Đổi tên “Cúm Heo”, thương thay thân phận Con Gà!
Nguyễn Đình Nguyên
Bài cũ: Dịch cúm gia cầm: Vấn đề cần nhìn lại
Chỉ trong vòng có mấy tuần, đợt dịch cúm do vi-rút AH1N1 đã làm dấy lại nỗi lo ngại một đợt đại dịch cúm toàn cầu, do tính chất mới và khả năng lây lan cũng như gây chết người của nó.
Thoạt đầu, giới chuyên môn và báo chí đều gọi đó là “cúm heo”, tức là gọi tắt của vi rút gây cúm ở loài heo, mà có khả năng gây bệnh ở người. Bệnh được cho là khởi phát ở Mê-hi-cô, con số người mắc bệnh có triệu chứng giống cúm lên cả nghìn, tuy nhiên con số được xét nghiệm xác định chính thức là nhiễm loại AH1N1 chỉ là 156 với 9 tử vong (tính đến 1/5/09). Trên toàn thế giới hiện nay có 13 nước có bệnh nhân bị AH1N1 với tổng số 367 trường hợp, tại Mỹ có 146 và có 1 người chết.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo dịch cúm AH1N1 lên mức báo động cấp 5, tức là dịch đã lan rộng ở phạm vi quốc tế, và có ít nhất 2 nước báo cáo có tử vong; cũng đồng nghĩa là thế giới đang trong tình trạng mấp mé bên bờ đại dịch.
Cách đây một ngày, tổ chức FAO và WHO đã đồng thuận đặt lại tên gọi là cúm AH1N1 chứ không được gọi cúm heo nữa, vì như thế là có thể gây sự lầm lẫn mà gây tổn hại nền kinh tế chăn nuôi và sản xuất thực phẩm từ heo. Hành động này là đúng đắn và quá rõ ràng. Thế nhưng nếu từ chuyện cúm heo, nghĩ đến chuyện cúm gà mới thấy sự hẩm hiu, buồn tủi của một thân phận nhược tiểu.
Cúm heo, “nhà giàu đứt tay”
Tại sao gọi là cúm heo? Vào năm 1918, lần đầu tiên trên thế giới, người ta phát hiện ở loài heo cũng có mắc một loại bệnh dịch mà biểu hiện giống như cúm ở người, tức là cũng bị nhiễm trùng đường hô hấp trên biểu hiện viêm long, sổ mũi ho, nên khi đó bác sĩ Koen đã đặt tên bệnh này là ‘cúm ở heo’, hay gọi tắt là cúm heo (swine flu). Tuy nhiên, mãi cho đến 1933 vi-rút AH1N1 mới phân lập được ở trong cơ thể heo bị bệnh. Ba năm sau đó, thì vi rút AH1N1 cũng phân lập được ở người. Vì vi-rút AH1N1 gây bệnh ở người có cấu trúc rất giống với AH1N1 gây bệnh ở heo, nên giới khoa học phân vân không biết là vi-rút từ heo nhảy sang lây bệnh cho người hay ngược lại.
Tuy nhiên cho đến năm 1974, trong đợt dịch cúm ở Fort Dix, New Jersey, Mỹ, xét nghiệm huyết thanh ở bệnh nhân cho thấy sự hiện diện của vi rút cúm có nguồn gốc từ heo, từ đó một đầu mối nghi ngở có thể đường lây là từ heo. Các vi-rút gây bệnh ở heo có thể đã vượt rào cản chủng loại, truyền bệnh sang cho người. Các điều tra dịch tễ học trên diện rộng về sau cho thấy rằng mức độ vụ dịch lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào lượng kháng thể chống vi-rút cúm heo ở người cao hay thấp; ngoài ra, người ta cũng thấy có một mối liên quan giữa quy mô nuôi lợn với tỷ lệ bệnh cúm trong vùng đó, và vì thế mà các khoa học gia suy luận rằng chính vi-rút cúm ở heo có thể là nguồn lây bệnh dịch tiềm tàng cho con người.
Về mặt thực tế và dịch tễ học, các bằng chứng đều cho thấy là vi-rút cúm gây bệnh ở người đều xuất phát nguồn gốc từ động vật, và từ đó vi-rút này vượt rào cản chủng loại, sang thích nghi và gây bệnh cho người, nếu vi-rút này có thể lây lan được trực tiếp giữa người và người nữa, thì một nguy cơ đại dịch xảy ra và điều đó đã từng xảy ra với nhân loại qua ba trận đại dịch cúm 1918, 1957 và 1968.
Ngoài ra, các khoa học gia còn tìm thấy bằng chứng trên cơ thể heo có thể cảm nhiễm một lúc nhiều vi-rút cúm A từ các dòng khác nhau như từ người và loại lông vũ (chim, gia cầm). Và như thế, cơ thể heo như là một cái ‘thùng trộn’ hỗn hợp các loại vi-rút và có thể sản sinh ra một loại vi-rút cúm A mới-vốn dĩ luôn không ổn định, dễ biến hình. Và như thế thì một nguy cơ mới xuất hiện. Như vậy, chuyện cũng không có gì là mới lạ đối với đợt dịch cúm AH1N1 này, vi-rút mới có cấu trúc phức tạp chưa từng thấy trước đây và có thể là loại tạp lai giữa các giòng, mà vật thể trung gian chính có thể là heo.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng heo chỉ là một vật thể cảm nhiễm trung gian chứ không phải là tác nhân gây bệnh. Nhìn vào một chu trình dịch tễ học có thể thấy vi-rút-heo-người-người, và chu trình này có thể khép kín hoặc còn một vòng lây nào khác mà chúng ta chưa được biết. Để có thể thanh toán được bệnh dịch, điều quan trọng nhất là phải cắt đứt được một trong các mắt xích của chu trình dịch tễ đó, mà trước tiên phải là tiêu diệt vi-rút. Còn người là đối tượng phải được bảo vệ, và heo cũng phải là đối tượng được bảo vệ, vì nó chỉ là một vật chủ trung gian. Hơn nữa giết heo cũng không đảm bảo được việc thanh toán được bệnh, bởi vì một khi vi-rút đã có thể nhảy sang lây bệnh ở người, và lại có thể lây lan giữa người và người với nhau thì đó là chuyện đã xảy ra rồi, có thể con heo không còn vai trò gì nữa. Cũng có thể cho rằng vi-rút từ heo nhảy trực tiếp sang lây bệnh cho người, nhưng trong thực tế, chỉ có một phần nhỏ số lượng heo bị nhiễm vi-rút mới phát bệnh, đa phần không thể hiện bệnh là nguồn mang mầm bệnh không biết được. Nên không thể nào xác định được nguồn lây ở đâu mà diệt. Mà nếu có “diệt chủng” heo thì vi-rút cúm AH1N1 cũng vẫn tồn tại vì còn nhiều vật chủ trung gian khác mà nó có thể thích nghi.
Như vậy gọi tên bệnh là cúm AH1N1 thay vì gọi cúm heo là chính xác, thế nhưng câu chuyện không dừng ở đó nếu cúm heo không xảy ra ở một cường quốc kinh tế như Mỹ và nếu cúm gà không xảy ra ở một nước nghèo như Việt nam và ở các nước Đông nam Á.
Cúm gà, “nỗi oan Thị Kính”
Dựng lại toàn bộ kịch bản trên đây của cúm ở heo, đem vào “cúm gà” AH5N1, câu chuyện hoàn toàn giống như vậy.
Vi rút AH5N1 được tìm thấy trong các đợt dịch cúm gia cầm ở Hồng Kông năm 1997. Sau đó thì người ta cũng phát hiện thấy AH5N1 có nguồn gốc từ gia cầm ở những người bị bệnh cúm, và cho nên người ta cũng đặt tên là “Cúm gà”.
Nhưng cho đến nay, hiểu biết về ‘cúm gà’ còn mơ hồ hơn rất nhiều so với ‘cúm heo’, ở chỗ cúm gà là bệnh mới phát, và ngay cả đường lây truyền cũng chưa được xác định rõ. Nhưng một điều rõ ràng rằng, gia cầm (gà, vịt nuôi) mới chỉ là một khâu trung gian, là một vật thể trung gian cảm nhiễm giống như con heo mà thôi, ngoài ra các giống thuộc loại lông vũ khác như chim trời cũng là một vật trung gian lây bệnh chính. Vì thế việc giết gà hàng loạt trong các đợt cúm gà cũng không thể nào giải quyết được bệnh cúm gà ở người cả, và hiển nhiên là chúng ta cũng không thể nào diệt chủng được cả chim trời!
Một điều rất rõ, có hàng triệu triệu con gà bị mắc bệnh trong mỗi đợt dịch, nhưng số lượng người bị mắc bệnh cúm AH5N1 quá ít và lại không hay gặp ở những đối tượng có nguy cơ cao-những người chăn nuôi hoặc làm việc ở trang trại gia cầm. Và cho đến nay, con đường lây truyền trực tiếp từ gà sang người cũng chỉ mới là giả thuyết, chứ chưa có gì chắc chắn.
Con gà cũng vô tội như con heo trong các đợt dịch cúm này, con gà cũng như các gia cầm khác cũng phải là đối tượng được bảo vệ như con heo chứ không thể bị giết bỏ hàng loạt trong mỗi đợt cúm gia cầm quay lại.
Ấy thế mà cái tên “Cúm gà” cứ đeo đẳng mãi với con gà trong suốt thập niên qua, chẳng ai đoái hoài đến chuyện đổi tên cho nó và cũng chẳng ai đoái hoài đến chuyện phải cứu con gà, tại sao như vậy?
Đi tìm câu trả lời không dễ dàng gì, nhưng với một cảm quan thông thường chúng ta có thể thấy rằng: cúm gà xuất phát từ các nước Đông nam Á- nơi được cho là đang phát triển, còn lạc hậu, nơi còn thiếu vệ sinh. Trong khi đó cúm heo, không phải bắt nguồn từ Mê-hi-cô đâu, mà từ Mỹ, từ New Jersey vào những năm 70 của thế kỷ trước. Đợt dịch cúm AH1N1 lần này được cho là xuất phát từ Mê-hi-cô, và lan nhanh sang láng giềng Mỹ, một nước có nền công nghiệp tân tiến nhất thế giới, văn minh nhất thế giới, mà vẫn mắc cúm và có người tử vong.
Vì cái tên gọi “cúm heo” tai hại mà ngành công nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm này của Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà WHO mới có thể bị áp lực đổi tên gọi cho đúng. Còn đối với cúm gà, ở các nước nhược tiểu như Việt Nam, “thấp cổ bé họng” không những không được đổi tên mà còn bị áp lực phải tận diệt gà để cứu thế giới tránh một hiểm hoạ đại dịch. Quả là một chuyện bất công!
Nhân chuyện cúm AH1N1 này, có lẽ giới chức trách Y tế Việt Nam cần phải xem xét lại và chúng ta nhất định phải kêu gọi WHO xét lại nỗi hàm oan cho con gà, không thể áp dụng biện pháp giết gà hàng loạt trong mỗi đợt dịch cúm AH5N1 ở gà- mà chưa có bằng chứng nào cho thấy đó là phương pháp tốt để ngăn ngừa dịch và cũng phải gọi lại tên là cúm AH5N1 chứ không được gọi cúm gà để cho nền công nghiệp chăn nuôi và sản xuất sản phẩm gia cầm ở Việt nam và các nước trong vùng không bị thiệt hại như đã hứng chịu hàng chục năm qua, nhất là những nông dân nghèo khổ của Việt nam- những người chăn nuôi gia cầm.
02/05/2009
Nguyên Linh
Cám ơn bài viết phản ánh rõ nét hiện thực của tri tuệ chúng ta còn nhiều mảng tối nói chung (đặc biệt trên lĩnh vực y tế, thú y gần đây. Chứng kiến cảnh gà, vịt, chim, nay là lợn bị giết oan tui thấy thương xót cho kiếp gia súc gia cầm, thương thân phận nhà nông vất vả nhọc nhằn kiếm sống qua ngày bằng nghề chăn nuôi.
Khi trí tuệ còi, khoa học mất gốc, mọi tư duy bằng cái bụng thì phương án sử dụng chân tay thường quá tả...
Bùi Văn Dủ
Kính chào TS nguyễn Đình Nguyên. Vấn đề liên quan đến dịch bệnh nhất là phương diên dịch tễ học ở Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều điều cần phải bàn lắm. Thông tin thì nghèo nàn, thiếu bằng chứng khoa học. Ví như vụ mắm tôm thịt chó và hôm nay dến chuyện "cúm heo, cúm gà". Tôi cũng là BS tôi rất đồng tình với bài viết của TS. Tôi rất mong GS Tuấn cùng với TS Nguyên có những bài viết sâu về lĩnh vực này để chúng tôi và người dân Việt Nam tham khảo thêm. Xim cám ơn!
Gửi anh Dũ
Cám ơn anh đã khuyến khích chúng tôi
Chúng tôi cần sự giúp đỡ của đồng nghiệp như các anh trong nước về phương diện thông tin.
Nếu chúng ta có một đội ngũ chuyên môn tâm huyết, làm khoa học, như chuyện gieo mầm, rồi đến kỳ cây cũng mọc và đơm hoa kết trái.
Chúng tôi cố gắng, nhưng nhiều khi cũng chỉ là “kẻ ngoại đạo”, chỉ nói được những chuyện bên ngoài, nhiều khi cần số liệu cụ thể bên nhà để xem xét thì như anh nói là …”trắng tinh”
Thì cũng đành làm thân con tằm, rút ruột nhả tơ…
Thân
Nguyên
Đoàn Hồng Ân
Ý kiến.
Tôi nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Đình Nguyên trong bài này và một số bài khác trước đây của ông viết cùng chủ đề này.
Gia đình tôi sống ở nông thôn từ nhiều đời, nhiều năm nay, như các gia đình khác ở nông thôn Việt Nam, thường vẫn nuôi gà, vịt, heo, trâu, bò …, nói chung là gia cầm, gia súc trong gia đình, và hiện nay cũng vẫn nuôi. Nguồn lợi kinh tế từ chăn nuôi để bỗ trợ cuộc sống các gia đình ở nông thôn, chúng ta không phải bàn thêm ở đây, và sự tổn thất, thiệt hại tiền của, công sức của nông dân chân lấm, tay bùn ở Việt Nam là lớn vô cùng từ mấy năm nay, dù cho đến giờ, chưa ai thống kê được sự mất mát này.
Nếu chúng ta có đủ tri thức, có tầm cỡ, và tâm huyết với nông dân, thì sự mất mát đau buồn ấy đã không xảy ra hoặc được hạn chế đối với tầng lớp lao động nghèo này. Thực sự có cần phải tàn sát toàn bộ vịt gà, chim chóc trên đất nước chúng ta để mong phòng tránh siêu vi H5N1 hay không, việc này không khoa học và cũng không thể, vì chúng ta nghĩ gì nếu Việt Nam hoàn toàn không còn một con chim, con gà nào! Loài chim đã sống cùng con người tự bao đời nay, vì sao giờ chúng ta lên án và tiêu diệt chúng bởi cho rằng chúng mang đến mầm mống bệnh hoạn cho chúng ta?
Nhiều căn bệnh, nhiều sự hiểm nguy cho con người có thể đến từ nhiều loại gia súc, gia cầm, không riêng gì gà hay heo…nhưng việc này cũng bình thường và có lỗi của con người do thiếu hiểu biết hay bất cẩn, và cả do cơ địa không đủ sức vượt qua những cãm nhiểm của những chủng loại vi rút luôn hiện diện trong môi trường sống của mình. Vậy tại sao chúng ta đỗ lỗi cho gà, heo… và tiêu diệt chúng.