng có thể gây tiêu chảy phân nước cấp tính, nhưng trong đó chỉ có vi trùng tả mới là vi trùng gây tiêu chảy cấp tính nguy hiểm nhất cho người bệnh và lây lan trong cộng đồng. Một khi đã xác định được ít nhất có một trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do tả, thì đợt dịch đó cần phải định danh là dịch tả và tất cả mọi bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy cấp nằm trong vùng địa dư có dịch phải được điều trị như tả. Bởi vì điều trị và kiểm soát bệnh nhân cũng như môi trường theo quy trình bệnh Tả là một quy trình phòng chống bệnh lây nhiễm theo đường nước qua phân nghiêm ngặt nhất, cấp bách và bức thiết nhất, nó bao trùm lên mọi nguyên nhân gây tiêu chảy phân nước cấp tính.
Việc xác định vi khuẩn nguyên nhân trong một vụ dịch tiêu chảy, đặc biệt là tả chỉ có ý nghĩa trong đầu vụ dịch hoặc nơi mới khởi phát một ổ dịch. Việc khu trú khu vực truy tìm nguyên nhân cũng phải theo dấu vết dịch tễ có liên quan trực tiếp với người bệnh đó mà thôi. Một khi bệnh tả đã lây lan sang nhiều người khác và trong cộng đồng thành dịch thì việc xét nghiệm tìm kiếm sự có mặt của vi khuẩn tả trên diện rộng là điều tốn kém và không cần thiết, và Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) cũng khuyến cáo như vậy. Bởi một lẽ, vi khuẩn ta lây lan theo nguồn nước qua phân người bị nhiễm bệnh thải ra ngoài và sẽ hiện diện bất cứ nơi nào nước bị nhiễm có thể đến được, ngoài ra nó còn được phát tán thông qua ruồi nhặng và đại đa số những người nhiễm tả mà không mắc bệnh.
Lý lẽ phải đi tìm nguyên nhân và nguồn nhiễm bệnh chính (theo ông NVD) có thể là vì chỉ có trên dưới 300 người bệnh có tìm thấy vi khuẩn tả trong số trên dưới 2000 người bị mắc bệnh. Nhưng trong y văn từ trước tới nay cũng chưa có gì thay đổi là chỉ khoảng 15% số người bị bệnh tả khi xét nghiệm có vi khuẩn tả. Hơn nữa, cũng chỉ có 30% số người nhiễm vi khuẩn tả bị tiêu chảy mà thôi. Vậy thì hà cớ gì phải mất công mất sức đi tìm những nguyên nhân có khả năng gây tiêu chảy phân nước cấp tính khác (không có điều trị và phòng chống đặc hiệu hoặc khẩn cấp) một khi đã tìm được nguyên nhân tả.
Cũng nên biết rằng, vi khuẩn kể cả loại gây bệnh và không gây bệnh đều hiện diện khắp nơi trong môi trường, kể cả trên da con người. Nhưng cần phải xác định một điều rằng, chỉ có một số rất ít loại vi trùng (tính cả ký sinh trùng) mới có khả năng gây tiêu chảy cấp tính thành dịch lan toả và cần phải có điều trị đặc hiệu. Sự hiện diện của nhiều vi khuẩn có khả năng gây bệnh như ông NVD nêu lên trong các mẫu xét nghiệm thực phẩm hay vật dụng một các đại trà và ngẫu nhiên đó nó không là một chỉ số dịch tễ học để phản ánh hoặc chỉ điểm được cho một loại bệnh lý đặc thù nào trong vụ dịch cả. Đó là chưa kể về một mối liên hệ có tính hữu cơ và sinh học giữa nguồn bệnh và người bệnh, mà các kết quả xét nghiệm đó không bao giờ trả lời được.
Và vì lẽ đó tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của hai ông Nguyễn Văn Tuấn và Lê Đình Phương bàn về sự sai lệch và đánh đồng nguyên nhân trong cách thức phòng chống dịch tả như hiện nay.
Tiếp theo đó, ông Nguyễn Văn Dũng nhận xét: “Trong khi dịch tiêu chảy cấp đã lan rộng, mầm bệnh gây dịch phát tán khắp nơi trong tất cả các môi trường, các bề mặt của mọi thứ có thể là trung gian truyền bệnh thì mọi biện pháp nhằm "bao vây, dập tắt dịch" trong thời điểm này đều đúng, dù phải trả giá ở khía cạnh nào đó. Ví dụ việc dẹp chợ ở Văn Chương và tẩy uế hồ Linh Quang ở khu vực này bằng hóa chất có thể để lại hậu quả về môi trường sau này hay việc quy định tạm ngừng kinh doanh, sử dụng mắm tôm, rau sống trong khi dịch lưu hành là rất cần thiết, nhằm hạn chế tối đa những tổn thất đối với sức khỏe con người. Tại sao ông Tuấn lại quy ngành y tế "tập trung vào E.Coli là một sai lầm" còn BS. Lê Đình Phương lại tranh luận "Tiền là thủ phạm lây lan tiêu chảy cấp" một cách hồ đồ như thế?”
Tôi không bàn đến những bất cập và luẩn quẩn hiện nay trong cách thức phòng chống dịch tả của giới chức thẩm quyền ở Việt nam hiện nay, chỉ xoay quanh những điểm ông NVD nêu lên. Chính sự luẩn quẩn trong việc định danh tên dịch bệnh mà cách thức phòng chống bệnh không triệt để và đúng bản chất của bệnh dịch.
Nếu xác định dịch này là dịch tả, thì phải xác nhận một điều rằng nguồn phát tán vi trùng Tả nguy hiểm nhất, chính là từ chất thải của bệnh nhân và những người bị nhiễm vi trùng tả mà không mắc bệnh. Phương tiện để vận chuyển số lượng bội vi trùng Tả đó đến để lây lan cho người khác, cộng đồng khác, vùng địa dư khác đó chính là nước. Thông qua các phương tiện trung gian như ruồi nhặng, vật dụng và tay người, vi trùng tả đi vào miệng để vào đường tiêu hóa.
Thực phẩm nói chung là nguồn trung gian đến con người, và bất cứ loại thực phẩm nào, kể cả nấu chin, đun sôi nếu không ăn uống ngay với phương thức hợp vệ sinh, về mặt lý thuyết đều có thể nhiễm hoặc tái nhiễm vi trùng tả. Chính vì lẽ đó không thể và không có cách thức nào triệt để loại bỏ mầm bệnh tả nếu nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm không được thanh tẩy. Và cũng chính vì thế không thể cấm người sử dụng không được sử dụng loại thực phẩm nào mà chỉ có thể có lời khuyên không nên sử dụng thức ăn chưa được nấu chin mà thôi. Nếu biết đó là dịch tả, thì việc “ngăn sông cấm chợ” là điều hoàn toàn vô lý và bất khả.
Không ai phủ nhận được rằng vệ sinh thực phẩm là một khâu quan trọng trong vai trò trung gian cuối cùng trong khâu truyền bệnh nhưng đối với dịch tả, nhưng trên hết vẫn là nguồn nước và môi trường. Nếu nước sạch, môi trường không có vi trùng tả, kiểm soát triệt để nguồn thải vi trùng tả thì chẳng có thực phẩm nào nhiễm tả, thì việc đi tìm các vi trùng “chỉ tiêu chỉ điểm vệ sinh trước và khi sự phơi nhiễm đã rõ ràng” chẳng có tác dụng và chẳng có ý nghĩa gì cả! Dĩ nhiên, khâu an toàn vệ sinh thực phẩm là một điều bắt buộc và là một việc làm có tính chất dài hạn và nhất quán chứ không phải là chuyện “nước đến chân mới nhảy như hiện nay, đi kiểm tra đại trà, đóng cửa đại trà các hàng quán (nếu mất vệ sinh thì vốn tất cả đã mất vệ sinh từ bao đời nay chứ đâu phải vì mới mấy tháng nay để trở thành nguyên nhân gây dịch “tiêu chảy cấp nguy hiểm”!) nhằm để “diệt dịch”.
Việc xét nghiệm đại trà các mẫu thực phẩm, dù có phát hiện được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như ông NVD đề cập thì nó chẳng có mối liên hệ trực tiếp nào đến với đợt dịch tiêu chảy cấp mà đã xác định được nguyên nhân là tả cả. Và rõ ràng rằng, các vi khuẩn đã tìm thấy trên, ngoài tả, không có vi khuẩn nào trong số đó có khả năng gây tiêu chảy cấp thành dịch lan toả ở Hà nội và các tỉnh thành ở miền Bắc Việt nam trong 6 tháng qua cả.
Cho nên khuyến cáo “mọi biện pháp nhằm "bao vây, dập tắt dịch" trong thời điểm này đều đúng, dù phải trả giá ở khía cạnh nào đó” như ông NVD là quá bất hợp lý và thể hiện sự bất lực trong chuyên môn và có phần né tránh trách nhiệm cúa các giới chức thẩm quyền.
Nếu phát biểu như ông Nguyễn Văn Dũng, tôi thiết nghĩ, lẽ ra ông nên đề nghị rõ ràng và cụ thể hơn là: “Trong khi dịch tiêu chảy cấp đã lan rộng, mầm bệnh gây dịch phát tán khắp nơi trong tất cả các môi trường, các bề mặt của mọi thứ có thể là trung gian truyền bệnh Cấm lưu hành, sử dụng tiền tệ; cấm kinh doanh thực phẩm, nhà hàng và cấm ăn uống nhằm hạn chế tối đa những tổn thất đối với sức khỏe con người!”
Ông Dũng cũng bàn về chuyện mắm tôm. Ông có viết: “Vấn đề là mắm tôm có gây tiêu chảy cấp hay không chứ không chỉ là bệnh tả!” Tôi thấy ông lạc đề và đặt vấn đề không chính xác. Từ trước đến nay, nếu không có chuyện dịch tả, thì chắc mắm tôm sẽ không bị “dày vò thân xác” đến như vậy. Cũng từ đầu vụ dịch đến nay, tất cả các giới chức thẩm quyền y tế đều xoáy vào chuyện “mắm tôm là thủ phạm gây bệnh tả”. Vậy thì câu trả lời cần phải nói rõ cho dân chúng biết: “Mắm tôm có phải là môi trường dung dưỡng và trung chuyển truyền bệnh tả hay không?”
Không có câu trả lời về dịch tễ học, đã thế ông NVD lại đi vào phân tích và đưa ra những giả định về sinh học để truy buộc cho mắm tôm. Đó là việc làm phi khoa học và có tính cách truy bức dữ kiện!
Ông có đề cập đến việc 100% mẫu mắm tôm xét nghiệm tuy âm tính với vi khuẩn tả nhưng có sự có mặt của của vi khuẩn chỉ điểm nhiễm bẩn phân. Có nhiễm vi khuẩn tả thì nói có, không thì bảo không, chứ không thể đi tìm vi khuẩn tả, rồi lại vấy sang nhưng mà cũng có nhiễm vi khuẩn “chỉ điểm nhiễm bẩn phân” là một sự bất cập trong khoa học. Thế nhưng quan trọng hơn, liệu những con số đó có trả lời được câu hỏi về một mối liên hệ đến một vụ dịch tiêu chảy, hoặc một đầu mối căn nguyên của một dịch tiêu chảy nào không? Câu trả lời chắc chắn là không.
Theo dõi thông tin về dịch tả ở Việt nam đã thấy buồn, đọc những điều được viết ra từ một chuyên viên Vệ sinh dịch tễ lại thấy buồn hơn về một tinh thần khoa học và tinh thần khoa học vì cộng đồng, có lẽ nó vẫn còn trong giấc mơ của người dân Việt nam.
22/4/2008