NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Cập nhật về vấn đề Điều trị

Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)

Nguyễn Đình Nguyên

Một cách vắn tắt, chứng bất toàn tạo sinh xương (có người gọi là hội chứng xương bất toàn, hay tiếng Anh là Osteogenesis imperfecta (OI)), sẽ viết tắt là OI, tức là hệ xương không đường hình thành một cách hoàn hảo như bình thường. Người bệnh mắc chứng này là do tình trạng đột biến di truyền trong cấu trúc có vai trò làm cho xương có khả năng chịu lực. Do vậy khi bị bệnh thì xương không có độ bền dẻo nữa mà lại giòn và vì thế mà xương rất dễ biến dạng và gãy ngay khi không có sang chấn hoặc sang chấn rất nhẹ như ho, hắt hơi, vỗ vai....Cũng vì thế mà còn gọi nôm na là "xương thuỷ tinh" để chỉ bệnh này. Về phía di truyền nếu một trong hai cha mẹ bị chứng này, thì xác suất 50% con của cặp bố mẹ này bị bệnh. Tuy nhiên mức độ gãy và độ trầm trọng có thể khác. Cũng có các trường hợp cha mẹ hoàn toàn bình thường nhưng vẫn có con bị bệnh vì như đã nói trên bệnh do đột biến di truyền tức là mới phát sinh ngay trong cấu trúc di truyền của đứa con.

Về mặt dịch tễ học, OI là một rối loạn xếp vào bệnh hiếm gặp (Theo tiêu chuẩn ở Mỹ, một loại bệnh hiếm gặp ở Mỹ là bệnh có số người mắc bệnh này dưới 200 000, trong khi đó tiêu chuẩn của châu Âu quy định bệnh hiếm gặp là bệnh có tần suất dưới 1/2000).  Tạo Mỹ, hiện nay có khoảng 20000 đến 50000 người mắc chứng bệnh OI [1].  Tỷ lệ mắc hàng năm của chứng bệnh này ở Mỹ vào khoảng 0.01% [2].

Về mặt bệnh lý học, thì do thương tổn gene chịu trách nhiệm sản xuất một thành tố quan trọng có trong các mô liên kết của cơ thể đó là collagen.  Collagen có vai trò làm kết dính, tạo độ bền cho những cấu trúc có hình dạng của cơ thể như khung xương, nhãn cầu; nói một cách nôm na đó là bộ khung của các cấu trúc.  Trong chứng OI, thì người bệnh hoặc có ít collagen hơn người bình thường hoặc có đủ nhưng collagen không đủ chất lượng.

Trên lâm sàng, bệnh bất toàn trong tạo sinh xương được chia làm bốn thể, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số các biểu hiện hoặc hội chứng khác cũng có thể có OI đi kèm thí dụ như tầm vóc nhỏ, các hội chứng như mặt tam giác, các rối loạn về hô hấp, hoặc kém thính giác. Mỗi một cá thể bị OI có thể có những biểu hiện lâm sàng khác đi kèm. Về hình thái, chứng bất toàn trong tạo xương, phổ biến và được chấp nhận rộng rãi là có 4 thể [3], có tính cách tương đối:

Loại I: Đây là dạng hay gặp nhất và nhẹ nhất trong bệnh OI. Chất collagen trong trường hợp này bị thiếu hụt (hay gặp) hoặc đủ số lượng nhưng kém chất lượng.  Xương bị gãy trong thể bệnh này dễ chữa hơn các thể khác. Gãy xương thường xuất hiện trước tuổi dậy thì. Thể bệnh này thường có tầm vóc bình thường hoặc tương đối như bình thường.  Có biểu hiện yếu dây chằng khớp, và trương lực cơ cũng yếu làm cho sự di chuyển của bệnh nhân có thể khó khăn. Một số trường hợp có biểu hiện có vết xanh thâm hay tím ở tròng trắng của mắt. Bệnh nhi có thể có khuôn mặt hình tam giác. Cột sống có thể cong.  Có thể dễ bị gãy răng.

Loại II:  Là thể loại nặng nhất của chứng OI, bệnh nhân tử vong ngay sau sinh hoặc chỉ sống được một thời gian ngắn sau khi chào đời do rối loạn hô hấp.  Nhờ tiến bộ của kỹ thuật, hiện nay nhóm bệnh nhân này có thể sống đến tuổi vị thành niên. Gãy nhiều xương, biến dạng xương nặng. Tầm vóc thấp bé đi kèm với thiểu năng hô hấp.

Loại III: Cũng là một dạng tạo collagen không thích hợp thường là gây nên tình trạng biến dạng xương nặng. Trẻ thường sinh ra xương đã gãy. Lòng trắng mắt có thể quá trắng hoặc có màu xanh hoặc màu xám. Bệnh nhân mắc OI loại III thường có tầm vóc thấp, có các biến chứng bề hô hấp, rối loạn về răng. Có thể giảm chức năng nghe.

Loại IV: Là dạng nặng trung bình về rối loạn tạo collagen, giữa các mức độ I, II và III. Các xương dễ bị gãy. Một số bệnh nhân có thể có tầm vóc thấp hơn bình thường và có thể có rối loạn ở răng. Các xương bị biến dạng ở mức nhẹ đến trung bình.

Tuy nhiên hiện nay cũng đã có đến loại V, VI, và VII [4-6].  Như vậy, về mặt mức độ từ nhẹ đến nặng trên lâm sàng được xếp như sau:

Loại I (nhẹ nhất)  < IV, V, VI, VII < loại III < loại II (nặng nhất)

Trong thời kỳ mẹ mang thai, siêu âm có thể phát hiện được các trường hợp bệnh nặng.  Hoặc xét nghiệm di truyền có thể nhận dạng được tình trạng đột biến của gen. Trong nhiều trường hợp, các xương gãy gần như tự nhiên hoặc do sang chấn tối thiểu, là một dấu hiệu chỉ điểm của OI.

 Loại V: Biểu hiện lâm sàng như loại IV, chẩn đoán bằng sinh thiết xương

Loại VI: Biểu hiện lâm sàng như các thể trung bình đến nặng. Ngoài ra còn có tăng một loại biểu thị tố luân chuyển xương (bone turnover marker) là alkaline phosphatase.

Điều trị:

Cho đến hiện nay, chứng bất toàn trong tạo sinh xương vẫn được xem là một rối loạn di truyền không thể chữa khỏi được.  Lý do là chưa có thể thay thế lại được cấu trúc của chất collagen trong cơ thể cũng như hiện nay chưa có phương thức nào kích thích cho cơ thể tăng tổng hợp số lượng collagen. Phương pháp can thiệp vào cấu trúc di truyền vẫn là một thiết kế trong ý tưởng.

Vì thế, hiện nay vấn đề đặt ra là quản lý bệnh nhân như thế nào, và giúp cho bệnh nhân giảm thiểu tai biến gãy xương đến mức có thể chứ không đặt nặng vấn đề chữa khỏi.  Điều trị phải dựa trên từng bệnh nhân tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và tuổi tác của bệnh nhân. Điều trị bệnh này phải có sự phối hợp của một đội ngũ các thầy thuốc các chuyên khoa, vật lý trị liệu, y tá chuyên ngành, nhân viên y tế cộng đồng.

Nguyên tắc trị liệu bao gồm:

-         Tối ưu hoá chức năng của bộ xương

-         Tối thiêu hoá các biến dạng và sự tàn phế

-         Hỗ trợ và phát triển kỹ năng sinh tồn độc lập của người bệnh

-         Duy trì sức khoẻ toàn trạng, điều trị vật lý

Hầu hết các trị liệu áp dụng cho bệnh nhân OI là trị liệu không can thiệp phẫu thuật kể cả xương bị gãy. Bó bột, bất động, nẹp cố định là những biện pháp áp dụng để chữa gãy xương trong OI. Tuy nhiên việc bất động trong trị liệu này cũng gây ra nguy cơ là làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác cũng như tăng nguy cơ gãy xương thêm. Do đó việc cố định xương trị liệu phải kết hợp với vận động và vật lý trị liệu ngay sau đó để giảm thiểu các nguy cơ khác phát sinh.

Tuy hiếm, nhưng phẫu thuật cũng có thể áp dụng trên những xương bị gãy đi gãy lại nhiều lần, biến dạng nặng. Trong những trường hợp đó thường là đóng đinh để cố định xương, nhưng phức tạp là cần phải có tái phẫu thuật để thay đinh cho phù hợp với tuổi lớn của trẻ.

Hoá dược điều trị chứng bất toàn trong tạo xương:

Đây có lẽ là vấn đề nóng bỏng nhất trong phương thức trị liệu hội chứng bất toàn trong tạo sinh xương.  Như đã đề cập ở trên, mục đích tìm kiếm một hoá trị liệu hiện nay không nhằm để sửa chữa được khả năng sản xuất chất collagen của cơ thể mà là nhằm vào việc làm gia tăng sức bền của xương cũng như cải thiện tầm vóc cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nhiều loại thuốc được dùng để điều trị cho bệnh nhân bệnh OI gần như là không đạt được một kết quả khả quan nào. Một nghiên cứu tổng hợp [7] đánh giá hiệu quả điều trị của khoảng 20 loại thuốc khác nhau bao gồm các nhóm hormone, vitamin, khoáng chất và một số hoá chất ngoại sinh, nhưng hầu như không có loại nào chứng tỏ là hiệu quả sau một thời gian điều trị. Các loại thuốc này là: calcitonin, cortisone,  oestrogens, androgens, thyroxine; các vitamin A, C và D; aluminium, calcium, fluoride, magnesium, phosphate và strontium; arsenic, các chất phóng xạ, acid HCl pha loãng và chiết xuất từ xương bò con.

Sử dụng nội tiết tố (hormone) tăng trưởng

Vấn đề tầm vóc của bệnh nhân trong bệnh OI là một vấn đê nghiêm trọng, vì các thể trung bình đến nặng, bệnh nhân đều có tầm vóc rất thấp. Cho đến nay khoa học cũng chưa tìm được lý do tại sao.  Thế nhưng, về mặt sinh lý học, một loại hormone gọi là hormone tăng trưởng (growth hormone) nó đóng vai trò giúp cho cơ thể phát triển chiều cao đặc biệt trong giai đoạn dậy thì.  Cho nên các nhà khoa học hướng đến việc thử nghiệm sử dụng chất này cho những bệnh nhân OI có tầm vóc thấp.

Cho đến hiện nay, việc sử dụng hormone tăng trưởng đối với chứng OI vẫn còn đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 2 (Mỗi một quy trình thử nghiệm lâm sàng phải trải qua 4 giai đoạn), tức là quy mô nghiên cứu mở rộng hơn, số lượng đối tượng nghiên cứu lớn hơn, từ 100-300 người, và nghiên cứu không chỉ dừng lại ở tác dụng mà còn nghiên cứu độ an toàn, tác dụng phụ của thuốc. Kỳ thực giai đoạn 2 của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của hormone tăng trưởng chỉ mới trong giai đoạn trứng nước, có nghĩa là vẫn còn đang tìm kiếm đối tượng bệnh nhân tình nguyện (đủ tiêu chuẩn nghiên cứu) tham gia nghiên cứu.

Thế nhưng, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sử dụng hormone tăng trưởng giai đoạn 1 cũng không cho một kết quả nào khả quan hơn. Trong một nhóm có 22 trẻ (13 trai, 9 gái) bị OI đang tuổi dậy thì [8], 10 trẻ bị OI loại III, 10 loại IV và 2 trẻ bị loại I.  Thử nghiệm lâm sàng này đặt ra nhiều mục tiêu, như xem các trẻ  bị OI có bị thiếu hụt hormone tăng trưởng không, chúng có đáp ứng với kích thích tăng hormone không và xem có đáp ứng với điều trị bằng hormone tăng trưởng không.  Nhưng đối với  mục tiêu đánh giá tác động của hormone tăng trưởng thì chỉ mới tiến hành ở mức độ thử nghiệm tiên phong (pilot), tức là chỉ nghiên cứu trên một nhóm ít bệnh nhân xem nó có kết quả hứa hẹn gì không;  thì nghiên cứu tiên phong này chỉ có 7 trẻ, một sử dụng hormone tăng trưởng ngoại sinh và 6 trẻ được dùng clonidine, trong một thời gian 6 tháng. Kết quả sau đó cho thấy 1 trẻ dùng hormone tăng trưởng ngoại sinh và 3/6 trẻ còn lại có tăng chiều cao trung bình 4.7cm/năm so với tỷ lệ tăng trưởng của trẻ trước điều trị.  Như vậy có nghĩa là cũng chỉ có một vài trẻ có đáp ứng tăng trưởng chiều cao trong một thời gian theo dõi, một vài thì không; còn về lâu về dài thì không rõ. Chính vì vậy mà thử nghiệm lâm sàng dùng hormone tăng trưởng nhằm để cái thiện chiều cao của trẻ bị chứng bất toàn trong tạo sinh xương vẫn còn đang tiếp tục với số lượng bệnh nhân nghiên cứu lớn hơn và với thời gian theo dõi dự kiến sẽ lâu hơn.

Việc sử dụng hormone tăng trưởng có thể đạt kết quả tốt hơn khi kết hợp với thuốc chống huỷ xương nhóm bisphosphonates, nhưng vẫn còn đang trên con đường tìm tòi và thử nghiệm.

Sử dụng thuốc ngăn cản quá trình huỷ xương

Trong những năm cuối XX và đầu XXI, một trong những thử nghiệm hoá dược trong điều trị OI được coi là hứa hẹn nhất hiện nay đó là sử dụng thuốc ngăn cản quá trình huỷ xương (antiresorption agent) nhóm bisphosphonates, mà thuốc chủ yếu là pamidronate. Từ 1997, có tất cả 18 nghiên cứu quan sát sử dụng bisphosphonates điều trị trong bệnh OI, số lượng bệnh nhân trong một nghiên cứu ít nhất là 4 [9] và nhiều nhất là 165 [10]; trong số đó có 15 nghiên cứu sử dụng pamidronate.

Đặc điểm nổi bật cần chú ý trong các nghiên cứu này là:

-         Tất cả các nghiên cứu này đều không phải là các thử nghiệm lâm sàng (bằng chứng có giá trị cao nhất trong bậc thang giá trị khoa học) mà chỉ là các nghiên cứu quan sát (chỉ có giá trị gợi ý nhất định).

-         Pamidronate truyền tĩnh mạch là chủ yếu.

-         Tuổi nghiên cứu của bệnh nhân dao động khá rộng giữa các nghiên cứu, nhưng đa số là tuổi nhỏ đến vị thành niên.

-         Thời gian theo dõi trung bình là khoảng 1 đến 3 năm.

-         Đối tượng nghiên cứu là các bệnh nhân mắc OI thể trung bình nặng đến nặng.

Hiệu quả tác dụng của điều trị (dùng pamidronate truyền tĩnh mạch) không đồng bộ giữa các nghiên cứu quan sát này, và hiệu quả cũng không xảy ra ở đại đa số bệnh nhân trong mỗi nghiên cứu: có biểu hiện giảm đau sau vài tuần điều trị [9-14], có cảm giác khoẻ khoắn hơn [15], tăng lực cơ [16]. Một số các nghiên cứu cho thấy mật độ xương đốt sống tăng hơn những bệnh nhân không được điều trị [11, 15, 17-19]. Và cũng nên nhắc lại rằng, các triệu chứng này chỉ là kết quả của các nghiên cứu quan sát; chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai và bị chi phối bởi các yếu tố gây nhiễu khác, mà bản chất của một nghiên cứu quan sát không cho phép kiểm soát để có câu trả lời thoả đáng. Nhưng dù sao cũng là những điểm nên ghi nhận để kiểm chứng.

Trong điều trị bệnh OI, mục tiêu tối hậu là làm giảm tỷ lệ gãy xương, ngăn cản quá trình làm biến dạng các xương dài gây ra gù vẹo cột sống cũng như cong vẹo chi, và cải thiện chức năng phụ thuộc vào khung xương (hô hấp, vận động). Thế nhưng các nghiên cứu về vấn đề mấu chốt này lại rất hiếm hoi [20]. Thực tế, mới chỉ có hai nghiên cứu đề cập đến vấn đề hậu quả gãy xương của OI [11, 16].  Hai nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trong số các bệnh nhân dùng pamidronate thấp hơn so với những bệnh nhân không dùng. Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối nhiều yếu tố tác động đến tỷ lệ gãy xương như tuổi tác chênh lệch giữa hai nhóm, can thiệp điều trị khác (như phẫu thuật, vật lý trị liệu) giữa hai nhóm khác nhau cũng như các đặc tính khác mà trong nghiên cứu quan sát không có khả năng điều chỉnh [20]. Chỉ có một nghiên cứu [11] trong số hai nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân dùng pamidronate thấp hơn so với số bệnh nhân không dùng. Thế nhưng tỷ lệ tử vong giảm này chỉ có một phần là do tác dụng của pamidronate mà thôi. Cho đến hiện nay, chưa có câu trả lời, liệu pamidronate có tác dụng phòng ngừa biến dạng xương dài hay di chứng gù vẹo hay không so với những bệnh nhân cùng điều kiện bệnh lý mà không dung thuốc [20].

Trong khi hiệu quả của việc sử dụng pamidronate điều trị bệnh nhân OI còn chưa ngã ngũ và chưa có bằng chứng đáng tin cậy thì không ít các tác dụng phụ cũng xày ra, chủ yếu ở bệnh nhi và vị thành niên (đối tượng chủ yếu cần điều trị OI). Tai biến sớm trong điều trị pamidronate là giảm nồng độ calcium huyết thanh. Nhiều bệnh nhân khác có biểu hiện như cúm.

Điều đáng ngại nhất của việc sử dụng nhóm bisphosphonates trong điều trị OI là tai biến về xa. Do đặc điểm của bệnh là bệnh di truyền, do đó điều trị không thể nhất thời mà phải điều trị dài hạn. Thế nhưng cho đến hiện nay, giới chuyên môn lo ngại tác hại khi sử dụng bisphosphonates lâu dài [21]. Về cơ chế, các loại bisphosphonates là thuốc chống quá trình huỷ xương, làm giảm tình trạng thủng nát bè xương, và trong quá trình đó chúng ức chế các biểu tố luân chuyển xương (bone turnover markers), hậu quả gây tăng quá trình khoáng hoá và tích luỹ các vi tổn thương.  Chính quá trình khoáng hoá làm cho xương trở nên dòn hơn.  Điều này đã được minh chứng thông qua đo các yếu tố cơ sinh của xương [22].  Một khi quá trình huỷ xương bị ức chế mạnh thì nó sẽ gây hiệu ứng ngược, ngăn cản quá trình sửa chữa các thương tổn vì không có hoạt động của huỷ cốt bào. Trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật cho thấy dùng bisphosphonates liều cao gây ra sự tích tụ các vi thương tổn của xương [23]. Nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy dùng bisphosphonates gây ức chế phát triển xương dài [24]. Về nguyên lý sinh học, quá trình tái cấu trúc xương có lẽ là quá trình loại bỏ những vi thương tổn của xương cũ và thay thế chất xương mới vào. Nếu quá trình này bị dừng lại, thì thương tổn tích luỹ và cuối cùng thì làm cho xương yếu hơn [25].

Cho dù trên đây là những lập luận về mặt sinh học, cơ chế và những thực nghiệm.  Khoa học vẫn chưa có câu trả lời liệu tác dụng xấu đó có xảy ra trên cơ thể người hay không.  Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải biết để tìm hiểu thêm, nhất là đối với những bệnh nhân OI là đối tượng cần dùng thuốc kéo dài.

Tóm lại, cho đến hiện nay, vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời cho việc sử dụng pamidronate để điều trị bệnh nhân bất toàn trong tạo sinh xương [20]: Lợi ích lâu dài của pamidronate là gì? Thời gian sử dụng pamidronate là bao lâu để có thể đạt được kết quả tối ưu mà tác dụng phụ tối thiểu? Liệu thuốc có thể dùng được suốt đời không? Nếu không, điều gì sẽ phát sinh sau khi ngừng điều trị thuốc? Cùng là một nhóm bisphosphonates với nhau, hiện nay chỉ có pamidronate là được nghiên cứu nhiều hơn cả, vậy những loại khác cùng họ bisphosphonates mà giá thành rẻ hơn, liệu có hiệu quả như pamidronate không?

Các câu hỏi này chỉ có thể giải đáp được bằng các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được thiết kế công phu, kỹ lưỡng, mà trên hết là rất tốn kém.  Cho đến hiện nay, chưa có một thử nghiệm lâm sàng nào tiến hành nghiên cứu tác dụng của pamidronate đối với bệnh nhân bất toàn trong tạo sinh xương cả.

Các điều trị khác:

Một dạng điều trị khác được cho là có tiềm năng đối với bệnh nhân bất toàn trong tạo sinh xương đó là việc cấy tuỷ sử dụng tế bào bình thường hoặc thậm chí cả mô bào. Tuy nhiên các nghiên cứu này còn chỉ ở mới dạng phôi thai.

Việc tác động vào hệ thống di truyền chỉ huy việc sản xuất collagen là một vấn đề thiên nan vạn nan, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào sự tiến bộ nhanh của khoa học kỹ thuật.

Điều trị dự phòng

Tập thể dụng là biện pháp tốt để giúp cho người bệnh tăng cường độ chịu lực của xương và sức lực của cơ bắp, là các yếu tố giúp ngăn ngừa gãy xương.

Bơi lội có lẽ là một biện pháp tập luyện cơ xương khớp toàn thân tốt và thích hợp nhất đối với bệnh nhân mắc OI, vì vận động dưới nước ít bị nguy cơ gãy xương.  Đối với những người đi lại được thì đi bộ là một loại hình tập thể dục khá thích hợp. Tuy nhiên, với từng cá nhân, việc tư vấn với các chuyên gia về lý trị liệu và phục hồi chức năng chuyên khoa là cần thiết để có thể có từng mô hình tập luyện thích hợp cho từng cá nhân một. Điều này chỉ có thể thực hiện ở những nơi có đội ngũ chuyên môn chuyên khoa sâu, chuyên biệt hoá và nhân viên được huấn luyện kỹ về chứng bất toàn trong tạo sinh xương.

Duy trì trọng lượng cơ thể cũng là một yếu tố quan trọng, cho nên vai trò dinh dưỡng trong bệnh OI cần phải lưu tâm. Bệnh nhân cũng cần phải thực hiện một lối sống lành mạnh là không hút thuốc lá, tránh uống cà phê, rượu, tránh dùng các loại thuốc chống viêm có corticosteroid.

Nói tóm lại, bệnh bất toàn trong tạo sinh xương là một bệnh lý di truyền, gây hậu quả lên sức bền của khung xương nặng hay nhẹ tuỳ theo thể bệnh. Cho đến hiện nay,  vẫn chưa có phương thức điều trị triệt để.  Bệnh dù không thể chữa khỏi, nhưng vẫn có một số biện pháp quản lý nhằm hạn chế biến chứng của bệnh, làm giảm tần suất gãy xương cũng như cải thiện các chức năng khác của cơ thể.

Đặc biệt, gần đây trong nước rộ lên một số thông tin cho rằng: “Trong vài năm gần đây loại thuốc bisphosphnate pamidronate (biệt dược Aredia của hãng Novartis) được đưa vào sử dụng và đã đạt kết quả khả quan. Chế phẩm này làm tăng tỷ trọng xương, giảm số lần gẫy xương, giảm biến dạng xương và giảm triệu chứng đau xương một cách rõ rệt ở bệnh nhân” là một thông tin không đầy đủ, gây tình trạng sai lạc thông tin và gây hiểu nhầm. Cần phải thừa nhận, sử dụng pamidronate điều trị bệnh không phải là không có tác dụng nhưng những hiệu quả tác dụng đó còn rời rạc, không đủ bằng chứng và chưa thể áp dụng để điều trị đại trà cho bệnh nhân mà chỉ còn trong vòng nghiên cứu. Dẫu rằng việc điều trị đơn lẻ có ghi nhận được một số kết quả nào đó đi nữa thì cũng còn chứa nhiều yếu tố ngoại lai và ngẫu nhiên hoặc chỉ là một vài trường hợp lâm sàng đơn lẻ mà thôi. Đem kết quả trên các nghiên cứu quan sát, ít có giá trị khoa học, trên một nhóm nhỏ quần thể bệnh nhân đặc biệt để vào điều trị cho một bệnh nhân cụ thể  hoặc cho đại trà bệnh nhân với các mặt bệnh khác nhau và đặc điểm cá thể khác nhau là một suy diễn ngoại suy không có tinh khoa học, Cần phải nghiên cứu cẩn thận, trước khi cho bệnh nhân một niềm tin mà giá trị khoa học chưa được chứng minh đầy đủ, cũng như mức độ tác hại của thuốc chưa được hiểu rõ.  

Nằm trong chiến lược “Sức khoẻ con người 2010”, trong năm 2001, bộ Y tế Mỹ đã chi 1 triệu đô la cho chương trình hoạch định nghiên cứu 9 mục tiêu chuyên biệt đối với bệnh bất toàn trong tạo sinh xương, nhằm để hiểu rõ hơn cơ chế chuyển hoá các hoá sinh trong bệnh, cơ chế tác động của một số thuốc trong đó có bisphosphonates lên xương, về di truyền học.  Giới khoa học gia vẫn đang nổ lực nghiên cứu tìm ra phương thức khả quan hơn để kiểm soát và quản lý bệnh.

12/06-01/07

Ghi chú: Trong khuôn khổ bài viết trên thông tin đại chúng, chúng tôi lược bớt phần tài liệu tham khảo. Do đó bạn đọc muốn nghiên cứu sâu, xin liên lạc với tác giả để có thêm phần tài liệu tham khảo bổ sung (bằng tiếng Anh).

Tài liệu tham khảo:

 1.         National Institute of Health Osteoporosis and Related Bone diseases, What is Osteogenesis Imperfecta? at http://www.niams.nih.gov/bone, accessed Dec 18, 2006. (2006).

2.         McPhee SJ, Lingappa VR, Ganong WF, In "Pathophysiology of Disease: An Introduction to Clinical Medicine"  (4th ed.). McGraw-Hill Companies(2003).

3.         Sillence DO, Senn A, Danks DM, Genetic heterogeneity in osteogenesis imperfecta. J Med Genet. 16, 101-116 (1979).

4.         Glorieux FH, Ward LM, Rauch F, Lalic L, Roughley PJ, Travers R, Osteogenesis imperfecta type VI: a form of brittle bone disease with a mineralization defect. J Bone Miner Res. 17, 30-38 (2002).

5.         Glorieux FH, Rauch F, Plotkin H, Ward L, Travers R, Roughley P, Lalic L, Glorieux DF, Fassier F, Bishop NJ, Type V osteogenesis imperfecta: a new form of brittle bone disease. J Bone Miner Res. 15, 1650-1658 (2000).

6.         Ward LM, Rauch F, Travers R, Chabot G, Azouz EM, Lalic L, Roughley PJ, Glorieux FH, Osteogenesis imperfecta type VII: an autosomal recessive form of brittle bone disease. Bone. 31, 12-18 (2002).

7.         Albright JA, Systemic treatment of osteogenesis imperfecta. Clin Orthop Relat Res, 88-96 (1981).

8.         Marini JC, Bordenick S, Heavner G, Rose S, Hintz R, Rosenfeld R, Chrousos GP, The growth hormone and somatomedin axis in short children with osteogenesis imperfecta. J Clin Endocrinol Metab. 76, 251-256 (1993).

9.         Brumsen C, Hamdy NA, Papapoulos SE, Long-term effects of bisphosphonates on the growing skeleton. Studies of young patients with severe osteoporosis. Medicine (Baltimore). 76, 266-283 (1997).

10.       Rauch F, Plotkin H, Travers R, Zeitlin L, Glorieux FH, Osteogenesis imperfecta types I, III, and IV: effect of pamidronate therapy on bone and mineral metabolism. J Clin Endocrinol Metab. 88, 986-992 (2003).

11.       Glorieux FH, Bishop NJ, Plotkin H, Chabot G, Lanoue G, Travers R, Cyclic administration of pamidronate in children with severe osteogenesis imperfecta. N Engl J Med. 339, 947-952 (1998).

12.       Plotkin H, Rauch F, Bishop NJ, Montpetit K, Ruck-Gibis J, Travers R, Glorieux FH, Pamidronate treatment of severe osteogenesis imperfecta in children under 3 years of age. J Clin Endocrinol Metab. 85, 1846-1850 (2000).

13.       Rauch F, Plotkin H, Zeitlin L, Glorieux FH, Bone mass, size, and density in children and adolescents with osteogenesis imperfecta: effect of intravenous pamidronate therapy. J Bone Miner Res. 18, 610-614 (2003).

14.       Zeitlin L, Rauch F, Plotkin H, Glorieux FH, Height and weight development during four years of therapy with cyclical intravenous pamidronate in children and adolescents with osteogenesis imperfecta types I, III, and IV. Pediatrics. 111, 1030-1036 (2003).

15.       Astrom J, Beertema J, Reduced risk of hip fracture in the mothers of patients with osteoarthritis of the hip. J Bone Joint Surg Br. 74, 270-271 (1992).

16.       Montpetit K, Plotkin H, Rauch F, Bilodeau N, Cloutier S, Rabzel M, Glorieux FH, Rapid increase in grip force after start of pamidronate therapy in children and adolescents with severe osteogenesis imperfecta. Pediatrics. 111, e601-603 (2003).

17.       Zacharin M, Bateman J, Pamidronate treatment of osteogenesis imperfecta--lack of correlation between clinical severity, age at onset of treatment, predicted collagen mutation and treatment response. J Pediatr Endocrinol Metab. 15, 163-174 (2002).

18.       Giraud F, Meunier PJ, Effect of cyclical intravenous pamidronate therapy in children with osteogenesis imperfecta. Open-label study in seven patients. Joint Bone Spine. 69, 486-490 (2002).

19.       Lee YS, Low SL, Lim LA, Loke KY, Cyclic pamidronate infusion improves bone mineralisation and reduces fracture incidence in osteogenesis imperfecta. Eur J Pediatr. 160, 641-644 (2001).

20.       Rauch F, Glorieux FH, Osteogenesis imperfecta. Lancet. 363, 1377-1385 (2004).

21.       Srivastava T, Alon US, Bisphosphonates: from grandparents to grandchildren. Clin Pediatr (Phila). 38, 687-702 (1999).

22.       Currey JD, Effects of differences in mineralization on the mechanical properties of bone. Philos Trans R Soc Lond B Biol Sci. 304, 509-518 (1984).

23.       Mashiba T, Turner CH, Hirano T, Forwood MR, Johnston CC, Burr DB, Effects of suppressed bone turnover by bisphosphonates on microdamage accumulation and biomechanical properties in clinically relevant skeletal sites in beagles. Bone. 28, 524-531 (2001).

24.       Schenk R, Eggli P, Fleisch H, Rosini S, Quantitative morphometric evaluation of the inhibitory activity of new aminobisphosphonates on bone resorption in the rat. Calcif Tissue Int. 38, 342-349 (1986).

25.       Ott SM, Long-term safety of bisphosphonates. J Clin Endocrinol Metab. 90, 1897-1899 (2005).

 


"Ngộ độc " (nước) củ dền - nỗi oan Thị Kính - BS Nguyễn Đình Nguyên
5/6 mẫu thử nghiệm phân và thịt chó có nhiễm phẩy khuẩn Tả, rồi sao nữa?
Biểu tượng của ngành Y khoa -BS  Nguyễn Đình Nguyên
CHUỘT VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG NGHIÊN CỨU Y SINH HỌC
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Các biện pháp trước mắt để làm giảm nồng độ 3-MCPD trong sản phẩm nước tương chế biến bằng phương pháp thuỷ phân
Cúm lợn và những điều cần biết
Cúm lợn: Hướng dẫn thực hành và Tài nguyên thông tin dành cho bác sĩ lâm sàng
Cần phải tập trung vào việc khử trùng môi trường, nguồn nước uống và sinh hoạt
Di sản của chiến tranh: Thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa chất độc Da cam và dị tật bẩm sinh
Dinh dưỡng và tuổi Vị thành niên
Dịch cúm chim ở gia cầm - Vấn đề cần nhìn lại - Nguyễn Đình Nguyên
Dịch Tả có phải do ăn mắm tôm?
Giải pháp nào cho vấn đề "Tiền mất tật mang"?
Giải pháp nào cho vấn đề “Tiền mất tật mang”? - Nguyễn Đình Nguyên
HIỆN TƯỢNG “THỤT DẦU”
Hướng dẫn an toàn thực phẩm trong gia đình
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet)
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet) - BS Nguyễn Đình Nguyên (Úc)
Khiêu vũ và chóng mặt
Khoa học thiếu thông tin và thông tin thiếu khoa học
Lentine và sức khỏe con người
Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm - Nguyễn Đình Nguyên
Lợi ích của bũa ăn điểm tâm sáng - BS Nguyễn Đình Nguyên
Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm
Một số câu hỏi thông thường của bệnh tiêu chảy do Tả
NGUYEN DINH NGUYEN
Ngộ độc (nước) củ dền - nỗi oan thị kính
Nhân hai trường hợp tử vong do tiêm kháng sinh loại ceftriaxone tại BV Đa khoa Tây ninh
Phân tích cấu trúc di truyền DNA: ứng dụng trong Y pháp nhận dạng - BS NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN
Phương pháp chuẩn để kiểm định 3-MCPD trong nước tương và các sản phẩm nước tương có gia hương vị hoặc các nước chấm làm từ đậu nành ở New Zeland - Nguyễn Đình Nguyên
Phản hồi của Nguyễn Đình Nguyên về ý kiến của Phạm Văn Linh “Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học”
Sữa và Nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa
Tai biến hôn mê sau gây tê kết hợp tuỷ sống-ngoài màng cứng: Một báo cáo lâm sàng đầu tiên trên thế giới
Tai biến liệt mặt sau một phẫu thuật có gây mê
Thuốc rẻ cho người nghèo
Thông báo khẩn cấp của FDA đối với người tiêu dùng ở Mỹ về sản phẩm kem đánh răng nhập khẩu từ Trung quốc - Nguyễn Đình Nguyên
Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III
Tại sao bệnh Cúm không thanh toán được mà cũng không chữa được?
Tản mạn về về bài viết “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy” của tác giả Nguyễn Văn Dũng
Ung thư tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ gãy xương - BS Nguyễn Đình Nguyên
Vaccine phòng chống cúm gia cầm A(H5N1) ở người, hứa hẹn?
Vài nét về Vi rút Cúm lợn (heo) (Swine influenza virus)
Vàng nhân não: Biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, nhưng có thể phòng ngừa được
Vì  sức khỏe người dân hay vì  sợ dư luận?
Vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR-II: tiêm dưới da hay tiêm bắp
Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Về quyết định “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” của Bộ Y tế
Về đợt dịch Tả: “Quan cần nhưng dân chưa vội”, nhưng “xin đừng vội trách đa đa”
Đo thân nhiệt (nhiệt độ) cho trẻ- thiết bị hiện đại có phải lúc nào cũng hữu ích? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết?
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đánh giá nguy cơ tác hại của thành phần 3-MCPD trong thực phẩm lên sức khoẻ con người
Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?
Định mức 3-MCPD an toàn nào được đặt ra cho sản phẩm nước tương?
Đổi tên “Cúm Heo”, thương thay thân phận Con Gà!


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn