NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN

Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết?

Nguyễn Đình Nguyên

Y học dân gian có những bài thuốc, cũng như những kinh nghiệm truyền khẩu về những thực hành trong cuộc sống. Nó vẫn cứ tồn tại và được người dân áp dụng theo và rồi cứ thế hệ này sang thế hệ khác mà trở thành những niềm tin, dù khoa học có công nhận hay không công nhận. Có những dược liệu thảo mộc được sử dụng và lưu truyền trong dân gian dễ đến cả nghìn năm, mà ánh sáng khoa học mới chỉ rọi tới vào những năm cuối của thế kỷ XX, như mật ong, cam thảo, cây thanh hao hoa vàng (qing hao su), và đã được xác nhận là có tác dụng chữa một số bệnh.

Một trong những niềm tin tồn tại ở không chỉ Việt nam mà nhiều nước châu Á khác đó là mối liên hệ giữa trái (quả) Đu đủ và thai nghén. Bất kỳ một người phụ nữ nông dân Việt nam nào đến tuổi thai nghén cũng đều được thế hệ đi trước dặn dò là đừng ăn đu đủ xanh (non) trong khi thai nghén, có thể bị sẩy thai đấy! Hư thực thế nào thì không rõ, nhưng “có kiêng có lành”, cứ kiêng cữ chín tháng mười ngày cũng chẳng sao, ngộ nhỡ chuyện chẳng lành xảy đến, mà gia đình đang cầu tự một cháu đích tôn thì thực là “khốn đốn” với gia đình bên chồng. Bài viết này nhằm tổng quan những kiến thức Y học hiện đại về niềm tin trên, và xem xét niềm tin trong dân gian về mối liên hệ của đu đủ đến thai nghén là có cơ sở khoa học hay không.

Sinh học quả đu đủ

Quả đu đủ là tên gọi của người Việt nam để chỉ một loại trái cây có tên khoa học là Carica Papaya Linn. Đu đủ (papaya) thuộc họ nhỏ Caricaceae có hai giống; họ Caricaceae thường bị xếp chung vào họ Passifloraceae. Trên thương trường tiếng Anh người ta còn gọi Papaya là Paw-paw. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn Carica papaya L. với một chủng Annonaceous của Bắc Mỹ Asimina triloba Dunal, có tên là Carica pentagona Heilborn, hay Babaco, nó khá giống cây Papaya nhưng thấp hơn, độ cao của cây không quá 2 thước rưỡi, quả của nó có thể dài đến 3 tấc, bên trong rất ít hoặc không có hạt. Các tên thông thường khác của quả đu đủ ở các nước khác hay gọi là Chich Put, Fan Kua, Kavunagaci, Lechoso, Lohong Si Phle, Mapaza, Mu Kua, Papailler, Papaw, Papaye, Papayer, Pawpaw Tree, Pawpaw, Pepol, Tinti, Wan Shou Kuo, Betik petik, Gandul, Katela gantung, Kates, Kepaya, Kuntaia v..v…. Còn tại sao Papaya ở Việt nam có tên gọi là quả đu đủ thì người viết bài này chưa tìm được lời giải thích thoả đáng, xin bạn đọc góp ý giúp.

Đu đủ là một loại trái cây nhiệt đới, được trồng nhiều ở các nước Nam Mỹ, châu Phi, Ấn độ, Đông Nam Á. Các nước có sản lượng thu hoạch đu đủ cao nhất thế giới là Brasil, kế đến là Nigeria, Ấn độ thứ tư và Thái lan đứng hàng thứ 10 [1]. Nói đến cây và trái đu đủ (Xem các hình 1-2) thì mọi người Việt nam ai cũng hình dung được. Trái đu đủ gắn liền với đời sống người dân Việt nam từ thuở ấu thơ, trái chín để ăn, trái xanh để làm gỏi đu đủ, nấu canh; trẻ con dùng cọng (cuống lá) đu đủ làm súng đồ chơi, tán lá đu đủ làm dù che.

Xét về giá trị dinh dưỡng của quả đu đủ (xem bảng 1)

Bảng 1: Giá trị dinh dưỡng của đu đủ trên 100 g chất quả


Nước (%) ............................................ 88 Năng lượng (Calories).......................... 43 Protein (%) ............. .......................... 0.6 Chất mỡ (%) ....................................... 0.1 Carbohydrates (%) .............................. 10 Sợi (%) ................................................ ---

% US RDA*

Vitamin A ........................................... 48 Vitamin B1 ......................................... 3.6 Vitamin B2 .......................................... 8.1 Niacin ................................................. 2.2 Vitamic C ............................................ 80 Calcium ............................................... 2.4 Phosphorus .......................................... 1.6 Sắt .......................................................3 Natri ……………………………………….-- Kali…….. ............................................ ---


* RDI, recommended daily intake: nhu cầu tiêu thụ trong một ngày do FDA Mỹ đề xuất, thiết lập dựa trên nhu cầu trung bình của một người nam, nặng 70kg, mức năng lượng tiêu thụ 2700kcal/ngày.

Như vậy về mặt dinh dưỡng Đu đủ là loại trái cây có đủ chấtâ sắc (Fe) và Calcium, khá giàu Vitamin A, B, G và rất giàu Vitamin C.

Tuy là một loại trái cây có giá trị dinh dưỡng, theo kinh nghiệm dân gian đu đủ được xếp vào nhóm thức ăn tự nhiên “không lành” nhưng lại có tác dụng của một dược chất.

Kinh nghiệm trong dân gian và ứng dụng trong công nghệ về đu đủ:

1. Đu đủ có thể gây viêm da

2. Ở Trung Mỹ, trong dân gian, người ta sử dụng đu đủ để điều trị bệnh lỵ amip (Entamoeba histolytica), một loại ký sinh trùng gây ỉa chảy dạng lỵ và biến chứng áp xe gan.

3. Ở Samoa, người dân dùng phần dưới vỏ thân cây đu đủ để chữa chứng nhức răng.

4. Nhựa đu đủ có chứa papain là một trong hai loại men tiêu huỷ protein (proteolytic enzymes) có tác dụng làm mềm thịt bắp. Chính tác dụng này mà người ta dùng đu đủ hầm chung với thịt, thịt sẽ mềm hơn. Người dân vùng Ca-ri-bê, Trung Mỹ bảo rằng họ có thể ăn một khẩu phần với một số lượng lớn thịt cá mà vẫn không hề gì nếu ăn đu đủ xanh sau đó.

5. Phần cơm của đu đủ là thành phần chính của các loại mỹ phẩm như kem nền (mặt), kem đánh răng, xà bông gội đầu.

6. Các ứng dụng quan trọng trong y học của nhựa đu đủ là chiết xuất papain để dùng trong phẫu thuật (là một loại “dao phẫu thuật tự nhiên” để mở đĩa đệm cột sống) cột sống. Nghiên cứu còn cho thấy chiết xuất papain còn có hoạt tính kháng sinh (antibiotic activity) có tác dụng chống vi khuẩn gram dương [2] (gram-positive bacteria). Nó còn được dùng để điều trị lở loét; làm tiêu giả mạc trong bệnh Bạch hầu ; chống kết dính sau phẫu thuật; thuốc giúp tiêu hóa. Trong công nghiệp papain được dùng để tinh chế bia; xử lý len và lụa trước khi nhuộm; là phụ gia trong công nghệ chế biến cao su; khi tinh chế dầu gan cá tuna, người ta tiêm papain vào gan trước khi chiết xuất, làm cho thành phẩm giàu Vit A và D hơn. Khoảng 1500 quả đu đủ xanh cỡ vừa cho được khoảng 650 gram papain.

Niềm tin về ảnh hưởng của đu đủ lên sinh sản và thai nghén

Tác hại được cho là nguy hiểm nhất của đu đủ mà hầu như kinh nghiệm truyền thống của nhiều nước đã đúc kết đó là mối liên quan giữa đu đủ xanh với sinh sản và thai nghén.

Đã từ lâu đời người Ấn độ đã sử dụng đu đủ xanh (non) cũng như hạt đu đủ để tránh thai, không những ở phụ nữ mà còn ở cả nam giới. Hàng hàng thế hệ phụ nữ châu Phi, Á, và Mỹ đã sử dụng đu đủ như một loại thuốc tránh thai, trong ngày quan hệ tình dục người phụ nữ ăn đu đủ để ngừa đậu thai.

Ở Ấn độ có khá nhiều các nghiên cứu về thái độ và thực hành (attitude and behaviour) ăn uống trong thai nghén, khi phỏng vấn các đối tượng, đu đủ là thành phần được nhắc đến nhiều đáng kể. Một nghiên cứu tiến hành phỏng vấn trên 1106 phụ nữ có thai và cho con bú ở 44 làng tại hai huyện Mahabubnagar và Andhra Pradesh vào những năm 70 [3], 72% cho biết họ tin rằng là đu đủ là thức ăn “nóng”, có hại cho thai nghén. Các nghiên cứu khác tương tự trên số đông phụ nữ (từ 500 đến 1200) [4, 5, 6], khi phỏng vấn họ cho rằng đu đủ có tác động gây sẩy thai, và trong một nghiên cứu [4] cho thấy 35% số người mẹ tránh không ăn đu đủ trong kỳ thai nghén. Ở Ấn độ muốn gây sẩy thai, người ta cho ăn đu đủ non hoặc dùng rễ cây đu đủ nghiền nát, thêm ít muối và cho uống.

Bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa đu đủ với sinh sản và thai nghén:

Đứng về mặt bằng chứng khoa học, loại bằng chứng trực tiếp không thể thực hiện được đối với loại các chất nghi ngờ là có hại cho con người, do đó chỉ có thể nghiên cứu được những bằng chứng gián tiếp. Những bằng chứng gián tiếp này có thể là in vitro (nghiên cứu phòng thí nghiệm) hoặc in vivo (nghiên cứu trên sinh vật, cụ thể ở đây là động vật thực nghiệm). Nếu các kết quả ủng hộ giả thuyết thì chúng ta có thể suy luận chất nghi ngờ đó cóù thể có tác động lên cơ thể con người. Cũng có thể tìm mối tương quan này trên con người bằng nghiên cứu quan sát (observation) định hướng (prospective) hoặc hồi cứu (retrospective) loại nghiên cứu có đối chứng (case-control).

Trong vòng 40 năm qua có trên dưới 200 bài báo khoa học viết về tác dụng y học của cây đu đủ trên nhiều mặt được ấn hành, trong số đó có khoảng vài chục bài liên quan đến tác động của đu đủ lên sinh sản và thai nghén. Những nghiên cứu này hầu hết là những nghiên cứu tiến hành trên động vật thực nghiệm và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các kết quả được tóm tắt sau.

Tác dụng tránh thai của trái đu đủ:

Một điều ngạc nhiên là trái đu đủ có thể có tác dụng phòng tránh thai không chỉ trên phụ nữ mà còn cả trên nam giới.

Năm 1993, một nhóm khoa học gia Anh quốc thuộc Viện đại học Sussex tìm thấy papain có tác dụng làm ngăn cản quá trình thụ thai ở phụ nữ. Qua kết quả nghiên cứu họ đưa ra hai thuyết về tác dụng ngừa thai của quả đu đủ: chất papain trong đu đủ có tác dụng ức chế hormone (nội tiết tố) progesterone và làm ngăn cản quá trình thụ thai, thứ hai là chính tác dụng làm mềm thịt của papain này có thể phá huỷ màng tế bào phôi thai [7]. Phụ nữ ở Sri Lanka muốn tránh thai, chỉ đơn giản là họ ăn đu đủ hàng ngày, và khi muốn đậu thai thì chỉ việc dừng ăn đu đủ! Thamalingam Senthipomoham, một đồng tác giả phát biểu.

Trong kinh nghiệm dân gian ở một số nước châu Á cho thấy, không chỉ ở phụ nữ, mà nam giới nếu ăn đu đủ một thời gian dài cũng có khả năng tránh thai. Các nghiên cứu trên động vật thực nghiệm cũng cho các kết quả lý thú. Hạt đu đủ đã được chứng minh là có hiệu quả tránh thai trên nam giới. Nghiên cứu thực nghiệm trên chuột và thỏ cho thấy các phần chiết xuất từ chloroform có trong hạt đu đủ có tác dụng tránh thụ thai có thể phục hồi được (reversible) trên chuột và thỏ đực mà không có độc tính [8]. Thử nghiệm trên các chất chiết xuất từ hạt đu đủ cho thấy chúng có khả năng ức chế sự di chuyển của tinh trùng trên chuột [9] và giảm sinh tinh trùng trên thỏ [10]. Nghiên cứu gần đây nhất tiến hành theo cùng cách thức với các thí nghiệm trên, trên loài khỉ langur [11] cho thấy hiệu quả làm giảm sinh tinh trùng xuất hiện sau điều trị 90 ngày và khả năng ngừa sinh xuất hiện sau điều trị 30-60 ngày mà không có tác dụng độc tính. Chức năng sinh tinh trùng được phục hồi hoàn toàn sau khi ngừng dùng thuốc 150 ngày. Về cơ chế hoạt động của các chất chiết xuất từ hạt đu đủ này vẫn còn chưa nhất quán. Các nghiên cứu trước cho thấy có lẽ các tác động này là do tương tác của các hoạt chất lên nguồn estrogen [12], androgen [13] và antiandrogen [14]. Tuy nhiên trong nghiên cứu sau này trên loài khỉ nêu trên, cho thấy số lượng tế bào tinh trùng bất thường đếm được tăng lên và cũng như bị bất động hoàn toàn ngay trong giai đoạn đầu điều trị, và như thế khả năng tác động có thể vào môi trường bên trong của thừng tinh hoặc vào trong giai đoạn tế bào mầm (germ cell) của tinh trùng trong tinh hoàn. Nghiên cứu sâu hơn nữa trên cùng một nghiên cứu, các tác giả quan sát thấy tổn thương xảy ra ở tế bào Sertolli (một tế bào sinh tinh), và tình trạng giảm thiểu tinh trùng có thể là do tác động chọn lọc của thuốc lên sự phát triển của tế bào mầm, có lẽ qua trung gian là các tế bào Sertolli, gây nên tình trạng ức chế hoạt động của các ti lạp thể (mitochondri), mà có thể ảnh hưởng đến chuỗi hô hấp tế bào gây độc tế bào trong quá trình tăng sinh tế bào mầm [15]. Đây là một kết quả quan trọng cho việc hứa hẹn một loại thuốc tránh thai tạm thời cho nam giới ra đời. Trên thực tế, các khoa học gia ở New Dehli đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm thuốc trên những người tình nguyện.

Tác dụng lên thai nghén của đu đủ:

Như đã nêu trên, niềm tin ở rộng rãi các nước châu Á rằng đu đủ non có khả năng gây sẩy thai.

Một nghiên cứu trên chuột ở Ấn độ [16], người ta cho chuột đang mang thai ăn (không ép buộc) các loại trái cây khác nhau, thì kết quả cho thấy rằng trái đu đủ non có tác dụng ngăn cản chu kỳ động dục và gây sẩy thai. Mức độ sẩy thai giảm xuống khi cho chuột ăn loại trái đu đủ chín. Một nghiên cứu khác về sau [17], nghiên cứu về tác dụng trên trương lực tử cung, người ta đã thử nghiệm chất chiết xuất từ nhựa đu đủ (papaya latex extract, PLE) trên tử cung thực nghiệm chuột ở các chu kỳ động dục và thai nghén khác nhau. Kết quả cho thấy tác động của PLE gây co thắt tử cung xảy ra mạnh nhất là ở các giai đoạn sau của thai kỳ, tương ứng với kỳ estrogen đạt được nồng độ cao nhất. Nghiên cứu này cũng rút ra được tác động gây co thắt tử cung của PLE là một tác động phối hợp của các enzyme, alkaloid, và các chất khác, hoạt động chủ yếu vào quần thể thụ thể (receptor) alpha adrenergic của tử cung ở các giai đoạn khác nhau. Một nghiên cứu mới gần đây nhất [18] cũng trên chuột, loài Sprague-Dawley ở 4 giai đoạn thai nghén khác nhau, nhóm chứng chỉ dùng nước. Kết qủa cho thấy rằng nếu sử dụng nước trái đu đủ chín, thì các nhóm nghiên cứu không có khác biệt gì với nhóm chứng về ảnh hưởng co thắt cơ trơn tử cung được biệt lập từ chuột có thai và không có thai. Ngược lại, với nhựa đu đủ sống sử dụng ở nồng độ 0,1-3,2mg/ml thì gây ra hiện tượng co thắt cơ tử cung giống như hiện tượng co thắt của oxytocin (một loại thuốc gây co thắt tử cung, dùng để dục sinh trong sản khoa) ở nồng độ 1-64mU/ml và prostaglandin F (2 alpha) 0,028-1,81microm. Đối với cơ trơn tử cung biệt lập thì đáp ứng co thắt cơ xảy ra đối với nhựa đu đủ sống (PLE) ở nồng độ 0,2mg/ml tương đương với 0,23microm prostaglandin F (2 alpha) và 32mU oxytocin/ml. Trên chuột có thai 18-19 ngày thì có PLE hiện tượng co thắt như uốn ván. Như vậy từ kết quả của nghiên cứu này có thể rút ra rằng nếu tiêu thụ đu đủ chín ở mức độ bình thường thì không có gây hại gì trên chuột có thai, nhưng ngược lại với loại đu đủ sống hoặc gần chín-loại còn chứa nhiều nhựa có thể không an toàn cho thai nghén.

Tóm lại những niềm tin và thực hành sử dụng trái đu đủ của các nước châu Á từ nghìn năm trước đã là một quan sát thực nghiệm, cho đến những năm gần đây câu chuyện chỉ là sự bổ sung cho thực nghiệm đó bằng cách tìm hiểu cơ chế hoạt động của đu đủ trên sinh sản và thai nghén mà thôi. Ngoài những ứng dụng như đã nêu trên, đu đủ xanh có thể được xem như là có tác dụng phòng tránh thai tạm thời trên nữ giới, đặc biệt là trên nam giới, nghiên cứu đang đi đến giai đoạn sau cùng trước khi đưa ra áp dụng rộng rãi. Trong khi đó, trên thực nghiệm ở động vật, nhựa đu đủ xanh cũng đã được chứng minh là không an toàn cho thai nghén và có khả năng gây sẩy thai, thì đối với cơ thể con người chúng ta, thực hành khôn ngoan là tránh sử dụng đu đủ xanh, đu đủ gần chín trong thời kỳ mang thai, câu ngạn ngữ “có kiêng có lành” có thể đúng trong trường hợp này.

Khai bút đầu xuân Quý Mùi

N.Đ.N.

Phụ chú:

[1] Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO), 1990.

[2] Do đặc tính của các loại vi khuẩn , khi nghiên cứu phân loại, người ta nhuộm vi khuẩn bằng phương pháp nhuộm do Gram đề xuất thì có loại bắt màu thì gọi là vi khuẩn gram dương (ví dụ phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn), và có loại không bắt màu khi nhuộm thì gọi là vi khuẩn gram âm (ví dụ vi khuẩn lao, vi khuẩn não mô cầu).

[3] Jesudason, Victor and Rajani Shirur (1980): Selected Socio-Cultural Aspects of Food during Pregnancy in the Telengana Region of Andhra Pradesh', Journal of Family Welfare. 27(2). 3-15.

[4] Khanum, Maliha Perveen and K Padma Umpathy (1976): 'A Survey of Food Habits and Beliefs of Pregnant and Lactating Mothers in Mysore City', Indian Journal of Nutrition and Dietetics. 13(7): 208-17.

[5] Ferro-Lazzi, G Eichinger (1980): 'Food Avoidances of Pregnant Women in 'Tamilnad' in John R K Robson (ed), Food, Ecology and Culture: Readings in the Anthropology of Dietary Practices. Gordon and Breach Science Publishers, New York, pp 101-08.

[6] Nag, Moni.: Beliefs and Practices About Food During Pregnancy. Economic and Political Weekly. Sept 10, 1994. P.2427-2438. Location: SNDT Churchgate.

[7] Brothers, Caroline. “Papayas work as Powerful Contraceptives — A Study.” Newstab (Reuter) delivered February 17, 1994. Hoặc có thể đọc ở AsiaWeek 1994, May 18: trang 12.

[8] Lohyia NK, Mannivannan B, Mishra PK, Pathak N. Prospects of developing a plant based male contraceptive pill. In: Chowdhury SG, Gupta CM, Kamboj VP editors. Current status in fertility regulation: Indigenous & modem approaches. Lucknow: Central Drug Rearch Institute. 2001, 99-119.

[9] Pathak N,Mishra PK, Manivannan B, Loyhia NK, Stertility due to inhibition of sperm motility by oral administration of benzene chromatographic fraction of the chloroform extract of the seeds of Carica papaya in rats, Phytomedicine, 2000, 7, 325-333.

Loyhia NK, Pathak N, Mishra PK, Manivannan B, Contraceptive evaluation and toxicological study of aqueous extract of the seeds of Carica papaya in male rabbits, J Ethnopharmacol 2000, 70, 17-27.

[10] Loyhia NK, Pathak N, Mishra PK, Manivannan B, Reversible contraception with chloroform extract of Carica papaya Linn seeds in male rabbits, Report Toxicol 1999, 13, 59-66.

Loyhia NK, Pathak N, Mishra PK, Manivannan B, Jain SC, Reversible azoospermia by oral administration of the benzene chromatographic fraction of the chloroform extract of the seeds of Cariva papaya in rabbits. Adv in Contracept 1999, 15: 141-161

[11] Loyhia NK, Manivannan B, Mishra PK, Pathak N, Sriram S, Bhande SS, Panneerdoss S, , Chloroform extract of Carica papaya seeds induces long term reversible azoospermia in langur monkey, Asian J Androl 2002, 4:17-26.

[12] Bartke A, Williams KIH, Dalterio S, Effect of estrogen on testicular testosterone production in vitro, Biol Reprod 1977, 17,:645-649.

[13] Handelsman DJ, Hormaonal male contraception. Int J Androl 2000, 23 (Suppl): 8-12.

[14] Rajalakshmi M, Sharma RS, Method for the regulation of male fertility. In: Chowdhury SG, Gupta CM, Kamboj VP editors. Current status in fertility regulation: Indigenous & modem approaches. Lucknow: Central Drug Rearch Institute. 2001, 179-209.

[15] Hoffer AP, Effect of gossypol on the seminiferous epithelium in the rat: a light and electron microscope study. Biol Reprod 1983, 28: 1007-20.

Kim IC, Walter DP, Specific inhibition of the testicular mitochondrial respiratory chain in vitro by gossypol. J Androl 1984, 5: 423-40.

[16] Gobalakrishnan M, Rajasekharasetty MR, Effect of papaya (Carica papaya Linn) on pregnancy and estrous cyclu in albino rats of Wistar strain, Indian Journal of Phisiology& Pharmacology, 1978, 22 (1): 66-70

[17] Cherian T, Effect of papaya latex extract on gravid and non-gravid rat uterine preparations in vitro, Journal of Ethnopharmacology, 2000, 70 (3): 205-212.

[18] Adebiyi A, Adaikan PG, Prasad RN, Papaya (Carica papaya) consumption is unsafe in pregnance: fact or fable? Scientific evaluation of a common belief in some parts of Asia using rat model.


"Ngộ độc " (nước) củ dền - nỗi oan Thị Kính - BS Nguyễn Đình Nguyên
5/6 mẫu thử nghiệm phân và thịt chó có nhiễm phẩy khuẩn Tả, rồi sao nữa?
Biểu tượng của ngành Y khoa -BS  Nguyễn Đình Nguyên
CHUỘT VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG NGHIÊN CỨU Y SINH HỌC
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Chứng bệnh Bất toàn trong Tạo sinh xương (Osteogenesis Imperfecta)
Các biện pháp trước mắt để làm giảm nồng độ 3-MCPD trong sản phẩm nước tương chế biến bằng phương pháp thuỷ phân
Cúm lợn và những điều cần biết
Cúm lợn: Hướng dẫn thực hành và Tài nguyên thông tin dành cho bác sĩ lâm sàng
Cần phải tập trung vào việc khử trùng môi trường, nguồn nước uống và sinh hoạt
Di sản của chiến tranh: Thêm bằng chứng về mối quan hệ giữa chất độc Da cam và dị tật bẩm sinh
Dinh dưỡng và tuổi Vị thành niên
Dịch cúm chim ở gia cầm - Vấn đề cần nhìn lại - Nguyễn Đình Nguyên
Dịch Tả có phải do ăn mắm tôm?
Giải pháp nào cho vấn đề "Tiền mất tật mang"?
Giải pháp nào cho vấn đề “Tiền mất tật mang”? - Nguyễn Đình Nguyên
HIỆN TƯỢNG “THỤT DẦU”
Hướng dẫn an toàn thực phẩm trong gia đình
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet)
Hướng dẫn việc tìm kiếm thông tin sức khoẻ trên hệ thống thông tin liên mạng (internet) - BS Nguyễn Đình Nguyên (Úc)
Khiêu vũ và chóng mặt
Khoa học thiếu thông tin và thông tin thiếu khoa học
Lentine và sức khỏe con người
Lạm bàn về chuyện quản lý dược phẩm - Nguyễn Đình Nguyên
Lợi ích của bũa ăn điểm tâm sáng - BS Nguyễn Đình Nguyên
Mập mới khỏe: Sai lầm từ quan niệm
Một số câu hỏi thông thường của bệnh tiêu chảy do Tả
NGUYEN DINH NGUYEN
Ngộ độc (nước) củ dền - nỗi oan thị kính
Nhân hai trường hợp tử vong do tiêm kháng sinh loại ceftriaxone tại BV Đa khoa Tây ninh
Phân tích cấu trúc di truyền DNA: ứng dụng trong Y pháp nhận dạng - BS NGUYỄN ĐÌNH NGUYÊN
Phương pháp chuẩn để kiểm định 3-MCPD trong nước tương và các sản phẩm nước tương có gia hương vị hoặc các nước chấm làm từ đậu nành ở New Zeland - Nguyễn Đình Nguyên
Phản hồi của Nguyễn Đình Nguyên về ý kiến của Phạm Văn Linh “Đâu phải là thiếu cơ sở khoa học”
Sữa và Nuôi dưỡng trẻ em bằng sữa
Tai biến hôn mê sau gây tê kết hợp tuỷ sống-ngoài màng cứng: Một báo cáo lâm sàng đầu tiên trên thế giới
Tai biến liệt mặt sau một phẫu thuật có gây mê
Thuốc rẻ cho người nghèo
Thông báo khẩn cấp của FDA đối với người tiêu dùng ở Mỹ về sản phẩm kem đánh răng nhập khẩu từ Trung quốc - Nguyễn Đình Nguyên
Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ
Tác dụng của chiếc Khẩu trang I
Tác dụng của chiếc Khẩu trang II
Tác dụng của chiếc Khẩu trang III
Tại sao bệnh Cúm không thanh toán được mà cũng không chữa được?
Tản mạn về về bài viết “Không được tuỳ tiện phát ngôn tiêu cực về chống dịch tiêu chảy” của tác giả Nguyễn Văn Dũng
Ung thư tuyến tiền liệt làm tăng nguy cơ gãy xương - BS Nguyễn Đình Nguyên
Vaccine phòng chống cúm gia cầm A(H5N1) ở người, hứa hẹn?
Vài nét về Vi rút Cúm lợn (heo) (Swine influenza virus)
Vàng nhân não: Biến chứng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, nhưng có thể phòng ngừa được
Vì  sức khỏe người dân hay vì  sợ dư luận?
Vắc-xin kết hợp ngừa đa bệnh MMR-II: tiêm dưới da hay tiêm bắp
Về Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi
Về quyết định “Hướng dẫn xử lý tiêu hủy mắm tôm ô nhiễm mầm bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm” của Bộ Y tế
Về đợt dịch Tả: “Quan cần nhưng dân chưa vội”, nhưng “xin đừng vội trách đa đa”
Đo thân nhiệt (nhiệt độ) cho trẻ- thiết bị hiện đại có phải lúc nào cũng hữu ích? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết?
Đu đủ và thai nghén_ sự thật hay truyền thuyết? - BS Nguyễn Đình Nguyên
Đánh giá nguy cơ tác hại của thành phần 3-MCPD trong thực phẩm lên sức khoẻ con người
Đã tìm ra thêm một phương thức điều trị cúm A H5N1 ở người?
Định mức 3-MCPD an toàn nào được đặt ra cho sản phẩm nước tương?
Đổi tên “Cúm Heo”, thương thay thân phận Con Gà!


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn