CHUYỆN THẬT NHƯ ĐÙA, CHUYỆN NHƯ ĐÙA MÀ THẬT:
HIỆN TƯỢNG “THỤT DẦU”
Nguyễn Đình Nguyên
Tiến sỹ Y Khoa - chuyên khoa Nhi - Úc
Tình cờ đọc tin trên Tuổi trẻ online 29/04/04 về việc một cô giáo phạt các em học sinh phải “thụt dầu”, đến nỗi em phải vào bệnh viện và sau đó có một số các triệu chứng rối loạn hành vi.
Theo đánh giá của chuyên môn được mô tả trong bài báo vắn tắt như sau: “Theo giấy y chứng của Bệnh viện Chợ Rẫy, em Khanh bị sưng, sây sát chẩm trái 2x2cm. Một bác sĩ tại khoa khám tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết khi đến Khanh có biểu hiện buồn bã, sợ sệt và khóc lóc. Nói năng thì mệt mỏi, khóc đó rồi cười đó, nhắc đến chuyện học là cháu sợ hãi, tránh né. Sau khi kiểm tra điện não và cho làm trắc nghiệm, kết quả cho thấy Khanh bị rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, khả năng tính toán, liên tưởng chậm”
Còn về phía cô giáo và nhà trường thì: “… theo như lời cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Vỵ: “vì muốn tốt cho mấy em thôi” (!?) dù cũng cho rằng hình phạt như thế là phản giáo dục và không được phép!” và “... em Kh. phát bệnh sau khi bị phạt đến gần một tháng và khẳng định em rất giỏi môn thể dục nên hình phạt đó cũng chỉ như một hình thức thể dục, không thể bị như thế được.”
Chúng tôi đứng ngoài sự phán xét về mặt trách nhiệm cũng như pháp lý, chỉ nêu lên những vấn đề hoàn toàn chuyên môn về tính chất cũng như hậu quả của hình phạt nêu trên, đặc biệt đối với trẻ em. Để hiểu vấn đề, trong bài viết này hai câu hỏi được đặt ra:
1- Động tác “thụt dầu” có gây tác hại gì không? Nếu có thì tác hại của nó là gì?
2- Giữa hình phạt thụt dầu đó liệu có liên quan gì đến hiện tượng rối loạn hành vi (trong trường hợp này là cháu bé lớp 7-khoảng 13-14 tuổi) hay không?
Từ thụt dầu có lẽ là lạ đối với nhiều người nhưng có lẽ đối với chúng tôi cũng như ai đã trải qua ghế học đường có thể dễ dàng nhận ra, đúng như đã được mô tả là động tác dùng hai tay bắt chéo qua ngực nắm vào hai dái tai bên đối diện, đứng lên ngồi xuống. Đơn giản chỉ có thế!
Động tác này lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc với tốc độ nhanh thì gây ra hai hiệu ứng trên hai chức năng khác nhau đó là chức năng thăng bằng của ốc tai và chức năng tuần hoàn.
Chức năng thăng bằng của ốc tai:
Rất vắn tắt, cơ thể của chúng ta mà giữ được thăng bằng, cũng như định vị được không gian là nhờ một bộ phận chức năng gọi là tiền đình ốc tai. Trong tai của chúng ta có ba vành khuyên (bố trí theo ba chiều không gian), bên trong có chất dịch chuyển động. Nhờ vào đó mà cơ thể chúng ta có thể giữ được thăng bằng, tư thế, định vị trong không gian. Trừ những trường hợp bệnh lý ra, trong những điều kiện không bệnh lý chúng ta cũng có thể có biểu hiện rối loạn tiền đình ốc tai. Lấy một ví dụ đơn giản là chúng ta thử một động tác “xoay bồ bồ”, tức là quay vòng tròn xung quanh mình, chỉ chừng vài vòng đến mười vòng, chúng ta sẽ thấy mọi vật đều quay, sau đó là chúng ta không giữ được thăng bằng nữa và ngã nhào vào một chỗ mà không thể gượng được. Lý do là vì khi ta quay, hệ thống dịch trong ốc tai của ta cũng cố gắng chuyển động để điều chỉnh với sự chuyển động đó, khi ta dừng lại, hệ thống dịch bị dội ngược đột ngột và không kịp điều chỉnh, nên cơ thể ta đã đứng mà tín hiệu vẫn tiếp tục dội về não là quay, nên lúc đó ta không quay nữa và thấy nhà quay. Vì thấy nhà quay, nên não tiếp tục phát tín hiệu là ta phải quay theo để giữ thăng bằng, cho nên tiếp theo là cơ thể ngã nhào. Trong trường hợp với động tác thụt dầu cũng tương tự như vậy, mà lần này là hiệu ứng chuyển động theo chiều thẳng đứng. Ngưỡng nhạy cảm với hiệu ứng này thay đổi theo từng người, do vậy mà trong tuyển chọn phi công hoặc đặc biệt là phi công vũ trụ, họ đều phải là những người có sức chịu đựng rất cao và phải tập luyện trong một điều kiện hết sức chuyên nghiệp mới loại bỏ được hiệu ứng này mà thích nghi được môi trường chuyển động nhanh, liên tục, đột ngột. Diễn viên xiếc xoay, nhào lộn cũng như vậy.
Triệu chứng của rối loạn tiền đình là gì?
Biểu hiện sớm và đầu tiên nhất của rối loạn tiền đình này là chóng mặt, đau đầu. Có biểu hiện về rối loạn thị giác tức thời như nhìn mờ, nhìn đôi.
Nặng hơn có biểu hiện buồn nôn, và nôn. Nôn khan hoặc nôn ra thức ăn nếu sau bữa ăn.
Nhức đầu và chóng mặt trong trường hợp này có đặc điểm là nhiều khi nhắm mắt lại càng nhức đầu hơn, nằm xuống nhắm mắt lại nhức đầu và chóng mặt nhiều hơn. Vì lúc đó làm tăng tải hoạt động cho chức năng tiền đình, phải tiếp tục định vị để thích nghi với tư thế nằm và nhắm mắt (mất định vị nhìn).
Các triệu chứng rối loạn tiền đình cấp tính này có thể hết sớm chỉ sau nửa giờ hoặc vài giờ nhưng có khi kéo dài vài hôm.
Chức năng tuần hoàn:
Động tác đứng lên ngồi xuống liên tục còn ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn. Thông thường gây nên tình trạng tụt huyết áp do tư thế. Trong trường hợp này triệu chứng xuất hiện sớm và nhẹ thường là chóng mặt, nhìn hoa mắt, nhìn thấy vàng trước mắt, nổ đom đóm mắt. Nặng hơn là ngất.
Như vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng động tác “thụt dầu” có thể gây ra tổn thương thực thể là rối loạn tiền đình và tụt huyết áp do tư thế. Hai loại tổn thương này nói chung không nghiêm trọng, tuy có thể có nặng nhưng vẫn có thể chữa khỏi được. Nhiều khi không chữa cũng có thể khỏi.
Tuy nhiên, trong một khía cạnh khác, với động tác thụt dầu này không phải là một động tác chủ động hoặc do trẻ tự gây ra mà là một hình phạt thì hậu quả của nó không chỉ dừng ở tổn thương thực thể đã nêu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý trẻ có khi nặng nề.
Trong khuôn khổ bài báo chúng tôi không thể nêu hết được đầy đủ khía cạnh này về mặt chuyên môn, chỉ vắn tắt về ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ em do hình phạt
Hội chứng bạo hành trẻ em (child abuse)
Chúng ta ngày nay gần như cũng đã bắt đầu quen với thuật ngữ bạo hành trẻ em. Nhưng có thể chúng ta chỉ nghĩ rằng đánh đập, hành hạ thể xác, xâm phạm tình dục mới là bạo hành trẻ. Nhưng bạo hành trẻ cần phải hiểu đầy đủ là những xúc phạm trẻ bằng lời nói, bằng tình cảm cũng được coi là một hình thức bạo hành trẻ. Kể cả việc không chăm sóc trẻ, không chơi, không tiếp xúc hoặc nói chuyện với trẻ thường xuyên hoặc sử dụng làm hình phạt cũng là một hình thức bạo hành trẻ. Bởi vì những hành vi đó đều có thể là nguy hiểm đối với trẻ em và có thể đưa đến những hậu quả rối loạn tâm lý, hành vi nhiều khi đưa đến những thương tổn nặng, kéo dài khó chữa về bệnh tâm thể cho trẻ.
Làm thế nào để nhận dạng trẻ có thể bị tổn thương về tình cảm do xúc phạm hay bạo hành về tâm thể (tinh thần, tâm lý): trẻ Triệu chứng thể hiện rất đa dạng, nhiều hình thái nhiều khi khó nhận ra, tuỳ thuộc vào mức độ “thương tổn”. Thường các triệu chứng này xuất hiện sau một sự kiện trẻ bị xúc phạm. Với các em tuổi học đường thì biểu hiện thường là: buồn bã, cảm giác sợ hãi, thối lui trong các hoạt động thường ngày, cảm giác tội lỗi, chậm phản ứng, tính tình thay đổi, phản ứng chậm chạp, ngủ ác mộng, học hành sa sút. Nặng hơn trẻ có thể có những rối loạn tâm thần cấp tính có thể là kiểu hung hãn hoặc hiền lành. Nói chung triệu chứng thay đổi đa dạng cần phải được thẩm định bằng chuyên khoa tâm lý và tâm thần. Tuỳ theo cường độ, thời gian, tầm nguy hại mà tiên lượng bệnh nặng hay nhẹ.
Cần phải nhận định rằng một vết thương thực thể (bị thương trên cơ thể) có thể chữa lành, nhưng một vết thương về tinh thần thì có thể theo trẻ đến suốt đời. Trẻ em là một cơ thể có nguy cơ rất cao bị thương tổn về tinh thần. Chính vì vậy mà vấn đề luật pháp bảo vệ trẻ em luôn được phải đặt ra và được áp dụng nghiêm ngặt, Tất cả các tổ chức, các hội đoàn, những ai thường làm việc trong môi trường tiếp xúc với trẻ em như bệnh viện, trường học, dịch vụ công cộng cần phải có hiểu biết về Bạo hành trẻ và tác hại của các hình thức bạo hành trẻ trên sức khoẻ tinh thần của trẻ. Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận sự nghiêm trọng của vấn đề, trước khi quá muộn. “Một sức khoẻ kiện toàn phải có một cơ thể khoẻ mạnh trong một tâm hồn lành mạnh và một xã hội lành mạnh”.
Chuyện phạt học sinh bằng hình thức thụt dầu là thật mà tưởng như đùa. Nghĩ như các cô giáo tưởng là chuyện đùa nhưng mà thật. Chúng ta cần có một thế hệ trẻ có sức khoẻ kiện toàn.